Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mụn trứng cá là một bệnh ngoài da
Thứ ba: 13:36 ngày 05/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Con gái tôi 14 tuổi, bị mụn trứng cá đã lâu, tôi đã cho con dùng nhiều loại kem trị mụn nhưng không giảm. Xin hỏi bác sĩ có biện pháp nào trị mụn trứng cá bằng dưỡng chất tự nhiên không ạ?

Nguyễn Thị L.

(Trường Hoà, Hoà Thành)

Mụn trứng cá là một bệnh ngoài da, hay gặp ở tuổi thanh thiếu niên nhất là tuổi dậy thì. Mụn trứng cá không phải là bệnh nguy hiểm và cũng không lây cho người khác. Nhưng trên một cơ thể, mụn trứng cá có thể lan từ vị trí này sang vị trí khác (từ lưng, mặt có thể lan ra bụng, ngực, cánh tay, bả vai…).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mụn trứng cá, chủ yếu do bị viêm nang lông, tuyến bã, do các chất nhờn bị tắc ở nang lông không bài tiết ra ngoài được, hoặc do bài tiết quá nhiều kèm tăng tiết mồ hôi. Sự gia tăng bài tiết mồ hôi và chất bã nhờn làm tích tụ nhiều ở lỗ chân lông và tạo mụn.

Hiện tượng tăng tiết mồ hôi và tăng tiết bã nhờn diễn ra lúc tuổi dậy thì thường liên quan mật thiết đến rối loạn nội tiết tố. Chất bã nhờn bị ứ đọng tạo thành nhân trứng cá. Yếu tố thuận lợi trong việc hình thành mụn trứng cá là vi khuẩn. Một số loại vi khuẩn kết hợp với sự tăng tiết, ứ đọng bã nhờn gây viêm nhiễm, càng làm tăng sự ứ đọng của bã nhờn và làm mụn trứng cá càng phát triển.

Một số loại vi khuẩn hay gặp trong bệnh trứng cá là tụ cầu da, corynebacterium acnes, pityrosporum… Các loại vi khuẩn này thường có ở trên da nhưng nếu gặp những người tăng tiết bã nhờn, tích tụ bã nhờn thì các vi khuẩn này gây viêm, tạo mụn trứng cá.

Ngoài ra nếu như thức quá khuya, thần kinh căng thẳng, stress, ăn quá ngọt, quá nhiều chất cay, nóng cũng làm gia tăng mụn trứng cá. Mụn trứng cá có nhiều loại khác nhau, tuỳ theo tính chất của bệnh hoặc dựa vào đặc điểm của nốt mụn trứng cá mà người ta đặt tên cho chúng (mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ, mụn cám, mụn bọc…).

Ðặc điểm của mụn trứng cá là mụn hay tái phát, khi khỏi bệnh hoặc bệnh tạm dừng thường để lại sẹo và da nơi bị mụn thâm đen. Nếu người bị mụn trứng cá ở nhiều nơi khác nhau trong cơ thể mà chỉ điều trị ở một nơi thì bệnh khó khỏi hẳn vì mụn lại lan từ vùng khác tới vùng cũ làm bệnh tái phát. Chính vì mụn trứng cá làm cho da mặt thay đổi, tạo sẹo và thay đổi màu da (đen, sạm) nhất là ở mặt làm giới trẻ lo lắng.

Các bước điều trị mụn trứng cá:

- Thuốc thoa: có nhiều loại kem, gel, hay dung dịch bôi có chứa chất giống vitamin A, benzoyl peroxide, hay kháng sinh nhằm hạn chế tắc nghẽn lỗ chân lông và sự phát triển của vi khuẩn. Những chế phẩm này có thể gây khô da và tróc vẩy. Bạn cần phải tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.

- Lột da nhẹ bằng hoá chất như: acid salicylic hay acid glycolic sẽ giúp giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, mở những mụn đầu đen và đầu trắng, kích thích tạo da mới. Kháng sinh đường uống như: tetracycline, doxycycline, minocycline hay erythromycine theo chỉ định của bác sĩ.

Cần tiếp tục chăm sóc da trong và sau điều trị đúng cách. Người bị mụn trứng cá không nên sờ tay lên mặt, nặn, hút mụn vì gây đỏ da và tạo sẹo.

Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm, để tóc che phủ mặt, ra mồ hôi nhiều. Dùng các sản phẩm tẩy rửa, dưỡng da phù hợp (các sản phẩm rửa êm dịu da, không chứa cát nhám; các sản phẩm dưỡng có ghi chú không tạo mụn).

Nên rửa mặt 2-3 lần mỗi ngày, khi đang dùng thuốc bôi chỉ dùng nước sạch rửa mặt vì lúc này da đang bị khô, đỏ, ngứa, do tác dụng của thuốc đang điều trị bệnh. Có thể dùng sản phẩm rửa mặt thích hợp 1 lần vào buổi tối đối với da nhờn.

Khi rửa không dùng khăn chà xát mạnh vì làm trầy xướt da, nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch. Hạn chế ăn đồ ngọt, chất béo. Nên ngủ đều độ, tránh thức khuya.

Tạo đời sống tinh thần lành mạnh, giảm stress và mất ngủ. Hạn chế đi nắng; khi đi ngoài trời nên đeo khẩu trang, đội nón rộng vành bằng vải màu sậm; bôi kem chống nắng.

- Không dùng thuốc theo lời khuyên của bạn bè, người quen, hoặc tự mua thuốc dùng bởi vì việc điều trị mụn trứng cá của mỗi người rất khác nhau, nó phụ thuộc tuổi, giới tính, các yếu tố nguy cơ, đặc điểm loại da, loại mụn.

Vì vậy, theo tôi bạn nên đưa cháu đi khám bác sĩ da liễu và nên kiên trì tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

BS LÊ TRUNG NGÂN

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục