BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tạp bút

Mùa nấm rừng…

Cập nhật ngày: 02/12/2019 - 15:11

BTN - Mùa này lên các xóm núi miền Trung đi đâu cũng chỉ nghe mỗi một đề tài nấm (mối). Sáng tinh mơ, những người buôn nấm mối, người mê ăn nấm mối đã ra đường chờ sẵn để đón những gùi nấm ướt sương đêm vừa được mang ra khỏi rừng.

Những chuyến xe xuôi phố chở theo hàng bao to ngoài ghi vội bằng bút lông hai chữ “nấm rừng” kèm theo thông tin chất lượng (nở hoặc búp) và giá cả. Bao bì trông dân dã vậy nhưng giá thì khiếp lắm: nấm búp 320.000 đồng/kg; nấm nở rẻ hơn; chỉ có… 250.000 đồng/kg. Biết làm sao được, giữa thời buổi mà 90% thức uống đồ ăn đều là sản phẩm công nghiệp, món nấm mối rừng hoàn toàn tự nhiên trở thành “siêu đặc sản” là lẽ đương nhiên! Mà cũng xứng đáng thôi, bởi nấm mối rừng ngon lắm; ai từng nếm qua, bảo đảm sẽ nhớ nhung hương vị cả đời…

Nhưng cái giá để được ăn món đặc sản tuyệt vời kia, hoàn toàn không rẻ chút nào. Dân chuyên nghiệp thường bắt đầu cuộc "săn" nấm từ 7, 8 giờ đêm. Dân không chuyên ít thạo đường rừng thì 5 giờ xuất phát. Miền Trung đang mùa mưa. Mưa rừng rất lạnh; còn thêm muỗi, vắt và nỗi lo rắn rít, độc trùng. Khởi hành đi chung; nhưng bắt đầu tìm thì ai tách riêng ngả nấy. Ðội đèn pin trên đầu, người tìm nấm cô đơn băng rừng trong đêm, cần mẫn soi vào các gốc cây to mong tìm ra dấu tích của những tai nấm mối.

Người nhiều kinh nghiệm có thể nhận biết hương nấm mối thoảng qua mũi hoặc nhìn ra những tai nấm mối lờ mờ phát quang khi bắt ánh sáng đèn. Tìm được, nhổ nấm cũng cần phải có nghề: túm gốc nhẹ nhàng nhổ bằng tay, không được dùng đồ kim loại đào bới. Nhổ không quen, cây nấm tróc lên bị giập nát là coi như hỏng. Nghề “phá sơn lâm” luôn kèm theo những niềm tin có tính tâm linh: dân hái nấm tin rằng ai “nhẹ vía” băng đi hướng nào cũng gặp nấm; trong khi người “nặng vía” thì dù có giẫm nấm dưới chân cũng không nhận ra (?).

Thực hư ra sao không dám lạm bàn; nhưng tôi vẫn tin cái chuyện kẻ hái được nhiều người hái được ít là do kinh nghiệm cùng sự nhạy cảm bản năng (cộng thêm chút may rủi ngẫu nhiên) hơn là đổ thừa tại “vía”!

Sở dĩ phải lặn lội tìm nấm xuyên đêm là do đa phần nấm mối rừng đội đất mọc trồi lên trong đêm. Nhổ quãng nửa đêm về sáng mới có nấm búp. Ðể đến bình minh nấm mối sẽ bung nở, kém chất lượng. Thêm nữa; bây giờ người lội rừng đêm tìm nấm mối đông như kiến thì tới bình minh nấm mối nào còn? Giá nấm cao nên người đi hái nấm may mắn một đêm có thể kiếm ra vài triệu đồng. Xui thì… thôi, không tính. Một, hai đêm lội rừng có khi thu nhập bằng lên rẫy hằng tháng hỏi ai không ham?

Nấm mối rừng cạo rửa sạch, cắt bỏ chân đem nấu món gì cũng ngon. Thịt nấm ngọt, thơm, giàu dinh dưỡng, còn có công dụng phòng trị bệnh. Biết vậy; nhưng giờ giá nấm quá cao nên ngay người đi hái nấm cũng không dám ăn mà chỉ để dành… đem bán. Món ngon không chọn miệng người nghèo; quy luật nghiệt ngã ấy đành phải chấp nhận.

Tuy vậy, cũng xin cảm tạ trời đất, núi rừng về món - quà - quý - giá - mỗi - năm - một - vụ mà thiên nhiên hào phóng ban cho. Ðến hẹn lại lên. Tuy ngắn ngủi, nhưng mùa nấm rừng giúp dân nghèo xóm núi có thêm nguồn phụ thu đáng kể. Cũng là sản vật rừng; nhưng cây nấm mối nhổ rồi năm sau lại mọc, không lo “tuyệt chủng” hay ảnh hưởng môi sinh. Mùa nấm rừng, người giàu vui vì được ăn ngon thì người nghèo cũng vui vì rủng rỉnh bạc tiền.

Y NGUYÊN