Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao:
Mức hỗ trợ cao nhất 500 triệu đồng
Thứ hai: 05:53 ngày 12/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dự kiến kinh phí thực hiện từ khi nghị quyết ban hành đến năm 2025: 352.370.000.000 đồng. Nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách.

Học sinh nhận Giải thưởng Lê Quý Đôn.

Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh xem xét thông qua chính sách “thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức ngành Y tế”. Đây là chính sách lớn, được đầu tư tập trung, bài bản, có hệ thống, khắc phục tính dàn trải, tổng kinh phí thực hiện lên đến hàng trăm tỷ đồng nhằm thu hút, hỗ trợ đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng.

Dàn trải, thiếu tập trung

“Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quản lý nhà nước. Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh luôn được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai.

Thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trình độ quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND, tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức, quốc phòng an ninh, ngoại ngữ, tin học, kiến thức kỹ năng chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức, viên chức.

Kết quả đã cử 470 trường hợp đi đào tạo sau đại học (10 tiến sĩ, 460 thạc sĩ); đào tạo được 251 bác sĩ  (bác sĩ chính quy: 154, bác sĩ liên thông: 97); bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn, chức danh ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức: 4.023 lượt; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý: 764 lượt. Kết quả trên là một trong những nguồn lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - đánh giá của UBND tỉnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trong thời gian qua được cho là còn mang tính dàn trải, chưa tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, tỉnh đang thiếu như y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, khoa học công nghệ, kinh tế, quản lý công, chính sách công, tài nguyên - môi trường, khoa học xã hội và nhân văn hoặc khoa học chính trị. Số lượng xét cử đi đào tạo bác sĩ hằng năm chưa đáp ứng theo yêu cầu. Chính sách hỗ trợ cho đối tượng học sinh phổ thông khi tham gia đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng chưa thu hút được nhiều đối tượng tham gia do kinh phí hỗ trợ của tỉnh còn thấp so với một số địa phương khác.

Do đó, việc xây dựng, ban hành chính sách về thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh là cần thiết. Khi nghị quyết về chính sách nêu trên được HĐND tỉnh thông qua, sẽ thay thế toàn bộ các nghị quyết, chính sách liên quan đến đào tạo, hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân lực được ban hành từ năm 2015 đến nay.

Nghị quyết (mới) lần này quy định chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh gồm các nội dung: Chính sách thu hút nguồn nhân lực; hỗ trợ - đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ bồi dưỡng chất lượng cao đối với cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ đào tạo bác sĩ; hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức, nhân viên ngành y tế.

Đối tượng áp dụng (của chính sách mới) gồm cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cán bộ, công chức, viên chức).

Chính sách cơ bản

Trước hết, chính sách thu hút nguồn nhân lực, đối tượng được quy định tại Điều 2 của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5.12.2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ: ngoài việc được hưởng theo chế độ quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP (nêu trên) còn được hỗ trợ bằng tiền một lần, cụ thể như sau:

Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc 300.000.000 đồng; thạc sĩ: 400.000.000 đồng; bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, dược học 400.000.000 đồng; tiến sĩ: 600.000.000 đồng; bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học 600.000.000 đồng.

Nhóm đối tượng khác: sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy tập trung loại giỏi, người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, đồng thời có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước hoặc ngoài nước; giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học, chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học được hỗ trợ bằng tiền một lần, cụ thể như sau: sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi 100.000.000 đồng; bác sĩ 200.000.000 đồng; thạc sĩ có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên 250.000.000 đồng; chuyên khoa cấp I chuyên ngành y học 250.000.000 đồng; tiến sĩ có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên 400.000.000 đồng; chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, bác sĩ nội trú 400.000.000 đồng; giáo sư, phó giáo sư 500.000.000 đồng. Chuyên gia trong một số lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp được hỗ trợ 20.000.000 đồng/tháng. Đối tượng thu hút có nhiều văn bằng khác nhau thì chỉ được hưởng một mức thu hút đối với văn bằng cao nhất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng và đủ điều kiện hỗ trợ đào tạo sau đại học sẽ được hỗ trợ cụ thể như sau (mức hỗ trợ một lần sau khi hoàn thành khoá đào tạo) trong hoặc ngoài nước, cụ thể: tiến sĩ 120 triệu đồng, bác sĩ nội trú 100 triệu đồng, thạc sĩ 80 triệu đồng, chuyên khoa cấp II học lên tiến sĩ 80 triệu đồng, chuyên khoa cấp II ngành y 100 triệu đồng, chuyên khoa cấp I học lên thạc sĩ 60 triệu đồng, chuyên khoa cấp I ngành y 80 triệu đồng. Nếu đào tạo ở nước ngoài: tiến sĩ 240 triệu đồng, bác sĩ nội trú 180 triệu đồng, thạc sĩ 150 triệu đồng (đơn vị tính theo người/khoá).

Đối  với cán bộ, công chức, viên chức tự đào tạo sau đại học được hỗ trợ kinh phí như sau: hỗ trợ sau khi nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ 50.000.000 đồng/người/khoá, hỗ trợ sau khi nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ 80.000.000 đồng/người/khoá.

Chính sách hỗ trợ đào tạo bác sĩ

Công chức, viên chức ngành Y tế đang công tác trên địa bàn tỉnh; học sinh tốt nghiệp tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh; sinh viên đang học khoa y tại các trường đại học trong nước và nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thi được hỗ trợ một lần (60 triệu đồng) sau khi hoàn thành khoá đào tạo.

Chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao

Cán bộ, công chức, viên chức trong thòi gian được cử đi bồi dưỡng thì được hưởng các khoản kinh phí sau: học phí và các chi phí bắt buộc theo thông báo của cơ sở đào tạo hoặc của đơn vị tổ chức bồi dưỡng; chi phí vé máy bay hạng phổ thông hoặc tàu xe một lượt đi và về từ Tây Ninh đến địa điểm tổ chức bồi dưỡng (đối với khoá bồi dưỡng ngoài tỉnh). Sinh hoạt phí: đối với khoá bồi dưỡng trong nước sẽ được cấp theo quy định hiện hành về mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Đối với khoá bồi dưỡng ở nước ngoài, sinh hoạt phí cấp cho học viên bao gồm tiền ở, tiền thuê phương tiện từ sân bay khi nhập cảnh đến nơi ở và ngược lại khi xuất cảnh được cấp theo chứng từ thực tế nhưng không quá mức chi theo quy định và hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về chế độ công tác phí đối với CBCCVC và người lao động đi công tác tại nước ngoài.

Tiền ăn được cấp theo quy định hiện hành của Nhà nước và của UBND tỉnh về mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trên địa bàn tỉnh. Ngoài các khoản kinh phí nêu trên học viên được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài còn được cấp thêm một số chi phí khác (có quy định cụ thể).

Dự kiến kinh phí thực hiện từ khi nghị quyết ban hành đến năm 2025: 352.370.000.000 đồng. Nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục