BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mương kiến” tưới, tiêu nội đồng-vấn đề cần giải quyết 

Cập nhật ngày: 12/07/2021 - 06:44

BTN - Thời gian qua, tỉnh chú trọng đến việc đầu tư hệ thống kênh thuỷ lợi, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng. Thế nhưng, để hệ thống thuỷ lợi phát huy đồng bộ, hiệu quả, cần phải có sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân- nhất là vấn đề kênh mương nội đồng hay còn gọi là “mương kiến”.

Do thiếu “mương kiến” thoát nước nên khi có mưa nhiều, liên tục, khu vực dọc theo đường ÐT781B (xã Mỏ Công, Tân Biên) tiêu thoát không kịp dẫn bị ngập.

Có miệng cống lấy nước, tiêu thoát nước nhưng không có mương nội ðồng

Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, vừa qua nhận được phản ánh của người dân sống tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên về việc kênh tưới Phước Hoà, đoạn qua xã Thạnh Tây được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2016, nhưng mùa khô không có nước, không phát huy hiệu quả sử dụng, gây lãng phí.

Công ty đã chỉ đạo cho Xí nghiệp thuỷ lợi Tân Biên phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, UBND xã và Tổ thuỷ nông phụ trách phục vụ nước trên địa bàn xã kiểm tra, xác minh. Theo đó, hầu hết người dân có ý kiến đều có đất trồng mì tại khu vực Trảng Pháo Binh thuộc ấp Thạnh Trung, nằm cách tuyến kênh tưới cấp 3 N2-22-2 thuộc hệ thống trạm bơm N2 khoảng 300m-350m.

Hệ thống trạm bơm N2 được bê tông hoá 100% với chiều dài kênh chính 11.000m, đưa vào sử dụng từ năm 2016, phục vụ bơm tưới 3 vụ trong năm theo lịch cụ thể từng đợt, thông báo đến người dân các xã Hoà Hiệp, Thạnh Tây và Tân Bình.

Trên địa bàn xã Thạnh Tây có hai tuyến kênh cấp 2 (kênh N2-20, N2-22) và hai tuyến kênh cấp 3 (kênh dưới 50 ha: kênh N2-22-1, N2-22-2). Tuy nhiên, tại khu vực canh tác của các hộ dân trên, dù đã có cửa lấy nước cấp 4 N2-22-2-5 tại vị trí K0+563 kênh N1-2-22-2 bờ tả, nhưng do thiếu hệ thống kênh tưới nội đồng (mương kiến) từ cửa lấy nước N2-22-2-5 đến đất sản xuất, các hộ đều không lấy nước được. Mặt khác, hằng năm, các hộ sản xuất trên không đăng ký nhu cầu sử dụng nước tưới với Tổ thuỷ nông phụ trách.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, để bảo đảm công tác phục vụ nưới tưới cho sản xuất các vụ trong năm, các hộ dân có đất sản xuất trong khu vực Trảng Pháo Binh cần kết hợp với Ban Quản lý ấp Thạnh Trung, ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Tây và Tổ thuỷ nông phụ trách phục vụ nước trên kênh N2-22-2 vận động các hộ dân phía ngoài hiến đất, làm kênh nội đồng (mương kiến) đấu nối với CLN N2-22-2-5 để dẫn nước tưới.

Tương tự, trên địa bàn hai xã Mỏ Công và Tân Phong (huyện Tân Biên), ngành Nông nghiệp đã đầu tư hệ thống kênh tiêu T1 để phục vụ cho việc thoát nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân. Tuy nhiên, theo phản ánh, sau cơn mưa ngày 27.5, có một số điểm nằm trong khu vực tiêu thoát nước của hệ thống kênh vẫn còn bị ngập cục bộ, buộc nông dân trồng mì phải hối hả thu hoạch để tránh bị thiệt hại.

Sau khi nắm được thông tin trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh (chủ đầu tư kênh tiêu T1) cho nhân viên kiểm tra thực tế để đánh giá hiệu quả của kênh tiêu T1. Qua khảo sát cho thấy, cơn mưa ngày 27.5 dù lớn, diện rộng nhưng hệ thống kênh tiêu T1 vẫn đủ khả năng đáp ứng do công suất thiết kế cao hơn rất nhiều.

