BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mụn trứng cá là bệnh gì? 

Cập nhật ngày: 13/09/2019 - 16:12

Mụn mọc khi bã nhờn được cơ thể sản xuất quá nhiều có thể do hormone, khí hậu, dùng thuốc hoặc các yếu tố di truyền.

Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết mụn trứng cá là bệnh lý ở phần nang lông tuyến bã, thường gặp ở tuổi dậy thì, có thể gặp ở trẻ sơ sinh (ảnh hưởng nội tiết tố từ mẹ) và người trưởng thành.

Mụn thường mọc ở các vị trí như trán, mũi, má, cằm, ngực, lưng, cánh tay, mông. Nguyên nhân do tình trạng tăng tiết bã (kích thích từ nội tiết tố, từ da nhờn) làm sừng hóa phễu nang lông dẫn đến ứ chất bã và sinh ra mụn. 

Có bốn cơ chế gây ra mụn là tăng tiết bã; sừng hóa nang lông (rối loạn chu kỳ trưởng thành của tế bào sừng, rối loạn thành phần chất tiết bã), tăng vi khuẩn kỵ khí P.acnes và yếu tố gây viêm (mụn mủ)

Mụn mức độ nhẹ chủ yếu là mụn không viêm, có thể có một vài mụn mủ, sẩn viêm. Ở mức trung bình, đa số thường có sẩn viêm, mụn mủ (từ 20 đến 40 mụn), nang mụn (ít hơn 5 mụn). Mức độ nặng gồm có sẩn, mụn mủ và cục, nang (nhiều hơn 5 mụn), trường hợp có nhiều cục và nang mụn được xếp vào thể bệnh rất nặng.

Theo bác sĩ Ngân, cần phân biệt mụn trứng cá với tình trạng phát ban trứng cá, viêm nang lông, viêm da quanh miệng (do thiếu vitamin), trứng cá do thuốc, dày sừng nang lông, viêm da tiết bã nhờn. Trẻ từ một đến 8 tuổi bị mụn do các nguyên nhân nội tiết (tuyến thượng thận).

Lựa chọn phác đồ điều trị phụ thuộc vào từng bệnh nhân, từng thể bệnh cũng như mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám cẩn thận và hướng dẫn phương pháp điều trị cũng như cách chăm sóc da.

Các phương pháp điều trị:

Y học hiện đại

Thuốc bôi tại chỗ gồm retinoid, benzoyl peroxide, azelaic acid hoặc điều trị đặc hiệu bằng isotretinoin, hormone, thuốc hỗ trợ giảm khô da như vitamin E, tinh dầu, vaseline bôi. Khi có mụn viêm nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh toàn thân.

Y học cổ truyền

Mụn được xếp vào bệnh liên quan đến thời khí do cảm nhiễm phong nhiệt, thấp nhiệt kết hợp với nhiệt độc uất kết bên trong cơ địa huyết nhiệt hoặc khí huyết hư.

Các vị thuốc thường dùng gồm nhóm tinh dầu như kinh giới, bạc hà, cúc tần, muồng trâu, kiến cò; nhóm dùng ngoài (tắm) lá xoài, lá sầu đâu. Thuốc trị thấp chứng gồm bạch truật, đại hoàng, hoàng bá, sa xàng tử, thổ phục linh. Thuốc trị nhiệt chứng như kim ngân hoa, bồ công anh, liên kiều, sài đất, xạ can, diếp cá, mỏ quạ, rau sam, núc nác. Thuốc trị táo chứng là sinh địa, huyền sâm, cỏ mần trầu, rễ cỏ tranh, sáp ong, hạnh nhân. Các vị thuốc nam dùng ngoài như lá mỏ quạ, lá cúc hoa trắng, bồ công anh,...

Bác sĩ Ngân cho biết việc kết hợp y học cổ truyền bên cạnh các phương pháp điều trị hiện đại có nhiều ưu điểm trong quá trình điều trị, giúp giữ được thẩm mỹ cho khuôn mặt và cải thiện sức khỏe của làn da.

Nguồn VNE