Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mứt tết xưa
Thứ hai: 14:32 ngày 14/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tết ngày nay, đến nhà ai hầu như cũng có nhiều bánh mứt cao cấp, nào mứt trái hồng, trái kiwi, nho khô, hạt sen, rồi hạt điều, hạt óc chó, mắc-ca… của những thương hiệu uy tín trong nước và nhập khẩu nước ngoài.

Không phải bây giờ thu nhập cao hơn trước mà nhiều người ít sử dụng những thực phẩm làm bánh mứt thủ công như ngày xưa. Có thể do lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm từ thông tin báo chí phản ánh nhiều cơ sở sản xuất bánh mứt sử dụng nguyên liệu không bảo đảm, nơi chế biến không hợp vệ sinh và cả việc sử dụng những phụ gia chế biến là chất cấm…

Và phần là do thế hệ gia đình ngày nay quy mô, ít người nên việc tự chế biến bánh mứt dịp tết ít dần đi, công thức làm mứt mà ông bà truyền lại dần dà mai một. Ðặc biệt là ở đô thị, người ta đã quen đi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mua hàng hoá thực phẩm đóng gói sẵn. Gia đình tôi cũng không nằm ngoài xu thế ấy.

 

Kể từ ngày xã nhà được quy hoạch làm khu công nghiệp, đất đai theo đó được đà vùn vụt tăng giá. Những mảnh vườn ở nông thôn trước đây mà nhà nào cũng có vài cây me, cây dừa, cây xoài, cây ổi… nay bỗng chốc phân lô đất nền, cây trái cưa chặt hết thay vào đó là cọc xi măng cắm phân ranh. Những căn nhà tường, quán xá đua nhau mọc lên.

Vùng quê xanh mát, yên bình năm nào nay sôi động náo nhiệt của nếp sống đô thị. Không thể trách được! Nhờ đô thị hoá nhiều gia đình nông dân nay cuộc sống đổi thay. “Tấc đất tấc vàng” - như ông bà ta thường nói không sai. Chỉ cần bán một phần đất là có thể xây nhà cao, tậu xe ô tô và chia cho con cháu một số vốn liếng làm ăn. Nếu xã không có xây dựng khu công nghiệp thì không biết đến đời nào mới thoát được cảnh khổ! Nói là vậy, chứ ai bán đi đất mà vui bao giờ...

Trước đây, nội tôi có một miếng đất để lại cho cô tôi ở. Cô tôi từ nhỏ sống cùng ông bà nội, nay thì đã già nhưng chưa kết duyên cùng một ai. Miếng đất này có từ đời ông cố để lại. Ngoài cái nhà gỗ đơn sơ trước đây, bên hông còn cả một khu vườn nhiều cây ăn trái. Riêng cái nhà gỗ đã có người đến hỏi mua lại đến mấy trăm triệu đồng nhưng cô tôi không bán vì là nhà hương hoả. Khi khu công nghiệp hình thành, miếng đất của cô tôi ở ngay phía đối diện cổng khu công nghiệp.

Cũng vì lý do cần tiền chia cho anh em xây cất nhà, cô tôi đứt ruột cắt bán mười mét đất mặt tiền cho người ta. Từ đó, đến dịp tết tôi không còn được ăn món mứt me, mứt dừa do chính tay cô làm. Mảnh đất đã bán, người ta chặt hết những cây dừa, cây me gắn bó với gia đình tôi bao năm, thay vào đó là quán cà phê nhạc xập xình ngày đêm.

Tôi còn nhớ, trước đây khi gần đến rằm tháng Chạp, cô tôi kêu bọn con nít leo lên cây hái những trái me vừa già tới, loại chưa chuyển sang dốt để làm mứt me tươi. Cô dùng sào tre tầm vông móc những trái dừa vừa rám (hay còn gọi là dừa bánh tẻ tức không quá non cũng không quá già) để làm mứt dừa. Cả những bụi gừng sẻ trồng gần cả năm sau nhà cũng được lật gốc để lấy củ làm mứt. Có gì cao sang đâu, tết chỉ cần mứt me, mứt dừa, mứt gừng là đủ vui rồi. Toàn làm từ cây nhà lá vườn sẵn có, an toàn, bảo đảm vệ sinh.

