Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Mười lăm ngày ở Bến Tre
Chủ nhật: 10:39 ngày 01/08/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Người Bến Tre nhân hậu và hiếu khách. Điều này được minh chứng sau nhiều ngày chúng tôi tiếp xúc và giao lưu với nhiều người, nhiều thành phần xã hội.

Đầu tháng bảy, những ngày mưa nắng thất thường. Nhưng lịch đi cơ sở của trại sáng tác văn học Văn Nghệ Quân Đội vẫn không thay đổi. Chúng tôi muốn tìm hiểu thật nhiều về vùng đất lịch sử của quê hương Đồng Khởi mà lâu nay chỉ biết qua sách vở. Bến Tre, với những cù lao xanh bát ngát bóng dừa, những con sông dập dềnh sóng vỗ và bờ biển trải ra như một tiếng hát ngân dài.

Người Bến Tre nhân hậu và hiếu khách. Điều này được minh chứng sau nhiều ngày chúng tôi tiếp xúc và giao lưu với nhiều người, nhiều thành phần xã hội. Riêng các anh chị em văn nghệ sĩ Bến Tre lại càng thân thiết hơn. Họ sẵn sàng dùng xe máy đưa các trại viên đi bất cứ nơi nào có thể. Nhà văn Nhật Nam bận rộn công việc quản lý trại viết nhưng luôn có mặt trong những buổi “lang thang tuỳ hứng” của chúng tôi. Hai trại viên Tây Ninh còn được nhà thơ Cát Hoàng giao hẳn cho chiếc xe Honda với một bình xăng đầy và hai chiếc nón bảo hiểm: “Toàn quyền sử dụng trong 15 ngày ở trại, khi nào xong muốn trả hay bán thì tuỳ”.

Lênh đênh trên sông nước Cổ Chiên.

Một buổi chiều, đoàn Tây Ninh được nhà văn Hàn Vĩnh Nguyên đưa tới nhà chị Năm Khích, một cán bộ cũ của đội nữ vũ trang tỉnh Bến Tre, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trời vần vũ sắp mưa, công việc còn bề bộn nhưng biết chúng tôi là người Tây Ninh tìm đến, chị Năm Khích gác lại mọi việc để ngồi tiếp. Là một chiến sĩ nữ từ những năm sau Đồng Khởi 1960, trải qua rèn luyện và thử thách trong chiến đấu, chị Năm từng vận động rất nhiều thanh niên Bến Tre tòng quân hay tham gia Thanh niên Xung phong trên chiến khu R. Bản thân chị cũng từng lên Tây Ninh học tập ở Trường quân sự H12. Những câu chuyện kể về một thời kiên cường đánh giặc của những chiến sĩ nữ anh hùng đã cho chúng tôi rất nhiều tư liệu phục vụ cho sáng tác.

Cảm nhận ở Bến Tre là niềm vui từ những chiếc cầu. Những cây cầu ván, cầu bê tông nho nhỏ bắc qua rạch. Những cây cầu sắt cũ kỹ như cầu Bến Tre 2 bắc qua sông Bến Tre, sông Cổ Chiên. Những cây cầu vừa lớn, vừa dài, vừa rộng như cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu… thực sự đã làm thay đổi lớn lao đời sống văn hoá và kinh tế của người nông dân Bến Tre. Một lần qua phà Tân Phú, sang thăm ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, chúng tôi được gia đình anh nông dân Ba Lẹ tiếp đón nồng hậu giữa không gian rợp mát của vườn cây trái. Những người dân ở đây cũng nói đến ước mơ về một cây cầu thay cho những chuyến phà nhọc nhằn ngày đêm. Nếu như bến phà Hàm Luông giờ nằm lặng lẽ bên cây cầu mới, trở thành một kỷ niệm đáng nhớ thì những bến phà Hoà Nghĩa, Tân Phú, Cầu Ván vẫn còn miệt mài nối hai bờ dòng sông.

