Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tản văn
Mùi khói
Chủ nhật: 20:44 ngày 10/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Con cá lóc nướng trui từ khói rơm cũng khiến chị em tôi cười nắc nẻ vì mặt mày quẹt những sợi “râu mèo” đen nhẻm từ tro than bụi đất.

Tuổi thơ của tôi từng vương mùi khói bếp trên đầu tóc, áo quần. Nhiều khi không chỉ khói bếp mà còn khói đốt đồng ngòn ngọt mùi phù sa từ rơm rạ.

Con cá lóc nướng trui từ khói rơm cũng khiến chị em tôi cười nắc nẻ vì mặt mày quẹt những sợi “râu mèo” đen nhẻm từ tro than bụi đất.

 

Tuổi thơ tôi là những ngày mưa phải xách hết thau, thùng, chậu, nồi… để hứng những giọt mưa rơi long tong trong vuông bếp. Mục đích duy nhất là cứu cho củi khỏi ướt, vì củi mà ướt, lúc nấu ăn sẽ rất cực bởi khói nhiều và các món đều “hôi khói”.

Vậy rồi cũng quen những bữa cơm với ươm đầy mùi khói, với lớp “váng mặt” của nồi cơm xám đen vì cái nắp nồi bị hở, khói lòn vô ám đầy.

Vậy rồi đã thành nỗi nhớ khi trưởng thành đi xa với tiệc tùng ê hề nhưng cứ nhàn nhạt mùi cơm, âm ấm vị cá kho rau luộc chứ không ngọt ngào ươm đầy mùi khói và giòn rụm lớp cơm cháy như trong căn bếp mẹ ngày xưa.

Cá cũng không cay xé lưỡi và nóng hít hà như bếp củi, rau xanh thì xanh lắm nhưng rau nhà hàng có gì lạ quá, nó không đậm đà vị ngọt và vừa thổi vừa nhai như bữa cơm đầy mùi khói ngày xưa.

Tôi nhủ lòng, biết làm sao được khi nhịp sống đô thị lắm khi khiến con người ta phải “bó tay” như vậy. Nhớ quê cũng khó về dù đường không xa lắm. Nhớ canh rau tập tàng của mẹ cũng đành gồng mình ra mà chịu chứ phố phường khói bụi làm sao tìm được nắm lá mồng tơi, lá bình bát hay nạm rau dền cơm.

Cá thành đô cũng đầu cũng đuôi nhưng sao không chắc, ngọt và con nào ra con nấy như cá ngày xưa nhỉ? Mà mẻ cá cơm kho quẹt này cứ nhoẹt ra đứt từng đoạn bở nhừ.

Con tôi đã quen với vuông bếp sáng choang của nồi điện, bếp từ, lò nướng… Nấu cơm cứ cho gạo và nước vào rồi ấn nút chứ không biết nhóm lửa, chụm củi và phì phò thổi lửa là thế nào.

Muốn nướng cá thì cứ ướp rồi cho vào lò, vặn nút điều chỉnh thời gian đến khi nghe tiếng “keng” là xong. Con không biết cảm giác gom rơm, cắt lá chuối, xỏ con cá vào cành cây hay đọt trúc rồi cặm xuống đất và đốt lửa xung quanh tới khi da cá cháy đen nứt ra lớp thịt trắng ngần.

Không trách con được, vì nhịp sống phố thị đã khiến cho nhà nhà cứ nhỏ bé như chiếc hộp thì làm sao nhóm lửa mà có một bữa cơm ám đầy mùi khói ngon lành?

Vậy rồi bỗng dưng… cúp điện đến ba ngày. Cơm tiệm thì không ăn mãi được, bún phở hoài cũng ngán nên tôi quyết định “hy sinh” một cái nồi, mua bó củi và tìm ba cục gạch để nhóm lửa hồng đưa con về với tuổi thơ.

Vậy mà… mâm cơm dọn lên, thằng con ngồi nhìn mặt mẹ cười ngặt nghẽo kèm câu “Lêu lêu…rửa mặt như mèo”. Nhưng rồi nó chẳng buồn đụng đũa vì: “Cơm canh có mùi gì lạ lắm, ăn không được đâu mẹ, bỏ ngay, để… ngộ độc thực phẩm”.

Mặc tôi lý giải đó là mùi khói, mùi tuổi thơ, mùi yêu thương… thằng con vẫn nhất quyết ăn mì gói vì “Mùi khói gì đó của mẹ sao lạ lắm, con không dám ăn”.

Ngẩn ngơ. Bồi hồi…

Ð.P. THUỲ TRANG

Tin cùng chuyên mục