Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Phía sau những sản phẩm mang thương hiệu đất và người Tây Ninh là những người phụ nữ dành trọn tâm huyết, lửa đam mê của mình, với khát khao mở ra hướng phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cho sản phẩm địa phương.
Lê Thị Ngân Tâm- người phụ nữ với giấc mơ lớn: “Xây dựng thương hiệu nhang Vạn Linh Hương và phát triển nghề làm nhang truyền thống ở thị xã Hoà Thành.
Người phụ nữ nhỏ và giấc mơ lớn
Giấc mơ lớn là xây dựng thương hiệu nhang Vạn Linh Hương ngày càng được nhiều người biết tới. Người phụ nữ nhỏ ấy là chị Lê Thị Ngân Tâm (sinh năm 1990)- chủ hộ kinh doanh Trọng Linh. Khác với các thanh niên thế hệ 9X ngày nay, rất ít người gắn bó với làng nghề truyền thống, nhất là lĩnh vực sản xuất thủ công, Ngân Tâm là một 9X đột phá trong lĩnh vực đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, giữ lửa nghề làm nhang truyền thống ở thị xã Hoà Thành.
Đặc biệt, tháng 11.2022 vừa qua, 3 sản phẩm Nhang Vạn Linh Hương Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn; Vạn Linh Hương quế thượng hạng và Vạn Linh Hương gỗ tùng trầm được Hội đồng đánh giá và xếp hạng tỉnh Tây Ninh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.
Thành quả này mang lại rất nhiều ý nghĩa. Bởi, sản phẩm nhang Tây Ninh đã đi khắp các vùng miền, người làm nhang cật lực trong suốt thời gian dài, mà người tiêu dùng lại không biết sản phẩm được làm ra từ đâu, cũng không có một thương hiệu riêng biệt.
Chuyện khởi nghiệp của chị Ngân Tâm bắt đầu từ năm 2009, khi một mình chị chở nhang se tay đem bán ở các chợ truyền thống. Nhang Vạn Linh Hương lúc đó cũng được bày bán khắp các sạp, cửa hàng tạp hoá lớn nhỏ trong ngoài chợ, nhưng không được ai “để tâm” tới. Chị trăn trở: “Phải làm sao để mọi người biết tới sản phẩm của mình?”.
Để làm ra một nén nhang thành phẩm là sự miệt mài, công phu của những người thợ, là sự hoà trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau.
Hành trình mới cho nhang Vạn Linh Hương bắt đầu từ đây. Tâm thường xuyên gặp gỡ, làm quen hết gian hàng này tới gian hàng khác, từ chợ Long Hoa (nay là Trung tâm thương mại Long Hoa, thị xã Hoà Thành) đến chợ Thị xã (nay là chợ thành phố Tây Ninh), chợ Hiệp Ninh, chợ phường 3, chợ phường IV, các chợ huyện… với quyết tâm đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Thậm chí, chị Tâm còn đăng ký thương hiệu Vạn Linh Hương. Lần lượt, các sản phẩm của chị đã có mặt tại Festival Huế, tại Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, các hội nghị xúc tiến thương mại, du lịch trong và ngoài tỉnh. Từ đó mà nhiều người biết đến, đặt hàng, sản phẩm Vạn Linh Hương xuôi xuống các tỉnh miền Tây, ra một số tỉnh ở miền Trung và Hà Nội.
Dưới cái nắng óng ả, làng nghề làm nhang bên đường Trần Phú (ấp Long Hải, xã Trường Tây) trong những ngày giáp tết càng trở nên nhộn nhịp. Tại cơ sở sản xuất nhang Vạn Linh Hương (được xem là nơi sản xuất có quy mô lớn nhất làng nghề tại thị xã Hoà Thành nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung), những chuyến xe đang hối hả đưa hàng đi các tỉnh. Chị Ngân Tâm cho biết, gia đình đã có truyền thống hơn 20 năm làm nhang, vào dịp tết, cơ sở phải tăng năng suất 100-150kg nhang/ngày mới đủ cung ứng cho thị trường.
Trước đây, gia đình chủ yếu làm nhang se tay, nhang làm ra cũng không đều, cây to, cây nhỏ, sử dụng nhiều công lao động nhưng năng suất không cao. Nghĩ đến đây, chị quyết định đầu tư hơn 20 triệu đồng mua máy trộn và se nhang tự động.