Hệ thống kênh tiêu trong vùng dự án được xây dựng và hình thành cùng với hệ thống tưới tiêu của hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng với nhiệm vụ thiết kế ban đầu là phục vụ tưới tiêu cho cây lúa. Gần đây, năm 2010, Nhà nước đầu tư thực hiện Dự án hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, chỉ kiên cố hoá hệ thống kênh tưới, không đầu tư, sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh tiêu, trong vùng dự án có hệ thống kênh tiêu T1, T3 từ lâu chưa được nạo vét, nâng cấp cho thông thoáng dòng chảy, cây cỏ mọc đầy lòng kênh, một số công trình trên kênh chưa có hoặc hiện trạng chỉ phù hợp tiêu thoát cho trồng lúa không phù hợp tiêu thoát để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau quả như nhiệm vụ của dự án đề ra.

Hiện nay, kênh tiêu T1 được đầu tư nạo vét và phát huy hiệu quả tốt với tổng chiều dài L = 7.050m; K0 kênh xuất phát từ ngã tư kênh tiêu T1-2, T1-1, T1-3 và tiêu về kênh tiêu suối Tà Hợp; lưu vực kênh tiêu T1: 7.033 ha; diện tích tiêu 1.296 ha; hệ số tiêu q = 7,4 l/s/ha; tần suất mưa tiêu thiết kế là P = 10%.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh cho rằng, cơn mưa lớn kéo dài ngày 27.5 vừa qua, khu vực dọc theo đường ÐT781B tiêu thoát không kịp nên bị ngập. Khu vực này không thuộc phạm vi đảm trách của kênh tiêu T1. Vì vậy, để tiêu thoát nước, chính quyền địa phương cần vận động dân ở khu vực đào rãnh tiêu (mương kiến) nối vào các kênh tiêu nhánh như kênh tiêu T1-2, T1-1.

Quan tâm ðầu tư hệ thống thuỷ lợi nội ðồng

Theo Sở NN&PTNT, việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa xây dựng công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng được ngành chú trọng quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đã nâng cấp, sửa chữa, kiên cố hoá, nạo vét, phát cỏ, vớt rong các tuyến kênh với kinh phí 129,921 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng triển khai thực hiện dự án kênh tiêu với tổng kinh phí 41,718 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương nội đồng đạt 70,42% (321,786km/456,976km).

Tuy nhiên để đồng bộ, kết nối hệ thống kênh nội đồng có diện tích nhỏ hơn 50 ha với các công trình thuỷ lợi hiện có, gắn với tiêu chí 3 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, mở rộng diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động, phát huy hiệu quả. Tháng 2.2020,

Sở NN&PTNT đã ban hành Văn bản số 2461 về việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp kênh nội đồng có diện tích dưới 50 ha. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh lựa chọn danh mục công trình để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2025-2030.

Song song đó, ngành Nông nghiệp đang hoàn chỉnh kế hoạch phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Ngành Nông nghiệp cũng đang xây dựng dự thảo nghị quyết, quyết định quy định chính sách hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh nhằm có chính sách hỗ trợ thông qua các tổ chức thuỷ lợi cơ sở, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế; phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng trên cơ sở kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình bao gồm đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng hiệu quả quản lý khai thác công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng, ứng dụng khoa học công nghệ góp phần hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi từ đầu mối đến mặt ruộng, kết nối đồng bộ, nâng cao năng lực quản lý nhằm phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi trong thời gian tới.

Sau khi nghị quyết, chính sách được ban hành, hệ thống thuỷ lợi nội đồng của tỉnh ngày càng được hoàn chỉnh, trong đó có vấn đề “mương kiến” dẫn nước tưới tiêu là vấn đề tồn tại cần phải giải quyết nhanh chóng để phát huy đồng bộ hiệu quả hệ thống thuỷ lợi phục vụ cho phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tấn Hưng