Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tuy đã ở tuổi nghỉ hưu, nhưng xem ra PGS TS bác sĩ Võ Văn Thành vẫn còn nặng nợ với xã hội, vẫn tích cực đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của ngành y nước nhà.

Lần thứ hai đến hỗ trợ phẫu thuật cột sống cho Tây Ninh, PGS TS bác sĩ Võ Văn Thành- Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM vẫn nguyên một phong cách giản dị, dễ gần. Ở vị bác sĩ mà tài năng vang dội cả trong và ngoài nước này, chừng như mọi thứ đều đơn giản. Tuy đã ở tuổi nghỉ hưu rồi nhưng xem ra ông vẫn còn nặng nợ với xã hội, vẫn tích cực đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của ngành y nước nhà. Sau ca phẫu thuật cột sống dài 4 tiếng đồng hồ vào chiều ngày 31.12.2011 tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, dù quỹ thời gian rất eo hẹp, ông vui vẻ dành cho tôi cuộc trò chuyện ngắn ngay khi vừa bước ra từ phòng mổ.
![]() |
PCT UBND tỉnh Nguyễn Thảo (bìa trái) cùng với bác sĩ Võ Văn Thành (thứ 4 trái qua), thăm bệnh nhân đầu tiên đã được mổ cột sống |
Thưa bác sĩ, tình hình chấn thương cột sống ở nước ta có gì khác thường so với các nước phát triển?
- Ở nước ta, các ca chấn thương cột sống thường nhiều hơn và mức độ chấn thương cũng nặng hơn.
Quan sát hai ca mổ vừa qua tại BVĐK Tây Ninh, bác sĩ đều đặt bệnh nhân nằm ngang để tiến hành 2 đường mổ: đường phía trước và đường phía sau để xử lý gãy trật xương sống. Được biết, kỹ thuật mổ này- có khác biệt so với cách làm của các nước khác?
Các nước khác- kể cả nước tiên tiến như Mỹ, Nhật… họ vốn quen với cách phẫu thuật đặt bệnh nhân ở tư thế nằm sấp. Sau khi mổ đường phía sau rồi, họ lại phải lật bệnh nhân lên, kê lại để mổ phía trước, nghĩa là phải lặp lại lần nữa các khâu đã làm như lúc mổ đường phía trước, thời gian chết giữa 2 cuộc mổ, thời gian gây mê kéo dài không có lợi cho bệnh nhân. Còn cách của ta là để bệnh nhân ở tư thế nằm ngang (90 độ) để mổ cả 2 đường trước và sau. Đó là cách làm độc đáo, có tính đột phá của riêng Việt Nam.
Với cách làm như vậy sẽ đem lại lợi ích gì, thưa bác sĩ?
- Với cách này, việc tiến hành mổ 2 đường (trước và sau) để đặt dụng cụ rất thuận lợi, không cần xoay trở bệnh nhân nhiều lần mà thao tác vẫn chính xác. Vì thế thời gian hoàn thành ca mổ sẽ ngắn hơn, tốt cho bệnh nhân hơn.
Được biết đây là sáng kiến của chính bác sĩ, và ông cũng đã từng đi báo cáo tại các hội nghị khoa học ở nước ngoài, thái độ đón nhận của họ như thế nào?
- Tôi đã đi báo cáo ở nhiều nước từ chín, mười năm trước. Thật ra, với các nước tiên tiến, thường họ chỉ làm theo cách làm của họ, ít khi nào họ chịu nghe theo các nước như mình lắm (cười). Tuy nhiên tôi có anh bạn bác sĩ ở bên Mỹ, liên tục đã 6 năm qua năm nào cũng đem đoàn qua Việt Nam theo chương trình hợp tác giữa hai bên. Qua quá trình cùng làm việc với nhau, anh bạn này có dịp tiếp cận phương pháp phẫu thuật của chúng tôi và tỏ ra rất quan tâm. Mới đây, trong năm 2011, khi qua Việt Nam gặp tôi, anh bạn báo cho biết là đã học tập và thực hiện theo phương pháp này.
Năm 2007, tôi có qua Ấn Độ để mổ trong chương trình phẫu thuật tập huấn cột sống cho hội nghị cột sống Á châu Thái Bình Dương với tư cách chuyên gia. Tôi đã tiến hành phẫu thuật theo cách làm của mình, ca mổ đã được tiến hành nhanh chóng, hoàn thành sớm hơn cách làm của người khác nên đã gây được sự ngạc nhiên và chú ý cho rất nhiều người.
Ngành cột sống của ta đang đứng ở đâu trên thế giới?
Tháng 6.2011, tôi được mời sang dự cuộc hội nghị cột sống ở Nhật. Tại hội nghị này, có một giáo sư mời tôi nói chuyện về phẫu thuật cột sống ở Việt Nam, lúc ấy tôi không dám nói là đại diện cho Việt Nam, chỉ nói về phẫu thuật cột sống ở TP.HCM mà tôi là Chủ tịch Hội. Bài nói chuyện trong vòng nửa tiếng đã gây được ấn tượng rất tốt với anh em ở vùng châu Á Thái Bình Dương. Sau đó nhiều người đã gửi thư chúc mừng, họ đánh giá ngành phẫu thuật của Việt Nam sau mười mấy năm tận tuỵ cống hiến nay đã có bước tiến ngang tầm thế giới.
Hiện nay, ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, các ca mổ cột sống có độ khó cao, phức tạp chúng tôi đều đã đụng tới và đều có khả năng giải quyết được hết.
Là người con sinh ra trên đất Tây Ninh, bác sĩ có kế hoạch gì hỗ trợ cho quê nhà chăng?
- Tôi cũng đang nghĩ. Trước mắt là hỗ trợ cho khoa ngoại Thần kinh- Cột sống của Bệnh viện để anh em làm cho đều tay đã.
Nếu có lời khuyên với các bác sĩ thế hệ đàn em, bác sĩ sẽ nói gì?
- Muốn giúp bệnh nhân tới nơi tới chốn, anh em trong ngành cần phải cố gắng trau dồi, cập nhật kiến thức và chịu khó tiếp cận thế giới để biết trên luồng chảy tiến bộ, biết mình đang ở đâu. Khi biết mình đang ở đâu mới biết mình cần học hỏi gì, rèn luyện gì để tự hoàn thiện.
BVĐK Tây Ninh: Thực hiện thành công ca mổ cột sống thứ hai Ca mổ lần này diễn ra vào sáng ngày 31.12.2011, đúng một tuần sau ca mổ lần thứ nhất. Bệnh nhân là chị Phạm Thị Thuý, 45 tuổi, ở Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, bị gãy cột sống do tai nạn lao động, nhập viện ngày 25.12.2011. Tình trạng ghi trong bệnh án: bệnh nhân bị gãy nát L1, liệt một phần hai chi dưới. Cũng như ca mổ lần trước, ca mổ lần này có sự hỗ trợ về chuyên môn của PGS TS Võ Văn Thành- Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM và đoàn đi cùng. Đến dự buổi tiếp đón đoàn cùng với các cán bộ lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa, ông Nguyễn Thảo, PCT UBND tỉnh Tây Ninh đã ngỏ lời cảm ơn, đồng thời trân trọng ghi nhận sự ủng hộ quý báu của đoàn y, bác sĩ đến từ TP.HCM đối với ngành y tế tỉnh nhà. Ông cũng hứa sẽ tích cực tạo điều kiện thuận lợi để Bệnh viện Đa khoa nói riêng, ngành y tế nói chung ngày càng phát triển. Sau cuộc gặp gỡ tiếp đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã cùng với đoàn đến thăm bệnh nhân Ngô Da- người được mổ cột sống lần trước hiện còn nằm viện và cả bệnh nhân Phạm Thị Thuý- người chuẩn bị vào phòng mổ. Ca mổ bắt đầu từ 10 giờ 20 phút và đã hoàn thành suôn sẻ sau hơn 4 tiếng đồng hồ. Sau mổ, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân tiến triển tốt. |
NhẤt PhưỢng
(Thực hiện)