Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mùa phượng đỏ núi Bà Ðen
Thứ bảy: 07:18 ngày 22/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phượng theo lối người đi bộ mà lên, cùng những cụm cây trứng cá toả đầy bóng xanh mát dọc đường. Phượng cũng leo lên vách đá kề bên thung lũng Suối Vàng cùng các bác sung già quắc thước hiên ngang bám chặt vào vách đá.

Phượng đỏ núi Bà Đen.

Chẳng biết là ai đã đem cây phượng về trồng ở núi Bà Đen? Nhưng từ khi có cáp treo cũ, công nghệ Trung Quốc vào khoảng cuối thế kỷ trước, thì khách lên viếng núi dịp hè đều gặp những tàn hoa phượng thắm. Phượng theo lối người đi bộ mà lên, cùng những cụm cây trứng cá toả đầy bóng xanh mát dọc đường. Phượng cũng leo lên vách đá kề bên thung lũng Suối Vàng cùng các bác sung già quắc thước hiên ngang bám chặt vào vách đá. Du khách có thể vừa ngồi trong cabin đôi, với tay ra mà xoà vào những chùm hoa tưởng làm ta thêm bức sốt cả người. Vậy mà, ô hay! Chạm tay vào mát rượi.

Bây giờ, khách lên núi đã chọn tuyến cáp công nghệ châu Âu- mỗi chuyến lên chừng 5 phút. Cabin kín, mỗi lượt 8 người, tuyến cáp xưa như đã trôi vào dĩ vãng. Nhưng vẫn còn đó, chênh vênh đứng lặng trên sườn dốc rực màu phượng đỏ. Nói thêm để nhớ những cabin đôi, chỉ chở từng cặp hai người yêu nhau. Thông thống giữa gió trời như một chiếc giỏ treo, lừng lững trôi lên xuống mỗi lần mất 20 phút.

Nhưng, vào mùa hoa phượng, tai ta còn được nghe tiếng ầm ào hay róc rách của Suối Vàng chảy giữa lòng thung sâu hút. Mắt ta còn thấy những vách núi dựng đứng sầm sẫm màu rêu đá của rừng già. Những thân gốc cổ thụ, mà nếu là sung thì thế nào cũng chi chít quả. Giữa mùa mưa, lòng suối dưới thung có chỗ nước vượt ghềnh trắng xoá. Và thêm một vừng hồng rực vừa mới trôi qua…

Lên núi lần này, vào ngày chính lễ hội vía Bà mùng 5.5 âm lịch. Dưới kia, trong các chợ, hoặc ở mỗi nhà, người người đón mùa tết nửa năm- Đoan Ngọ. Trên núi, phượng cũng đã bừng lên sắc thắm của mình, như hân hoan, nồng nhiệt đón chào du khách. Nhưng tôi chỉ được ngắm màu hoa đỏ từ xa, khi ngồi trên cabin châu Âu ngắm về tuyến cáp cũ, và cặp kè bên nó là tuyến máng trượt, như con rắn lượn quanh co giữa triền núi đá nhấp nhô và rừng cây xanh óng.

Ô kìa, trên một đoạn máng trượt thẳng băng, là ba chiếc xe trượt đang lao vun vút. Các bạn chắc vui sướng lắm, vừa trôi giữa màu xanh hoang hoải đại ngàn, vừa thoải mái la hét khi chưa kịp thắng khi tới một khúc quanh. Còn tôi lại thấy các bạn đang trôi giữa bồng bềnh hoa phượng. Và đôi khi để nhấn thêm màu đỏ thắm loang loang là những tàn cây rực rỡ những hoa vàng.

Ôi, núi Bà quê hương! Mỗi lần đến lại thấy như núi đã xanh hơn. Và cũng thế, là rực rỡ lại màu hoa phượng. Như khi tôi đã đến chùa Hang, nhìn xuống thì thấy một tàn hoa phượng, cứ rực đỏ lên ngay trong bóng râm trước thềm khu vực chùa Bà. Nơi này là điểm thờ tự chính của núi Bà, gồm có Điện Bà, chùa Bà (Linh Sơn Tiên Thạch tự) và ngôi chùa Tổ. Ôi cái màu hoa, còn rực đỏ hơn màu mái ngói các ngôi chùa trong lễ hội mùng năm.

Ngay bên cạnh cái tàn hoa rực đỏ kia là một công trường đang hối hả thi công. Tấm bảng thông tin gắn trước sân chùa cho biết đấy là công trình mở rộng mặt sân chùa Bà. Chủ đầu tư là UBND tỉnh Tây Ninh. Đơn vị tài trợ là Công ty cổ phần Mặt Trời Tây Ninh (thuộc Tập đoàn SunGroup). Dự án đã khởi công từ ngày 10.11.2018, và dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Bản vẽ phối cảnh kề bên cho thấy, phần mở rộng thêm ở ngay phía trước cụm chùa với 3 tầng mặt bằng uốn lượn theo dáng núi.

Đẹp long lanh như kiểu ruộng bậc thang Mù Cang Chải ở miền núi phía Bắc đã thành di tích quốc gia. Đôi đoạn lại có một ban công hình tròn nhô ra cho người ra ngắm không gian bên dưới. Công trình vẫn đang thi công, với các cột thép sơn màu đỏ óng tựa cột chùa. Phần nền của từng tầng cũng được trải thép lên rồi mới đổ bê tông và lát gạch. Kết cấu ấy là khá phù hợp bởi tính linh động, uyển chuyển và sự nhẹ nhàng cần thiết của một công trình ôm choàng vào đá núi. Nhớ khi xưa, trước chùa là một vực sâu đọng nhiều rác thải, nằm kề bên “Dốc thượng” lối lên chùa.

Dù vẫn đang thi công, nhưng từ chùa Hang cao hơn vài chục mét nhìn về đã hiện rõ một hình hài bậc thang uốn lượn dịu dàng. Và, còn đẹp long lanh hơn cả trên bản vẽ. Là ở chỗ công trường vẫn giữ nguyên được những cây cổ thụ mọc lên từ thung sâu phía trước, xoè tán cao cao ngay trước sân chùa. Chỉ một chi tiết ấy thôi, đã có thể coi là một kỳ tích, về sự tôn trọng từng chi tiết cảnh quan của núi. Cũng nhờ thế mà trên những tấm sàn đang tất bật thi công kia đã được phủ đầy bóng mát, lương vương cánh hoa rơi trên giàn giáo công trường.

Ô hay! Mê mải ngắm những khung cảnh lạ, quen mà tôi quên mục đích chính của chuyến đi là lên núi dự lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu. Sự linh thiêng ở đây đã nổi tiếng từ trên dưới 200 năm trước, nên tới năm Tự Đức thứ 3, triều Nguyễn đã đổi tên núi Bà Đen thành núi Linh Sơn, và ghi danh trong các điểm thờ tự của triều đình. Núi linh thiêng nhờ sự tích về cô gái Lý Thị Thiên Hương hiển thánh sau khi mất.

Đến nay, tài liệu thành văn chỉ còn ghi nhận thời ấy là vào khi sư tổ Đạo Trung đến tu ở núi Bà Đen (1763-1794) (sách Ngọn đuốc cửa thiềnTây Ninh xưa). Vậy là lễ vía Bà đã trở thành lễ hội xa xưa nhất ở Tây Ninh. Nếu tính từ khi sư Đạo Trung rời núi (1794) đến nay cũng đã 225 năm chẵn.

Đến viếng Bà thôi! Ở cái hang đá ngày xưa, nay gọi Điện Bà, thì thấy trên nóc điện một vầng hoa phượng đỏ. Bên trong ngôi võ ca đã thấy người xúm xít chuẩn bị hoa trái và quả phẩm, kể cả vài mâm tú hụ heo quay nguyên con vàng rộm cùng hương khói ngạt ngào. Cả năm ở núi chỉ có dịp này mới được phép cúng heo quay, là bởi vì theo truyền tụng thì Bà đã tu thành chánh quả, đắc đạo từ lâu.

Lên núi mùng 5 năm nay, cứ tưởng sẽ được dự lễ trao bằng di sản phi vật thể cấp quốc gia cho các chùa núi, bởi Bộ VH,TT&DL đã công nhận lễ hội này từ tháng 9.2018. Vậy mà không! Điện hỏi ngành chức năng thì được trả lời: - Đợi tới ngày khánh thành công trình mở rộng sân chùa thì làm luôn một thể (cho thêm phần long trọng).

Vậy nên vẫn là cảnh tượng người Tây Ninh đã từng thấy, cả trăm năm qua vẫn thế. Đoàn các nhà sư cùng đội nhạc lễ đi làm lễ ở từng ngôi chùa trên núi. Ban nhạc lễ áo thụng xanh nghiêm ngắn, vừa đi vừa tấu nhạc. Các nhà sư tụng niệm làm nghi lễ thiêng liêng trước mỗi ban thờ. Tôi sang đến chùa Hang lúc 9 giờ đã thấy đoàn nghi lễ từ chùa Quan Âm đi xuống. Thượng toạ Thích Niệm Thắng bảo, sao lên muộn thế. Vì hôm chính lễ mùng 5, nghi lễ đã diễn ra từ lúc 7 giờ. Một vài lễ quan trọng đã bắt đầu từ hôm trước, như lễ Hưng tác thỉnh chư vị Sơn thần bổn xứ, hay lễ tắm Bà…

Chiều mùng 5 mới là nghi lễ chính, trang trọng nhất là lễ Khoa trình thập cúng. Đích thân Ni trưởng Viện chủ chủ trì với 10 lần dâng lễ lên ban thờ Bà ở trong hang núi Điện. Ngoài hương, đăng, trà còn có quả (trái cây), thực (xôi, bánh), thuỷ (nước), châu báu, trang sức, trầu cau… Đêm mùng 5 còn có một lễ hội thật vui và đầy màu sắc là lễ Xả Giàn.

Tan lễ, người lớn, trẻ em có thể tha hồ giành lấy một phẩm vật vừa được cúng xong trên giàn chẩn tế. Khách phương xa, cũng thường đợi lễ này xong mới vui vẻ ra về. Ngày mùng 6, vẫn còn vài lễ nhỏ vào buổi sáng. Sau cúng ngọ buổi trưa thì mới gọi là “hoàn mãn” lễ vía Bà.

Cứ như tôi biết thì lễ vía Bà cũng có thời hoàng kim rất đáng nhớ. Đấy là vào lúc Công ty Du lịch Tây Ninh vừa mới “cổ phần hoá” khoảng năm 2005-2006. Từ đấy, cứ dịp lễ này là công ty lại mời gọi các đối tác ở nhiều tỉnh, thành về núi dự hội mùng 5. Rình rang lắm, lân sư rồng múa tưng bừng. Trai thanh gái lịch nhân viên công ty gánh những phẩm vật cúng lên làm một lễ vía riêng cực kỳ trang trọng.

Vài năm gần đây không còn thấy tổ chức nữa. Nhưng người dân khắp miền Đông, miền Tây thì chẳng thể quên, lễ nào cũng thấy người Long An, Bình Dương… đem những bó sen hồng, huệ trắng nườm nượp lên hang núi Điện Bà. Cũng là một điều hay, lễ hội của dân hoàn toàn là của dân lo, chỉ có “lưu truyền” mà không lo “biến dị”.

Ôi chà! Giờ chỉ còn mong đến ngày khánh thành sân trước chùa Bà, để còn thấy lễ hội vía Bà được vinh danh là di sản cấp quốc gia. Chẳng biết lúc ấy có còn cây phượng nào ra hoa, để núi vẫn luênh loang màu hoa phượng.

Ghi chép của N.Q.V

Tin cùng chuyên mục