BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa rê ếch

Cập nhật ngày: 29/08/2020 - 08:02

BTN - Tháng bảy, tháng tám âm lịch là giữa mùa mưa. Những cánh đồng gò giồng và triền hố quê tôi đã cày cấy xong lúa mùa được khoảng một tháng.

Mưa nhiều cuốn theo phân tro trên đồng xuống ruộng làm cho lúa phát triển tốt tươi. Cùng với lúa, mấy loại rau chốc, rau bợ... cũng vượt lên xanh um. Lúa, rau tươi tốt, lá xanh mềm, mướt là món ngon cho cào cào và nhiều loại sâu rầy tìm đến...

Đây cũng là thời điểm lũ ếch con mới rụng đuôi (từ nòng nọc) vào đầu mùa mưa đang độ trưởng thành. Những chú ếch “thiếu niên” mới bằng hoặc lớn hơn con bù tọt (nhái bén) một chút được gọi là ếch giò. Hồi đó, vùng gò giồng còn nhiều bụi rậm và nhiều ao vũng tự nhiên, ếch còn môi trường sinh sống nên sinh sản rất nhiều. Từ những ao vũng tự nhiên này, đội quân ếch giò rủ nhau xuống ruộng lúa để ẩn nấp và tranh nhau đớp cào cào, sâu rầy... Đây cũng là mùa anh em tôi và nhiều trẻ em trong xóm rủ nhau đi câu (rê) ếch giò.

Ếch là loài lưỡng cư vừa sống trên cạn, vừa có thể ngụp lặn sâu trong nước, chúng thường tập trung nhiều ở những đám ruộng triền hố. Đây là những đám ruộng có độ nghiêng nhất định. Phía dưới đám ruộng nước nhiều và cạn dần lên phía trên.

Ếch giò thường tập  trung lên phía cạn để dễ bắt mồi. Đó cũng là điểm đến của anh em tôi trong mùa câu ếch. Câu ếch nói chung, câu ếch giò nói riêng khác hẳn với câu cá. Câu cá là người ta móc mồi vào lưỡi câu rồi thả sâu trong nước (sông, rạch, ao, hồ..), rồi chờ cá cắn câu làm phao chuyển động thì giật cần câu.

Còn câu ếch là kéo cục mồi (tất nhiên bên trong có lưỡi câu) trên mặt nước, hoặc mặt đất, hoặc nhấp lên, nhấp xuống cho ếch thấy mồi mà nhảy đến đớp, nên gọi là rê ếch, hoặc nhấp ếch. Dụng cụ rê ếch là một cần câu bằng trúc già khô, nhỏ nhưng dài. Nhợ câu cũng dài, lưỡi câu lớn, quáu và có ngạnh bén nhọn. Mồi rê ếch là nhái sọc (nhái đồng).

Hồi đó cứ vào khoảng tháng bảy, tháng tám âm lịch, trong nhà tôi luôn thủ sẵn hai cần câu ếch. Để cải thiện bữa ăn gia đình, chiều xuống, khi trời dịu mát, anh em tôi mỗi đứa một cần câu, một cái đụt, rồi đi bộ ra những đám ruộng triền hố rê ếch. Trên đường đi, anh em tôi đến những bãi cỏ trống lấy chân đá đá trên cỏ để bắt nhái làm mồi.

Nghe tiếng động, nhái núp trong cỏ nhảy ra là anh em tôi chụp đầu cho vào đụt. Nhái làm mồi câu ếch giò là loại “vừa vừa” (nhỏ quá móc không hết lưỡi câu, mà ếch cũng khó thấy mồi, còn lớn quá ếch ngậm không hết cục mồi). Bắt nhái làm mồi xong, anh em tôi chia hướng đến những đám ruộng đoán là có nhều ếch để câu.

Thường chúng tôi chọn những đám ruộng có độ nghiêng và đứng trên phía cạn để câu ếch. Móc mồi xong, để đưa cục mồi đi xa vào giữa ruộng (ếch tập trung ở giữa ruộng), tay trái tôi cầm cần câu dựng đứng lên, còn tay phải cầm nhợ câu, cách cục mồi chừng bảy tám tấc và quay mạnh vòng vòng cục mồi mấy vòng liền mới quăng ra phía giữa ruộng.

Nhờ vậy cục mồi đi xa hết độ dài của nhợ câu và chiều dài của cần câu. Khi cục mồi rớt xuống ruộng, tôi lại đổi tay, cầm cần câu tay phải mà chầm chậm kéo rê cục mồi trên mặt đất (chỗ khô cạn), mặt nước, trên ngọn lúa... Ếch- nhất là ếch giò rất háo ăn, khi thấy mồi động đậy là nhảy đến (hoặc bơi đến) đớp liền.

Chờ cho ếch ngậm trọn cục mồi trong miệng là tôi giật mạnh cần câu. Con ếch dính lưỡi câu bay cao lên trời, rồi rơi thẳng về phía chỗ tôi đứng. Gỡ ếch xong, tôi lại bắt con nhái khác móc vào lưỡi câu mà rê tiếp. Cứ thế, cho đến lúc mặt trời lặn, anh em tôi nghỉ câu, mang đụt ếch nằng nặng trên vai về nhà. Lúc ấy, chị tôi cũng nấu xong nồi cơm và bằm xong mớ sả, ớt... chờ anh em tôi đem ếch về làm món ếch kho sả ớt.

Cuối tháng tám, sang tháng chín âm lịch mưa nhiều, lúa nở bụi lớn, bít mặt ruộng. Thời điểm này, ếch giò đã trưởng thành. Chúng không còn tập trung nhiều ở giữa ruộng lúa như trước nữa, mà tìm nơi ở kín đáo hơn. Anh em tôi cũng không còn cơ hội rê ếch giò nữa, mà chuyển qua câu ếch lớn.

Ếch trưởng thành thường ẩn nấp trong các bụi cỏ rậm, bờ ao, mé nước, góc ruộng lúa tốt... Vì vậy, cách câu ếch trưởng thành khác rê ếch giò... Chiều xuống, tôi tìm đến những chỗ đoán biết là có ếch ẩn nấp để câu. Cũng với cần câu đó, cũng là mồi nhái, nhưng khi câu ếch lớn, tôi thu ngắn nhợ câu lại cho dễ câu.

Do câu theo mé nước, bờ ao, đám cỏ rậm rạp... tôi không rê mồi như câu ếch giò, mà nhấp nhấp cần câu cho cục mồi động đậy nhấp nhô trên đám cỏ, hoặc lùm lúa rậm, hoặc mặt nước gần bờ ao cho ếch thấy và nhảy đến ăn. Cách câu này gọi là nhấp ếch. Nhấp ếch lớn, tuy số con dính được ít hơn rê ếch giò, nhưng thịt ếch trưởng thành thì ngon hơn nhiều.

Môi trường sinh sống ngoài tự nhiên của loài ếch nhái nói chung ngày càng hạn hẹp. Ếch đồng ngoài thiên nhiên ngày càng trở nên khan hiếm. Chuyện đi câu ếch, nhất là câu ếch giò vào mùa mưa, trên ruộng gò giồng, ruộng triền hố ở quê tôi giờ đã mãi mãi thuộc về quá khứ.

T.L