Đọc báo in
Tải ứng dụng

Núi và sen.

Từ khi thuộc lòng 2 câu ấy, đi đâu tôi cũng thường ngoái lại ngắm núi Bà, để luôn bắt gặp chiếc nón mây lồng lộng giữa trời xanh mây trắng.

Nón mây cũng đã gặp nhiều lần. Như một buổi hoàng hôn qua cầu mới Trần Quốc Toản, thấy núi đậm đà xanh đội chiếc nón mây ngời trắng, nổi bật bên tả ngạn cầu Quan. Nhưng tiếc quá! Những hàng cây sao tươi tốt trên đường đã che khuất một phần chân núi.

Chiếc nón mây.

Lại nữa, một buổi lên Tân Châu theo đường 785. Vừa qua một khúc quanh vào đất Tân Hưng thì gặp một anh đi xe máy chở cả đống hàng tre cồng kềnh đi bán. Chạy vượt qua anh để chụp pô ảnh, thì may sao cũng gặp núi phía sau đang đội nón trên đầu. Chỉ tiếc trời bữa ấy âm u, nên tấm ảnh bàng bạc nón mây, chưa nổi bật.

Đến một ngày, nhờ nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Văn Đính chụp cho pô ảnh, thì mới thật sự hài lòng với chiếc nón mây của núi Bà Đen. Da trời xanh ngắt, cánh đồng lúa dưới ánh nắng ngả màu vàng hoe. Và mây che đỉnh Núi Bà thật sự như một chiếc nón lá Ninh Sơn ngời trắng. Cái nón ấy đẹp đến nỗi, da trời cũng không dám gợn một áng mây nào khác. Để chỉ làm nổi bật lên chóp nón lung linh như một khối tuyết trắng, kiêu hãnh dưới trời xanh.

Núi Bà nhìn từ cầu Quan.

Lừng lững từ xa, ngọn núi như đột ngột nổi lên giữa đồng bằng. Đấy là núi Bà Đen quê tôi đấy bạn! Ngày xưa vào khoảng trước năm 1820, quan Hiệp Tổng trấn thành Gia Định Trịnh Hoài Đức viết sách Gia Định thành thông chí, trong mục mô tả Trấn Phiên An, thì câu đầu tiên ông viết là về núi Bà Đen. Đấy là “Núi cả trấn trông thấy, ở cách trấn lỵ (TP.HCM nay) về phía tây 261 dặm rưỡi…”.

Núi Bà nhìn từ chùa Cẩm Phong.

Vâng! Gần một cây số chiều cao dựng giữa trời, đâu mà chẳng thấy. Nay, Phiên An- Gia Định xưa đã thành vùng kinh tế trọng điểm miền Đông. Vùng đô thị lẫn nông thôn đều có cây cối, cửa nhà mọc lên bát ngát nên chắc cả “trấn” không còn thấy núi. Nhưng nhìn từ Bình Long, Lộc Ninh bên Bình Phước, núi Bà vẫn nổi lên sừng sững phía trời tây. Còn ngay trên đất Tây Ninh, hầu như nơi đâu bạn cũng có thể nhìn thấy núi.

Từ mỗi điểm, núi lại bật lên mỗi khác một dáng hình. Lúc thì sum suê vun đầy như một mâm xôi cúng. Khi lại thành hai ngọn, như người mẹ dắt con đi lừng lững. Có phải vì hình ảnh này mà xưa núi Bà Đen được người ta gọi là núi Bà và núi Cậu hay không?

Và, sự khác lạ nhất của núi trước mắt người Tây Ninh mỗi ngày chính là nhờ mây đấy ạ! Có khi mây là nón lá, có lúc mây lại như chiếc nón quai thao của người Quan họ. Và nhiều khi chỉ là những dải khăn voan hờ hững trên đầu. Bữa đi trên con đường Sứ (784 nay) qua đất Chà Là, Dương Minh Châu, tôi lại thấy cụm mây trên đỉnh núi như một chiếc tổ chim. Rồi, từ trên trời xanh lại có những vầng mây trắng như một con chim phượng hoàng đang sà xuống.

Núi Bà nhìn từ hướng Cầu Khởi, Dương Minh Châu.

Nhìn từ xa, núi luôn đậm màu lam hoặc màu khói bếp lúc chiều hôm. Nhưng đến gần hơn, ta sẽ thấy núi vẫn còn những vết thương chưa lành hẳn. Như, từ chùa Trung ngước lên còn thấy ngổn ngang từng vệt trắng đá mồ côi. Đấy là dấu tích bom pháo kể cả bom B52 suốt 21 năm quân dân Tây Ninh đánh Mỹ.

Còn những hố đá dưới chân núi Heo, ở sườn tây núi Bà, vẫn còn nham nhở dấu tích một thời khai thác đá. Có những vết thương đã được Núi và Người làm cho lành lại. Như bên hồ Mây Núi, đã trở thành một cảnh quan tuyệt vời cho du khách đến vui chơi. Nhưng đấy sẽ lại là một câu chuyện khác.

Chiếc nón lá giữa đồng bằng.

Về Tây Ninh đi bạn! như nhà thơ Hưởng Triều (tức Trần Bạch Đằng) viết khi về thăm Tây Ninh vào mùa xuân năm 1982, thì “Một đời người phải về Tây Ninh ít ra một chuyến!

Rón rén mà về. Thương mà thăm viếng…”.

Nguyễn Quốc Việt