Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tết là dịp mọi người trở về nhà sum họp, hỏi thăm nhau sau một năm dài xa nhà. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý thì an toàn vệ sinh thực phẩm là điều kiện cần lưu tâm để bảo đảm sức khoẻ cho chính mình và người thân trong những ngày tết.
Nguy cơ từ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn… Tuy nhiên, vào mỗi dịp tết, ngộ độc thực phẩm vẫn luôn là mối lo ngại lớn khi người dân tiêu thụ nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm đông lạnh. Các loại thực phẩm kém chất lượng, chứa hoá chất độc hại hoặc không được bảo quản đúng cách có thể gây ra các vụ ngộ độc hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng con người.
Người dân huyện Bến Cầu lựa chọn hàng hoá với giá ưu đãi tại “Chợ tết nhân ái” do Co.opmart Tây Ninh phối hợp Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam tổ chức. (Ảnh minh hoạ)
Do thói quen cũng như tính chất công việc, hiện nay, một bộ phận người dân thường mua thực phẩm, nguyên liệu từ những người kinh doanh hàng rong, thức ăn đường phố. Ưu điểm của việc này là người dân có thể mua và sử dụng ngay mà không tốn thời gian chế biến. Có điều, việc này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.
Và, cũng chính vì những người bán hàng không có địa chỉ cố định nên nếu xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như quyền lợi của người tiêu dùng khi xử lý hậu quả. Vì vậy, người tiêu dùng cần lựa chọn, sử dụng những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng đầy đủ.
Cận tết, trên các trang mạng xã hội đang rao bán rất nhiều thực phẩm “homemade” phục vụ ngày tết như củ kiệu, dưa chua, khô bò, gà, lạp xưởng, các loại thực phẩm chay, bánh, mứt... Với “cam kết” không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, nguồn nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của người bán, các sản phẩm này được khá nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi và hấp dẫn, người tiêu dùng cũng cần đặt ra câu hỏi về chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm này- khi hầu hết đều thiếu kiểm định và không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm. (Ảnh minh hoạ)
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình, người tiêu dùng trước khi mua hàng cần tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất, lựa chọn những địa chỉ uy tín, các mặt hàng có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để mua cho mình và người thân sử dụng...
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngộ độc thực phẩm trong dịp tết là: thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm không nhãn mác, thông tin về nhà sản xuất hoặc hạn sử dụng; cơ sở sản xuất sử dụng phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép để kéo dài thời gian sử dụng hoặc làm thực phẩm bắt mắt hơn; thực phẩm chế biến sẵn thường được bảo quản trong điều kiện không hợp vệ sinh, dễ dẫn đến nhiễm khuẩn; người dân đôi khi lựa chọn thực phẩm giá rẻ mà không quan tâm đến chất lượng, hoặc chưa có đủ kiến thức để nhận biết thực phẩm an toàn.
Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp tết nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2025
Để phục vụ nhân dân vui xuân, đón tết an toàn, đồng thời bảo đảm phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân 2025.
Theo đó, kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm, phục vụ đời sống của nhân dân trong tết nguyên đán và mùa lễ hội xuân…
Tại Tây Ninh, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội xuân năm 2025.
Thực hiện kế hoạch, tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội xuân năm 2025 do 3 cơ quan chủ trì thực hiện, gồm: Sở Y tế (Đoàn số 1), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Đoàn số 2), Sở Công Thương (Đoàn số 3). Các đoàn kiểm tra liên ngành đã ra quân thực hiện công tác kiểm tra vào đầu tháng 1.2025. Nội dung kiểm tra tập trung vào điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu và phụ gia thực phẩm; hồ sơ tự công bố sản phẩm; việc ghi nhãn hàng hoá; quảng cáo sản phẩm thực phẩm…
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; đặc biệt tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trước, trong và sau tết, như: lương thực, thực phẩm tươi sống, bánh, kẹo, mứt, rượu bia, nước giải khát…
Ngoài ra, để nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm trong dịp tết và mùa Lễ hội xuân năm 2025, Sở Y tế phối hợp các ngành chức năng triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: phát sóng thường xuyên các thông điệp về an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông, báo chí ở địa phương; phát thanh di động, treo băng-rôn, khẩu hiệu tại khu vực đông dân cư, chợ chính, khu vực diễn ra các sự kiện lễ hội xuân…
Nội dung truyền thông trọng tâm tập trung vào các chủ đề hướng dẫn tiêu dùng thực phẩm an toàn: Cách nhận biết thực phẩm sạch, thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh và các dấu hiệu của thực phẩm không an toàn; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu; những nguyên nhân phổ biến, dấu hiệu nhận biết, và cách xử trí ban đầu khi xảy ra ngộ độc; các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc tuân thủ các quy định pháp luật; khuyến khích sử dụng thực phẩm địa phương chất lượng cao…
Bảo Thạch
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 30.11.2024, toàn ngành Y tế (tại Trung ương và địa phương) đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023), trong đó phạt 6.658 cơ sở với số tiền trên 33,5 tỷ đồng. Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, với số tiền phạt tăng 1,69 lần so với năm 2023.