Ba cù lao lớn tạo nên tỉnh Bến Tre là cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao An Hoá. Mỗi vùng đất có một thế mạnh khác nhau về phát triển kinh tế, ví dụ như câu nói dân gian: “Bắp An Hoá, mì cù lao Minh”. Bắp trồng ở cù lao An Hoá thì hạt mập, ngon ngọt, vậy mà chỉ qua bờ sông bên kia, trên đất cù lao Minh là chất lượng kém hẳn. Ngược lại, mì trồng ở cù lao Minh thì ngon mà đưa qua cù lao An Hoá lại khác. Chúng tôi đã tìm về huyện Ba Tri dự lễ dâng hương nhân ngày giỗ thứ 122 của cụ Đồ Chiểu, được tận mắt thấy sự yêu kính của người dân Nam bộ đối với một nhà thơ yêu nước khi hàng trăm xe ô tô lớn nhỏ từ khắp nơi đổ về đền thờ của cụ. Cách đền thờ cụ Đồ Chiểu không xa là đền thờ cụ Võ Trường Toản, khu mộ và đền thờ cụ Phan Thanh Giản. Qua xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách có đền thờ cụ Trương Vĩnh Ký . Tính ra, Bến Tre đã có tới hơn 20 vị tướng lĩnh, từ thời chống thực dân Pháp đến bây giờ.

Trên mỗi miền đất ba cù lao của Bến Tre, mỗi tấc đất là một chiến công anh hùng, bất khuất. Tại một vùng đất cửa Khâu Băng xa xôi thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, còn một tượng đài ghi dấu tích điểm cuối của con đường Hồ Chí Minh trên biển mà những con tàu không số từ miền Bắc bí mật chuyên chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam suốt từ năm 1963 đến năm 1970. Chúng tôi được các chiến sĩ Đồn Biên phòng 602 cho lên tàu đi thăm một số điểm chốt nơi cửa sông Cổ Chiên đổ ra biển lớn đang được các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ, giữ gìn.

Đi giữa rừng dừa

Đi khắp Bến Tre, chỉ thấy lớp lớp rừng dừa. Chợt nhớ tới bài hát “Dáng đứng Bến Tre” người người yêu thích, mới thấy sự tưởng tượng và thực tế thật quá xa vời. Một số liệu lịch sử cho thấy, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, có 50.000 ha dừa của Bến Tre bị chất độc huỷ diệt. Sau giải phóng, có một thời người ta vận động dân phá dừa để trồng mía, trồng mì. Nhưng bây giờ cây dừa đã lấy lại vị thế của nó trên đất Bến Tre. Nguồn lợi nhuận từ kinh tế dừa đang vực dậy một Bến Tre Đồng Khởi. Khách du lịch đã biết đến dừa Bến Tre qua hương vị của những trái dừa xiêm, dừa dứa hoặc những trái dừa sáp “đặc sản gộc” của Bến Tre, có giá tới 200.000đ một trái. Hàng thủ công mỹ nghệ từ phụ phẩm dừa đang là thế mạnh của Bến Tre trong xuất nhập khẩu. Dừa Bến Tre đang vươn ra khắp thế giới, ra khắp mọi miền đất nước.

Chúng tôi chia tay Bến Tre vào một chiều mưa buồn. Anh Hồ Trường, Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu tặng tôi một cây dừa xiêm giống. “Anh thử trồng trên đất Tây Ninh xem nó có trái không. Hy vọng vài năm nữa thằng nhỏ ra trái và tôi sẽ lên Tây Ninh thăm nó”. Thêm những bọc kẹo dừa vợ chồng nhà văn Phạm Thị Ngọc Điệp gửi làm quà. Thêm vài sản phẩm mỹ nghệ đáng yêu từ dừa khô. Tất cả chất thêm nặng gánh hành lý như là gánh tình nghĩa chúng tôi mang về từ quê dừa mến yêu.

P.Q

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh