Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Muôn vẻ dạy thêm, học thêm
Thứ năm: 02:34 ngày 23/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Chuyện dạy thêm, học thêm tràn lan cũng giống với tệ lạm thu ở một điểm: khó kiểm soát! Cách nay hơn một tháng, trên một tờ báo có đăng phóng sự ảnh về tình hình học thêm của học sinh với cái tít: “Học thêm từ gà gáy đến nửa đêm”. Đã có nhiều lời bình luận về trang phóng sự này, tựu trung là cảm giác xót xa lẫn ngán ngẩm của phụ huynh, học sinh khi nhắc đến hai từ “học thêm”; có em học sinh còn đặt câu hỏi: chuyện này đã diễn ra lâu rồi sao nay mới lên báo?

Mệt mỏi (ảnh minh hoạ).

Lý giải cho tình trạng dạy thêm và học thêm tràn lan lâu nay, nhiều người vẫn bức xúc vì cho rằng học sinh gần như bị… bắt ép học thêm. Tình trạng này là có thật. Dẫu ngành giáo dục có ra sức tuyên truyền, vận động hay cả quy định bằng thông tư này nọ đi chăng nữa thì cũng không thể né tránh sự thật này.

Một số học sinh tại trường THPT thuộc huyện T cho biết, các em học trong lớp với một giáo viên và đồng thời tham gia học thêm tại nhà giáo viên đó vì không thể làm khác được. Không đi học thêm là bị điểm kém lập tức, giải bài tập bằng cách nào cũng bị… vặn vẹo. Giải pháp cuối cùng được nhiều học sinh chọn lựa là học thêm với giáo viên dạy mình trên lớp để… kiếm điểm và theo học một giáo viên khác là để… kiếm kiến thức.

Với học sinh các lớp cuối cấp phải tham gia những kỳ thi quan trọng thì tình trạng này lại càng phổ biến hơn. Vì thế mà các em thường phải phụ thuộc giáo viên, học thêm từ 5 giờ sáng không phải là chuyện hiếm thấy đối với học sinh (sau “ca” học này, các em lại vội vã đến trường). Điều đáng nói ở đây là dường như người đứng lớp ngày càng cố thể hiện sức ảnh hưởng, tầm quan trọng của… bản thân mình và môn học mà mình phụ trách trước học sinh, khiến các em không thể né tránh “nghĩa vụ học thêm” của mình.

“Thị trường dạy thêm” gần như bị thả nổi. Chất lượng giảng dạy từ các lớp dạy thêm ra sao thì chưa từng có ai công khai, đánh giá. Bản thân học sinh, đối tượng “thụ hưởng” sau những giờ học thêm cũng chưa bao giờ tự kiểm tra lại xem mình gặt hái thêm được gì sau những tháng ngày miệt mài lao theo những ca học choán hết thời gian, tâm sức. Có cảm giác như tất cả đều đang đối phó. Trò đối phó thầy khi tham gia học thêm, thầy đối phó nhà quản lý khi xem học thêm là một cách để học sinh có thể “lấy lại căn bản”- nhằm cải thiện tình hình yếu kém của mình.

Từ khi ngành Giáo dục ban hành Thông tư 17 quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường (phải bảo đảm cơ sở vật chất, phải có giấy phép được cấp trên phê duyệt…), để né tránh cái “mác” dạy thêm, nhiều thầy cô giáo đã tổ chức… dạy kèm. Bằng cách này, giáo viên chỉ tập hợp một nhóm vài học sinh thuộc diện “thân cận” (hoặc có khi là quá yếu kém, cần phải bồi dưỡng kiến thức căn bản) dạy tại nhà riêng của mình hoặc tại nhà học sinh. Có người còn thoả thuận với học sinh theo kiểu “tiền trao cháo múc”- học tiết nào trả tiền tiết nấy (không thu theo tháng).

Một phụ huynh có con học cấp THCS kể chuyện con mình học nhóm (10 em), mỗi buổi học xong giáo viên thu 20.000 đồng/em. Chúng tôi băn khoăn liệu giáo viên có nhận ra cái việc học sinh đi học theo kiểu tuỳ hứng- thích học thì đi, không thích thì nghỉ là hay không? Vị phụ huynh cho biết chắc chắn không có việc này, vì cả học sinh và phụ huynh các em chỉ có một lựa chọn mà thôi.

Hiện nay, khi cơ sở vật chất của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cơ bản đã hoàn chỉnh, khang trang, các trường đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày chỉ được phép tổ chức cho giáo viên dạy thêm trong nhà trường; giáo viên không được phép dạy thêm tại nhà. Thường thấy, nơi nào mà công tác kiểm tra, giám sát được làm nghiêm túc, có những chế tài rõ ràng thì tình trạng dạy thêm tràn lan mới được khắc phục.

Vẫn còn không ít giáo viên đăng ký dạy thêm ở trường như một thứ “bình phong”, để có thể an tâm với công việc “kiêm dạy thêm tại nhà”. Và khi đó, chuyện học sinh phải miệt mài học thêm từ lúc gà gáy hoặc đến nửa đêm cũng là chuyện dễ hiểu.

Làm sao để “nói không” với dạy thêm, học thêm tràn lan gần như là một câu hỏi không có lời đáp. “Chiến trường” dạy thêm, học thêm cũng vì thế mà như một ma trận vậy.                                                               

PT

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục