Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mùa rau hẹ
Thứ bảy: 05:26 ngày 06/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Rau mọc quanh năm, nhưng nhiều nhất là giữa mùa mưa, tức là khoảng tháng sáu, tháng bảy và tháng tám âm lịch. Lúc này toàn cánh đồng quê tôi đã cấy xong lúa mùa.

Ảnh minh hoạ: P.T.K

Năm nay mưa khá nhiều. Hai ba ngày liên tiếp, mới sáng sớm bầu trời xám xịt. Rồi lất phất mưa rơi, kế đến ào ào mưa tuôn, nước đổ. Đến trưa, ông trời lại rỉ rả giọt ngắn, giọt dài cho tới chiều.

Nghe mưa gõ nhịp rì rào trên mái nhà, tôi chạnh nhớ mấy câu hát mà anh em tôi thường nghêu ngao thời niên thiếu, mỗi khi mưa dầm, xách thau ra đồng ruộng nhổ rau hẹ: “Trời mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ/- Tôi thương một người mất mẹ còn cha/ - Khi thương chẳng kể gần xa/- Khi thương chẳng phải ruột rà cũng thương ”.

Lá hẹ mà chúng thường nghêu ngao ngày xưa ấy, không đợi mưa lâm râm, mà từ lúc nó mới tượng hình, cho đến khi người ta nhổ đi, lúc nào nó cũng ướt dầm. Bởi nó được sinh sôi nảy nở trong bùn và phát triển ngầm trong nước, nên được gọi là rau hẹ nước. Nó chẳng có họ hàng gì với cây rau hẹ trồng trên đất gò. Rau hẹ trồng trên gò là loại cây cùng họ với cây hành, lá dẹt và dài, thường dùng để nấu canh, xào thịt, hoặc ăn sống...

Do lá dài và mỏng, khi nấu canh, lá hẹ quấn vào nhau, nên thành ngữ có câu “Rối như canh hẹ” (ý chỉ tình trạng rối ren, không có cách giải quyết; tâm trạng bối rối, lẫn lộn lung tung không giữ được bình tĩnh).

Còn rau hẹ nước chỉ để ăn sống, không thấy ai xào, nấu canh hay luộc gì cả... Trước kia đồng ruộng quê tôi nhiều rau hẹ lắm. Nó mọc tự nhiên ở những đám ruộng sâu, quanh năm ngập nước.

Rau mọc quanh năm, nhưng nhiều nhất là giữa mùa mưa, tức là khoảng tháng sáu, tháng bảy và tháng tám âm lịch. Lúc này toàn cánh đồng quê tôi đã cấy xong lúa mùa. Trời mưa mát mẻ, lúa vừa bén rễ. Nông dân nhấp diêm u-rê cho lúa. Lúa bắt diêm phát triển mạnh, nở bụi nghe “rẹt rẹt”...

Cùng với lúa, rau hẹ cũng bèo trên mặt bùn và lên nhanh trong nước. Lúc này, bà con nghèo quê tôi, trong đó có anh em tôi bắt đầu vào mùa thu hoạch rau hẹ. Hồi đó mỗi năm cánh đồng quê tôi, nông dân chỉ làm có một vụ lúa mùa dài ngày, mà năng suất thấp lắm, lại thường xuyên mất mùa. Nên chưa đến những tháng giáp hạt (tháng mười, tháng mười một âm lịch), mới chỉ tháng sáu, tháng bảy nhiều nhà nghèo đã hết sạch lúa trong bồ. Phải chạy tiền mua “gạo lon, gạo lít” về nuôi con.

Thời ấy, cũng chưa có các khu công nghiệp như bây giờ. Nông dân nghèo thiếu lúa gạo, lại thiếu việc làm, không có đủ tiền mua gạo, nhiều nhà đông con phải cho con ăn độn rau cháo, củ mì, củ lang, củ nần (loại củ mọc hoang dại trong rừng) qua ngày.

Cùng với các loại củ, rau hẹ nước vừa là rau, vừa là chất độn “tuyệt vời” của những người thiếu gạo. Vì nó rất lành tính, ăn vào mát bụng, ăn nhiều cũng không thấy xót ruột, hay nặng bụng… nên ăn no thì thôi. Nhất là ăn rau hẹ thì không phải mất tiền mua, chỉ ra công đi nhổ.

Tháng sáu, tháng bảy là lúc “nông nhàn” và học sinh như anh em tôi cũng còn nghỉ hè. Vậy là bất chấp mưa dầm, hay nắng ráo, ngày ngày, những nhà nghèo khó, từ người lớn đến trẻ em í ới, rủ nhau, gọi nhau xách thau, bưng rổ, xuống rạch, chèo xuồng qua ruộng nhổ rau hẹ. Vậy là mùa hè, cũng là mùa rau hẹ của bà con xóm nghèo quê tôi.

Trong “đội quân” đi nhổ rau hẹ đó, thường xuyên có anh em tôi. Nói là thường xuyên, tức là anh em tôi có ngày đi, ngày nghỉ. Riêng gia đình anh Hai “Rau Hẹ” thì suốt cả mùa rau hẹ hầu như không nghỉ ngày nào. Và ngày nào cũng vậy, anh em nhà Hai Thảo nhổ thật nhiều rau hẹ về ăn độn cơm.

Anh thứ hai, tên Thảo, dưới anh có cả chục đứa em. Ba má anh hằng ngày đầu tắt mặt tối lo cái ăn cho con. Vậy mà nhà anh vẫn thiếu ăn trầm trọng, nên ngày nào anh Thảo cũng dẫn bốn năm đứa em, vừa gái, vừa trai đi nhổ thật nhiều rau hẹ. Vì vậy nhiều người trong xóm gọi Hai Thảo là “Hai Rau Hẹ”.                                                                                                                        

Hồi đó trong ruộng lúa, rau hẹ mọc nhiều lắm. Lúc này lúa mới bắt đầu nở bụi, nên những chỗ “cây cách cây, hàng cách hàng” của lúa còn những khoảng trống, rau hẹ thi đua với lúa mà nở bụi. Rau hẹ cũng lên từng bụi riêng biệt.

Cũng nhờ ruộng lúa còn những khoảng trống đủ bước chân người tránh né, nên dù lội xuống ruộng lúa nhổ rau hẹ, nhưng chủ ruộng không rầy la ai hết. Đối với trẻ em như chúng tôi, thì chủ ruộng nhắc nhở cầm chừng: “Bây nhổ khéo nghen bây, đừng đạp lút lúa!”.

Còn đối với người lớn thì chủ ruộng không nhắc nhở gì, mà còn khuyến khích thêm, vì có người nhổ rau hẹ lội xuống ruộng vừa làm mềm đất, vừa nhổ bớt rau hẹ đang cạnh tranh với lúa. Khi đi nhổ rau hẹ, thì người ta bưng cái rổ, hoặc cái thau. Khi nhổ thì nhổ nguyên bụi cả gốc rễ. Sau đó ngắt bỏ gốc và rửa sạch bùn, cho vào thau, hoặc rổ đem về nhà. Trước khi ăn thì rửa nhiều lần bằng nước sạch.

Thường thì tuỳ theo khẩu phần ăn trong gia đình mà người ta nhổ rau hẹ đủ ăn hai bữa trong ngày. Ngày sau muốn ăn thì đi nhổ tiếp. Hồi đó không ai nhổ rau hẹ để dành ăn nhiều ngày, vì đâu có tủ lạnh để bảo quản.

Anh em tôi cũng vậy, thường nhổ một rổ nhỏ đủ cho 4 người ăn thì thôi. Riêng nhà anh “Hai Rau Hẹ”, tức là anh Hai Thảo, quá đông người ăn và cũng đông người nhổ rau hẹ, nên bữa nào anh “Hai Rau Hẹ” và các em của anh bưng mấy thau rau hẹ về nhà.

Đúng như tên Thảo của anh, anh rất thảo ăn. Dù nhà nghèo, phải khi nhổ rau hẹ để ăn “độn” nhưng anh cũng thường cho bớt bà con xung quanh, nhất là những hộ không đi nhổ rau hẹ được. Ngoài ra anh cũng bán rẻ rau hẹ cho những người có tiền trong xóm để mua củ lang, củ mì về nướng cho các em ăn.

Riêng nhà tôi, hồi đó nghèo khó, thiếu thốn đủ thứ, nên anh chị em tôi ăn rau hẹ chấm với thức chấm nào cũng thấy ngon. Chị tôi thường kho cá (do anh em tôi đi câu) với mắm đồng (nhà làm), khi không có cá, không còn mắm đồng, chị kho mắm ruốc để chấm rau hẹ.

Lâu lâu “chơi sang” một tý, chị đi chợ mua cá hấp, hoặc thịt ba rọi về kho. Món này mà chấm rau hẹ thì không chê vào đâu được. Khi không cá mắm, thịt… chị lại cho cả nhà “ăn chay”. Chị đâm đậu phộng sống rồi kho, hay tương xào, tàu hủ kho, có khi chị mua chao… về chấm rau hẹ, cả nhà cũng ăn ngon lành. 

Từ khi nền nông nghiệp nước nhà phát triển, cánh đồng ruộng quê tôi mỗi năm sạ hai vụ lúa ngắn ngày và năng suất cao hơn trước kia rất nhiều. Ngoài làm ruộng, ngày nay hầu hết lao động trẻ ở quê đều có việc làm trong các khu công nghiệp, một bộ phận làm thương mại - dịch vụ. Nhờ vậy mà ai cũng có cuộc sống ổn định, không còn nhà nào phải ăn độn rau, khoai như ngày xưa nữa. Cũng không còn cảnh “nông nhàn”.

Trẻ em thì đầy đủ mọi thứ từ ăn, mặc đến vui chơi giải trí và học hành, nên đâu có ai ra đồng nhổ rau hẹ về ăn độn nữa. Mà dù có ai đó muốn ra ruộng nhổ rau hẹ về ăn cho “mát miệng, mát ruột” cũng không có đâu mà nhổ. Bởi toàn cánh đồng quê tôi giờ không thấy một bụi rau hẹ nào, dù đang ở thời điểm tháng sáu, tháng bảy âm lịch, những tháng của “mùa rau hẹ” ngày xưa. Những năm gần đây, không rõ vì sao mà rau hẹ ở cánh đồng quê tôi đã biến đi đâu hết rồi?!

T.L

Tin cùng chuyên mục