Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mừng khai giảng năm học mới: Đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành GD – ĐT

Cập nhật ngày: 04/09/2011 - 10:14

Sáng nay, 5.9.2011 cùng với cả nước, các trường học trong tỉnh Tây Ninh đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2011-2012.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Đổng Ngọc Lập cho biết: Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, toàn tỉnh Tây Ninh chỉ có 6 lớp nhà trẻ, với hơn 300 cháu và 20 cô giáo không có nghiệp vụ chuyên môn. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học của tỉnh không ngừng phát triển. Đến năm học 2010-2011, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường mẫu giáo, với tổng số 117 trường và 29.418 cháu theo học. Hệ thống trường tiểu học đã phát triển ở tất cả các xã, ấp trong tỉnh, với 282 trường và 87.597 học sinh. Đến năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 107 trường THCS với 55.627 học sinh; 31 trường trung học phổ thông, với 25.619 học sinh.

Niềm vui năm học mới

Cuối năm 1997, tỉnh Tây Ninh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học (hoàn thành trước 3 năm so với yêu cầu chung của Uỷ ban Chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học quốc gia). Đến tháng 12. 2007, toàn tỉnh hoàn thành công tác phổ cập THCS vượt thời gian 3 năm so với chỉ tiêu quốc gia. Đến nay (cuối tháng 8.2011) toàn tỉnh đã có 76 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó có 16 trường mầm non; 40 trường tiểu học; 15 trường THCS và 5 trường THPT. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã lập kế hoạch xây dựng 130 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 (gồm 27 trường mầm non; 50 trường tiểu học; 37 trường THCS và 16 trường THPT).

Tuy nhiên, ngành GD- ĐT Tây Ninh cũng còn những hạn chế và khó khăn như: Các nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Các nguồn lực huy động từ xã hội cũng chưa nhiều, do đó nguồn kinh phí cho các hoạt động giáo dục còn hạn hẹp. Kinh phí mua sắm thiết bị và phương tiện giảng dạy, học tập phục vụ cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ thư viện, phòng vi tính, phòng học bộ môn đạt chuẩn, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ở các ngành học mầm non, THCS, THPT còn thấp. Hiện nay vẫn còn nhiều trường học ở nông thôn chưa đủ diện tích khuôn viên cho nhu cầu tối thiểu để đảm bảo đủ xây dựng các công trình phục vụ dạy và học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục và trường học vùng sâu, vùng biên giới còn rất yếu. Số lượng giáo viên được đào tạo hằng năm chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trường, lớp.

Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT Tây Ninh tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên; tăng cường các giải pháp để khắc phục hiện tượng học sinh vùng nông thôn ngồi sai lớp, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi; quan tâm đặc biệt đối với học sinh dân tộc ít người; tập trung công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực ở nông thôn, thực hiện tốt việc xã hội hoá công tác đào tạo nghề; xây dựng quy hoạch đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, bảo đảm đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu; tiếp tục thực hiện chế độ chính sách thu hút giáo viên về nông thôn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy và học. Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh mở rộng quy mô đào tạo và phát triển thêm các ngành đào tạo, lập đề án nâng cấp thành trường Đại học Tây Ninh. Nâng cấp Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Tây Ninh thành Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật và chú trọng đào tạo các ngành nghề phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.

D.H