BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa nhãn, về Năm Trại - Trường Đông 

Cập nhật ngày: 18/12/2019 - 15:39

BTN - Mái ngói đã lốm đốm rêu phong, nổi bật ngôi sao vàng trên đỉnh mái. Ngay sau đấy đã là bóng tối âm u của rừng Năm Trại, thấy rõ cả một khóm dây leo vắt vẻo cạnh đường mòn.

Khu họp mặt truyền thống.

Thế là đến những ngày cuối năm, tôi cũng về được ấp Năm Trại, xã Trường Ðông. Chẳng là dạo đầu năm, tôi đã được xem bản quy hoạch chung của đô thị Hoà Thành, một đô thị cấp 4 và sắp tới đây sẽ lên thị xã. Quy hoạch ấy xác định ba trung tâm du lịch của thị xã Hoà Thành tương lai. Dĩ nhiên, một trong số đó phải là Toà thánh Tây Ninh. Khu thứ hai lấy chùa Thiền Lâm- Gò Kén ở xã Long Thành Trung làm hạt nhân, rồi phát triển chung quanh trở thành khu thương mại, dịch vụ - du lịch và nhà vườn sinh thái. Còn khu thứ ba, chính là ở Trường Ðông.

Hai khu đầu tiên thì ai cũng biết rồi. Riêng khu thứ ba này có lẽ không tiện đường nên còn ít người biết tới. Như tôi, đã từng nghe danh Năm Trại và rừng 16 mẫu đã lâu nhưng chưa từng có lần đi. Dù nơi đây cũng chẳng xa gì, chỉ cách trung tâm huyện chừng 8km.

Bây giờ, đường sá đã được nâng cấp, lại có phong trào xây dựng nông thôn mới góp tay vào nên đường về Năm Trại đã phong quang thơ thới. Ta có thể theo trục Nguyễn Văn Linh từ trung tâm Thị trấn đi ra. Hoặc từ quốc lộ 22B theo Nguyễn Lương Bằng đi vào. Ðã có lần, tôi đi được nửa đường Nguyễn Lương Bằng, vì thấy đường quá rộng lại rực rỡ hoa vàng nở thênh thang dọc tuyến. Sau xem truyền hình mới biết đây là thành quả của phong trào xây dựng nông thôn mới xã Trường Ðông. Còn đường Nguyễn Văn Linh đã là trục chính trên địa bàn huyện từ lâu, gần đây được nâng cấp thành đường lớn mặt bê tông nhựa.

Nhưng lần này, tôi đến Năm Trại không bằng những con đường lớn phẳng phiu như kể, mà đến trên con đường xuyên qua ấp Cẩm An của xã Cẩm Giang. Ðấy là con đường cũng trải đá dăm và thấm nhựa. Vừa qua những vườn cao su thăm thẳm của nơi gọi là Láng Cát, Bàu Trâm, tôi sang tới Trường Ðông thấy những vườn nhãn chạy dài tít tắp. Nơi vàng sậm màu da bò trên sum suê những chùm quả sắp đến kỳ thu hoạch. Nơi mới chỉ đơm hoa rừng rực vàng ươm.

Không chỉ nhãn, mà còn những vườn ổi, vườn cam. Người nông dân nâng niu từng trái ổi trĩu trịt trên cây, bằng những túi bọc mềm xốp trắng. Vườn rẫy bên đường có cả những bờ lau xào xạc. Có chỗ bông lau nhuộm nắng, vàng mơ như lụa nõn tơ tằm. Dưới một bờ lau, còn vang lên tiếng róc rách âm thầm, hỏi một bác nông dân, bác bảo đấy là con suối mang tên Năm Trại. Nước trong veo, len lách chảy qua những góc lúa, bờ tre vun vút ngọn măng.

Khu di tích.

Rời đường nhỏ, lên con đường lớn nối dài với đường Nguyễn Văn Linh, xuôi thêm vài trăm mét thì tới khu di tích lịch sử huyện Hoà Thành. Cổng tam quan, trụ gạch xây quét vôi vàng. Mái ngói đã lốm đốm rêu phong, nổi bật ngôi sao vàng trên đỉnh mái. Ngay sau đấy đã là bóng tối âm u của rừng Năm Trại, thấy rõ cả một khóm dây leo vắt vẻo cạnh đường mòn. Gọi là mòn nhưng thật ra đường đã được xây, tôn cao khoảng 2 tấc khỏi nền đất.

Ðường uốn lượn giữa rừng còn giữ được vẻ nguyên sinh hoang dại. Xưa có lẽ là rừng chồi, nhưng nay nhiều cây đã lớn cao, có khá nhiều cụm dây leo nhoai nhóc vươn lên dưới tán rừng cây sẫm tối. Thấp thoáng đó đây là những căn lều trại. Thâm thấp thôi, đủ cho người lớn bước vào phải cúi đầu. Lều với 4 cột sơ sài, gác mấy cây kèo nhỏ, lợp tôn sóng ngói của thời nay.