Có thể nói làm mứt me tươi là cực và mất thời gian nhiều nhất. Ðể có được trái mứt me ngon, cô tôi phải vất vả mất nhiều thời gian, công đoạn. Tôi từng là phụ tá đắc lực của cô nên nhớ rõ công thức làm mứt của cô. Trước tiên, me sau khi rửa sạch, để ráo nước rồi đem ngâm vào nước nóng chừng 80 độ trong vòng một đến hai tiếng để vỏ me dễ bóc. Tiếp đến dùng dao thái mỏ nhọn tách phần vỏ me giữ lại cuống để cầm khi ăn.

Me sau khi tách vỏ tiếp tục ngâm nước muối khoảng 2 ngày để loại bớt vị chua. Sau đó vớt me ra rọc dọc ngang để lấy hết hạt ra, rồi ngâm tiếp nước lạnh 1 ngày để loại bỏ vị mặn của muối ngấm vào trái me trong quá trình ngâm muối. Kế đến, cô vớt me để ráo nước, dùng cây tăm xâm lên khắp trái để khi ngào đường, đường sẽ thấm vào bên trong.

Nguyên liệu sẵn sàng, cô bắc chảo đường cát lên bếp đảo đều cho đường tan hết, phải canh cho lượng nước đường ngập trên 2/3 lượng me, đợi nước đường chuyển sang màu vàng cánh gián là đổ me vô đảo đều, ước chừng gần 10 phút nước đường sệt lại là được (công đoạn này người ta gọi là sên me), tắt lửa đem ra bày phơi trên những chiếc mâm. Me sau khi phơi chừng 2 ngày nắng là hoàn thành mứt me, cho vào lọ thuỷ tinh chờ tết đãi khách. Kể ra thế mới thấy có biết bao mồ hôi, công sức đọng lại trên từng trái mứt me.

Cái vị chua chua, ngọt ngọt và dẻo của trái mứt me khiến ai cũng thích thú. Bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa cầm trái me vừa đi vừa ăn, vừa đùa giỡn, còn người lớn thì ngồi uống trà nhâm nhi từng mắt me, và đĩa mứt me vơi đi dần theo từng câu chuyện kể. Ngày tết mà! Ai cũng được nghỉ ngơi vui vẻ sau cả năm bươn chải mưu sinh.

Ngoài mứt me, cô tôi còn làm thêm mứt dừa ngũ sắc, mứt gừng. Ôi, những cọng mứt dừa beo béo, thanh thanh ngọt của đường và hương thơm nhè nhẹ mùi lá dứa, mùi gấc, đẹp màu lá cẩm, khiến ai cũng bị hấp dẫn, lôi cuốn, ăn hoài không chán. Và từng miếng mứt gừng sẻ cay cay đầu lưỡi, ấm lòng vào những ngày đông tết đến… Ôi, những kỷ niệm, ký ức xưa nay đã không còn. Tôi nay đã lớn, còn cô tôi cũng đã ngoài sáu mươi. Ðã rất lâu rồi, tôi không còn được ăn món mứt tết cô làm, nhưng mùi vị làm sao tôi quên được?

Tết ngày nay, đến nhà ai hầu như cũng có nhiều bánh mứt cao cấp, nào mứt trái hồng, trái kiwi, nho khô, hạt sen, rồi hạt điều, hạt óc chó, mắc-ca… của những thương hiệu uy tín trong nước và nhập khẩu nước ngoài. Món nào cũng ngon và đắt tiền nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó, phải chăng tôi đang nhớ đến mứt tết xưa...

Nguyễn Hữu Dư

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục