Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bà Thi không khỏi thắc mắc, trong giao dịch mua bán đất, bà hoàn toàn trung thực và không hề biết vợ chồng ông Khiêm đang bị khởi kiện tại Toà. Hơn nữa, hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ cũng đã thực hiện xong. Vì sao trong trường hợp này, Toà án và VPÐKÐÐ vẫn còn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong toả tài sản như trên?
Thửa đất đang đề cập.
Theo trình bày của bà Tô Thị Bích Thi (ngụ ấp Ninh An, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu), cách đây khoảng 5 tháng, bà có mua một phần đất có diện tích 475m2, thuộc thửa số 334, tờ bản đồ 13, toạ lạc tại ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh.
Phần đất này do ông Nguyễn Công Khiêm và bà Võ Thị Thu Nga đứng tên trong giấy chứng nhận QSDÐ. Do công việc làm ăn, bà Thi thường tạm trú tại TP. Hồ Chí Minh. Bà Thi biết đến thửa đất trên thông qua một người quen giới thiệu. Thửa đất được ông Khiêm và bà Nga ra giá bán 540 triệu đồng. Ngày 6.7.2018, bà Thi quyết định mua thửa đất và đặt cọc trước 50 triệu đồng.
Thực tế, ông Khiêm và bà Nga có lưu ý giấy chứng nhận QSDÐ đang thế chấp vay vốn tại ngân hàng, nếu bà Thi chịu trả tiền cho ngân hàng (tính luôn vào phần tiền mua đất) để lấy “sổ đỏ” ra, thì đến ngày 10.7.2018 hai bên sẽ ký kết hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ. Bà Thi đã đồng ý theo thoả thuận. Ðúng hẹn, bà Thi cùng vợ chồng ông Khiêm đến ngân hàng trả tất nợ vay và lấy “sổ đỏ” ra. Cùng ngày 10.7, hai bên đã cùng nhau đến Văn phòng công chứng Trần Duy Linh (phường 1, thành phố Tây Ninh) để thực hiện hoàn tất thủ tục ký kết hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ.
Ðến ngày 24.7, bà Thi mang hồ sơ mua bán đất đến Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh - Chi nhánh huyện Châu Thành (VPÐKÐÐ) để làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận QSDÐ. Tại đây, người mua đất vô cùng bất ngờ khi cán bộ phụ trách cho hay không thể thực hiện sang tên cho bà Thi được. Lý do, ngày 23.7, VPÐKÐÐ có nhận được quyết định “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” của TAND huyện Châu Thành về việc tạm thời phong toả tài sản của người có nghĩa vụ (tức ông Khiêm và bà Nga) là thửa đất số 334 nêu trên để bảo đảm cho việc thi hành án.
Theo quyết định ngày 23.7.2018 của TAND huyện Châu Thành, bà Lê Thị Kim Vân là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản đối với bị đơn Nguyễn Công Khiêm và bà Võ Thị Thu Nga, có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nên Toà án ra quyết định tạm thời phong toả tài sản thửa đất số 334 nêu trên.
Bà Thi không khỏi thắc mắc, trong giao dịch mua bán đất, bà hoàn toàn trung thực và không hề biết vợ chồng ông Khiêm đang bị khởi kiện tại Toà. Hơn nữa, hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ cũng đã thực hiện xong. Vì sao trong trường hợp này, Toà án và VPÐKÐÐ vẫn còn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong toả tài sản như trên?
Ngày 28.12, bà Phan Thị Hưởng - Thẩm phán TAND huyện Châu Thành, người ký quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên, cho biết, qua xem xét các chứng cứ có liên quan thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên được thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (tại các Ðiều 111, 112, 114, 126). “Thật ra, tôi cũng đã hướng dẫn bà Thi nộp đơn khởi kiện ông Khiêm và bà Nga để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, thẩm phán Hưởng nói.
Theo một người có kinh nghiệm trong việc sang nhượng đất đai, trong trường hợp này, ngay từ khi bà Thi biết được giấy chứng nhận QSDÐ của ông Khiêm và bà Nga đang thế chấp tại ngân hàng, thì phải tìm hiểu kỹ xem bên bán đất còn “nguy cơ nào khác” có khả năng bị hạn chế giao dịch phần tài sản này hay không. Bằng nhiều cách, nhưng cách hiệu quả nhất là chủ động hoặc yêu cầu bên bán tài sản liên hệ cơ quan chức năng như Toà án, VPÐKÐÐ…
Riêng thắc mắc của bà Thi về việc hợp đồng chuyển nhượng QSDÐ đã thực hiện xong nhưng vì sao vẫn bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong toả tài sản, tại Ðiều 503 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: “Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Ðất đai”. Như vậy, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án ban hành trước khi bà Thi đến VPÐKÐÐ để thực hiện thủ tục đăng ký đất.
Trong trường hợp này, bà Tô Thị Bích Thi cần khởi kiện vợ chồng ông Nguyễn Công Khiêm yêu cầu Toà án giải quyết để đòi quyền lợi của mình. Nếu bà Thi có căn cứ cho rằng, vợ chồng ông Nguyễn Công Khiêm có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà, thì bà có thể gửi đơn đến cơ quan Công an yêu cầu giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
QUỐC SƠN