Cũng chẳng sao, bởi trên các mái tôn màu đỏ lá rụng đã phủ đầy, nên khá giống với mái những căn lều lá. Chỉ có những cột tròn sơn màu óng đỏ là có vẻ hơi xa lạ. Yên tâm đi! Chẳng bao lâu nữa cột bạc màu sơn là lại giống với cây rừng. Dưới mái là nền, đều có những miệng hầm, thông ra các chiến hào lẩn khuất gần đây đó. Ðiều quan trọng nhất của di tích này là vẫn giữ được rừng xưa. Dưới tán cây cao, là tầng rừng thấp mọc nhiều cây mật cật và đủng đỉnh. Gọi thấp, nhưng cũng có những khóm cây đủng đỉnh vươn cao chừng 4- 5 mét, cành lá hân hoan sáng ánh mặt trời.

Trong một khoảng trống giữa rừng, một công trình mới duy nhất là nhà bia với kiểu kiến trúc “tứ trụ”, hai tầng mái ngói. Góc mái cũng cong lên để kết thúc bằng các đầu đao mang dáng dấp rồng bay. Bia đá đen, chữ trên bia óng ánh sắc vàng. Bia ghi: “Ðược thành lập vào quý 3/1961, Huyện uỷ Toà Thánh lấy động Kim Quang, Hang Ðất, Cây Da… trên núi Bà làm căn cứ chính và xây dựng căn cứ tiền phong ở Năm Trại, trực tiếp chỉ đạo 2 xã Trường Hoà và Long Thành… làm nơi đứng chân của các đơn vị của tỉnh như Tiểu đoàn 1, 14, 16 để thực hiện 3 mũi giáp công… Ðây là khu rừng lõm nối liền với rừng 16 mẫu, cách quận Phú Khương 8km…”.

Cái căn cứ lõm vào giữa lòng địch, chỉ cách trung tâm quân sự quận Phú Khương có 8km ấy đã kiên cường chống trả biết bao trận giặc càn, với xe tăng thiết giáp và pháo bom trút xuống. Bia đá chữ vàng cũng chỉ ghi lại được phần nào. Như trận càn tháng 2.1970 của một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn. Hoặc trận 6 đại đội quân nguỵ càn quét vào căn cứ rừng 16 mẫu tháng 9.1971.

Dù lực lượng ta ít, nhưng đã khéo léo kết hợp với bãi trái gài, bảng tử địa khiến lần nào chúng cũng thất bại thảm hại và rút quân. Căn cứ Năm Trại vẫn tồn tại vững vàng suốt hơn 14 năm kháng chiến. Ðể rồi từ đây, Tiểu đoàn 26 lực lượng vũ trang huyện Toà Thánh đã cùng với Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 24 huyện Dương Minh Châu và du kích xã Trường Hoà tiến về giải phóng Chi khu Phú Khương, cùng lúc với đại quân tiến vào chiếm dinh Ðộc lập tại Sài Gòn.

Khu sinh hoạt truyền thống.

Tôi còn đọc được trong sách lịch sử LLVT huyện Hoà Thành 1961-2010 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện xuất bản tháng 3.2018) những câu thơ của đồng chí Võ Văn Truyện, tức Tám Hoà, Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh những năm đầu lập huyện Toà Thánh. Bài thơ đồng chí đọc ở động núi Kim Quang vào ngày thành lập Ðội vũ trang- tiền thân của LLVT huyện Hoà Thành.

Ðấy là: “Các đồng chí/ Ðầu đội chủ trương/ Lưng mang chính sách/ Vai đeo súng/ Tuyên truyền đi trước/ Chiến đấu song hành/ Quyết chí bám dân/ Kiên trì vận động/ Mưa dầm thấm lâu/ Nước chảy đá mòn/ Ðịch ắt phải thua/ Ta nhất định thắng”. Kiên trì thực hiện theo đúng tinh thần ấy, có lẽ không đâu bằng các chiến sĩ từng bám đất bám dân trong căn cứ lõm rừng Năm Trại.

Ngay bên khu di tích này còn có một khoảng rừng trồng sạch đẹp như mơ. Ðấy khu Căn cứ Năm Trại. Rừng dầu thẳng tắp mỡ màng đã lên cao và khép tán. Nắng xanh lung linh dọi xuống những con đường thẳng và các ô sân nền- chắc là để các chiến sĩ và bạn trẻ Hoà Thành sinh hoạt truyền thống. Cái mới và cái cũ bên nhau, nhưng đều một sắc xanh đậm đà hoặc tươi non của cây rừng. Không xa đây là rạch Bàu Nâu với cây cầu xưa gọi là cầu Sắt, nay đã mang tên Năm Trại anh hùng. Bao quanh căn cứ địa là những rừng cao su, vườn cây trái thoảng thơm mùi hoa nhãn. Năm Trại thật xứng là hạt nhân của một vùng du lịch sinh thái một ngày mai.

TRẦN VŨ