Mà khi ấy, đối với chị, đó một khoản tiền không nhỏ. Đến khi nắm bắt nhu cầu thị trường, chị Ngân Tâm tiếp tục đầu tư máy móc, thay thế hoàn toàn phương pháp thủ công. “Đầu tư để thực hiện ước mơ của mình, có đắt cũng phải cố gắng. Thị trường bắt buộc mình phải thay đổi mới có thể hoà nhập”- Ngân Tâm bày tỏ.
Vào dịp tết, cơ sở Vạn Linh Hương phải tăng năng suất 100-150kg nhang/ngày mới đủ cung ứng cho thị trường.
Rõ ràng, máy móc giúp tăng năng suất lên gấp nhiều lần, nhang làm ra đều và đẹp, bán được giá hơn so với nhang thủ công trước đây. Nguyên liệu bột nhang, tăm tre, chất kết dính tự nhiên cho đến việc lựa chọn hương quế, tùng, đinh hương… cũng được chị chọn lựa kỹ càng. Tất cả các sản phẩm làm ra đồng đều về chất lượng, mẫu mã đẹp, người lao động đỡ vất vả, cực nhọc, năng suất tăng cao.
Chính sự kiên trì học hỏi, nhạy bén đã giúp các sản phẩm Vạn Linh Hương được người tiêu dùng đón nhận. Thêm vào đó, Ngân Tâm còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình quản lý, phân phối, mở rộng kênh bán hàng trên nền tảng số như Shopee, Lazada, Zalo, Facebook, Tiki...
Thậm chí, chị còn xây dựng riêng cho cơ sở mình App Trọng Linh trên Smartphone, website giới thiệu những sản phẩm nhang của mình cùng những tiêu chí phân loại chất lượng để khách hàng hiểu hơn về nghề làm nhang.
Tây Ninh là vùng đất của những làng nghề truyền thống, như: nghề chằm nón lá, mây tre đan, nghề rèn… Riêng nghề làm nhang ở Hoà Thành, cho đến bây giờ vẫn chưa có ai khẳng định nghề này có từ bao giờ, hiện có hàng trăm hộ dân vẫn tiếp tục duy trì.
Cùng với xu thế hiện đại, phát triển ngành nghề truyền thống kết hợp du lịch cộng đồng là một trong những mục tiêu mà tỉnh Tây Ninh đang hướng tới. Tương lai gần, song song với mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường ra các tỉnh, Ngân Tâm đang “hiện thực hoá” giấc mơ, “biến” cơ sở sản xuất nhang Vạn Linh Hương thành điểm kết nối khách du lịch khi đến với vùng đất tâm linh này.
Chị Tâm chia sẻ: “Tôi muốn, mỗi du khách khi đến với Tây Ninh, ngoài tham quan các địa danh nổi tiếng, sẽ tìm đến các làng nghề truyền thống, trong đó có Cơ sở Vạn Linh Hương.
Họ vừa được tận mắt chứng kiến người lao động sản xuất, vừa trải nghiệm các quy trình trộn bột, se nhang, phơi nhang sạch. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có niềm tin hơn đối với các sản phẩm truyền thống trên đất Tây Ninh”.
Năm 2022, sản phẩm yến sào sơ chế của Công ty TNHH Loan Phát Huy được vinh doanh thương hiệu VCCI, nằm trong top 1 “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
Thành công từ yến sào “Made in Tây Ninh”
Hơn 7 năm trước, ngôi nhà ba tầng lầu trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường 3, TP. Tây Ninh) được chị Lý Đàm Mai Loan (sinh năm 1976) đầu tư cho yến đến ở. Bằng các kỹ thuật “dẫn dụ” của chim mồi, sóng âm, từng đàn chim yến kéo về làm tổ.
Hơn 7 năm sau, ngôi nhà ba tầng ấy đã lần lượt cho ra đời những sản phẩm tổ yến sào tinh chế, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Nhà yến được nhân rộng thêm ba khu. Sản phẩm yến sào Yến Loan của Công ty TNHH Loan Phát Huy được bảo hộ thương hiệu độc quyền.
Tháng 11.2022, Hội đồng đánh giá và xếp hạng tỉnh Tây Ninh chứng nhận sản phẩm yến sào Yến Loan đạt OCOP 4 sao, được vinh danh thương hiệu VCCI, nằm trong Top 1 “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2022, với số điểm 95,071, gồm 50 sản phẩm của 33 doanh nghiệp trên cả nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và phát triển văn hoá kinh doanh năm 2022.
Tiếp chúng tôi trong cửa hàng khang trang trên đường Nguyễn Chí Thanh (phường 3, TP. Tây Ninh) với nhiều sản phẩm yến sào- từ thô đến tinh chế được xếp ngay ngắn trên kệ, chị Loan kể, khởi nghiệp từ năm 2016, trong dịp tham quan nghề nuôi và chế biến yến sào ở huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), nhận thấy Tây Ninh đang là thị trường nhiều tiềm năng, chị liên kết phân phối sản phẩm, đồng thời đi học hỏi những người có kinh nghiệm lâu năm với nghề nuôi và khai thác tổ yến tại các tỉnh có biển như Khánh Hoà, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…
“Người ta chế biến được yến sào, tại sao mình lại không thể, trong khi người tiêu dùng phải đi mua ở nơi khác?”. Nghĩ tới đây, chị Loan bắt tay thử nghiệm nuôi yến tại nhà. Ngay khi thu hoạch lượt tổ yến đầu tiên, hành trình xây dựng thương hiệu Yến sào Yến Loan Tây Ninh bắt đầu. Chị Loan bày tỏ: “Đã có không ít người ngăn cản, cho rằng tôi thật táo bạo khi chọn nuôi yến ở Tây Ninh, một nơi không có biển. Nhưng nếu không đam mê, sẽ không có thành công”.
Chị Lý Đàm Mai Loan - Giám đốc Công ty TNHH Loan Phát Huy giới thiệu sản phẩm yến sào.
Để có được thành công như hôm nay, chị Mai Loan đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Khi bắt tay vào làm mới thấy thực tế khác xa với dự tính, nhiều lần thất bại, tiêu tốn không ít những khoản tiền “không tên”. Yến thô sơ chế nhưng không đạt, buồn, thất vọng, cộng thêm sự lo lắng của gia đình khiến chị càng trăn trở. Nhưng cuối cùng, sự quyết liệt của chị cũng được gia đình ủng hộ.
Khó ở đâu, gỡ ở đó. Chị Loan tiếp tục tham khảo ý kiến những người giàu kinh nghiệm về yến sào, đồng thời thu mua tổ yến thô của các hộ nuôi yến trong tỉnh, thuê nhân công sơ chế. Để được người tiêu dùng tín nhiệm, chị đăng ký kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm định kỳ mỗi năm, được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chứng nhận đạt các tiêu chí.
Những tổ yến tinh chế, hũ yến chưng sẵn được chị trưng bán tại khách sạn, sảnh bệnh viện, các cửa hàng thực phẩm sạch ở trung tâm Thành phố. Chị Loan là người đầu tiên ở Tây Ninh tham gia Ban Chấp hành Hiệp hội Yến sào Việt Nam.
Khi cơ hội kinh doanh mở ra, chị Loan tiếp tục nghiên cứu và cho ra nhiều loại yến sào tinh chế, yến chưng sẵn có nhiều vị khác nhau theo quy trình sản xuất yến tinh chế đạt chuẩn HACCP, ISO, đồng thời cải tiến mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương.
Chị không những đẩy mạnh quảng bá, tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm, các hội nghị xúc tiến thương mại du lịch trong và ngoài tỉnh, chị còn “gửi gắm” sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử uy tín để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
“Chuyển đổi số đưa sản phẩm đi xa hơn, người tiêu dùng tiếp cận đa dạng mặt hàng hơn”- chị Loan chia sẻ- “Khởi nghiệp không bao giờ là muộn. Phải giữ được lửa đam mê, lòng tin với việc mình làm, đừng ngại thất bại! Hãy xem đó là những trải nghiệm và biến nó thành nền tảng để thành công sau này”.
Mỗi công đoạn sản xuất yến sào, chị Mai Loan đều giám sát cẩn thận.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000 nhà nuôi chim yến. Theo UBND tỉnh, bên cạnh các loại vật nuôi như heo, bò thịt, bò sữa, gà thịt, gà trứng, các sản phẩm từ yến cũng là một trong những thế mạnh tiến tới xuất khẩu vào giai đoạn 2022-2025.
Gắn sao OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là một trong những thước đo chất lượng, là đòn bẩy tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, cũng như tạo điều kiện và tiềm năng để phát triển sản phẩm địa phương, hướng tới xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt 1 năm 2022, tỉnh có 9 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao.
Dự kiến đến năm 2025 sẽ có 60-70 sản phẩm OCOP đại diện cho Tây Ninh như: nhang, yến sào, bánh tráng, rau rừng, muối ớt, các loại trái cây, mật ong... Tương lai gần, tỉnh sẽ có thêm những sản phẩm chất lượng, mang tính đại diện để giới thiệu với du khách khi đến với Tây Ninh.
Sản phẩm yến sào của Công ty TNHH Loan Phát Huy.
T.G