Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mưa trái mùa, nhiều hộ nông dân khó trả nợ vay ngân hàng
Thứ sáu: 14:59 ngày 14/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các ngân hàng- nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai đến các chi nhánh, phòng giao dịch thống kê thiệt hại để hỗ trợ cho người dân. Kết quả, theo đề nghị của khách hàng vay, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 82 món, với số tiền nợ cơ cấu là 26,1 tỷ đồng.

Hành bị thối gốc, nông dân thu hoạch mong thu được đồng nào hay đồng đó.

Tình trạng mưa trái mùa kéo dài vừa qua đã ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, gây thiệt hại lớn, dẫn đến việc trả nợ vay ngân hàng của nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều nông dân kiến nghị ngành chức năng xem xét, chỉ đạo các ngân hàng cho gia hạn nợ để an tâm sản xuất.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Bến Cầu cho biết, những cơn mưa trái mùa trong thời gian qua làm cho 200 ha ớt bị ngập và hư hại. Ngoài mưa ngập, nhiều hộ trồng ớt còn lao đao vì giá ớt giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 5.500 đồng/kg, người trồng ớt lỗ nặng nề. “Nợ nần vay ngân hàng đã đến kỳ hạn trả, trong khi sản xuất vừa thất mùa, vừa mất giá, nông dân chúng tôi chỉ mong ngân hàng cho gia hạn nợ, để yên tâm sản xuất”- nhiều người trồng ớt than thở.

Còn anh T.V.H ngụ ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh huyện Dương Minh Châu cho biết: “Cứ nghĩ năm nay thời tiết cũng như mọi năm, gia đình tôi vay 50 triệu đồng để thuê 1 ha đất trồng mì. Nhưng khi mì vừa mới được 3 tháng tuổi, mưa trái mùa dồn dập, nước ngập hư hại gần 80% diện tích. Với tình trạng này, gia đình tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ”.

Chị T.T ngụ ấp Trường Huệ, xã Trường Tây huyện Hoà Thành cũng chia sẻ: “Mọi năm, gia đình tôi vay tiền đầu tư trồng 1 ha hành lá, năng suất khá và giá cả ổn định, nên thường trả nợ đúng thời hạn. Riêng năm nay, gia đình tôi vay 20 triệu đồng để trồng 1 ha hành lá, gặp mưa trái mùa, hành bị úng gốc, thiệt hại gần 90%. Vụ hành này xem như mất trắng, gia đình tôi đành mắc nợ, chẳng biết lấy đâu ra tiền trả nợ”.

Vấn đề thiên tai dẫn đến thất mùa, nông dân khó có khả năng thanh toán nợ ngân hàng đúng hạn cũng đã được cử tri kiến nghị trong đợt tiếp xúc sau kỳ họp thứ 3 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh có văn bản trả lời cho biết, việc xem xét lại cơ cấu trả nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho gia hạn nợ) được các ngân hàng thực hiện thường xuyên theo quy định của quy chế cho vay.

Riêng đối với cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NÐ- CP của Chính phủ, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới được quy định như sau: Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; đồng thời căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng, để xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng.

Theo đó, các trường hợp thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do đợt mưa lớn, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh năm 2016 vừa qua, UBND tỉnh đã giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội theo dõi, thống kê để kịp thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, cũng như tiếp tục cho vay mới để giúp khách hàng khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.

Các ngân hàng- nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai đến các chi nhánh, phòng giao dịch thống kê thiệt hại để hỗ trợ cho người dân. Kết quả, theo đề nghị của khách hàng vay, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ 82 món, với số tiền nợ cơ cấu là 26,1 tỷ đồng.

Hiện các ngân hàng vẫn đang tiếp tục thực hiện quy định trên, nếu khách hàng nằm trong trường hợp bị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do thiên tai, ảnh hưởng đến nguồn trả nợ, thì liên hệ với ngân hàng đang có quan hệ vay vốn để được hướng dẫn, xem xét và giải quyết.

Sự hỗ trợ của các ngân hàng và hy vọng các tổ chức tín dụng cũng sẽ xem xét lại việc cơ cấu trả nợ sẽ giúp người nông dân vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay.

THANH NHI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục