Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mỹ chật vật ngăn 'chất xám' chảy về Trung Quốc
Thứ tư: 19:03 ngày 20/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giới chức an ninh Mỹ lo ngại Trung Quốc "rút chất xám" từ các trường đại học nước này, trong khi việc ngăn chặn rất khó khăn.

Các công tố viên Mỹ từ năm ngoái nghi ngờ ba nhà nghiên cứu gốc Á tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas đã có hành vi tiết lộ thông tin nhạy cảm với Trung Quốc và tham gia vào các chương trình tuyển mộ người tài làm việc cho nước này. Trung tâm MD Anderson đã sa thải ba nghiên cứu viên này, nhưng đến nay chưa có người nào bị truy tố.

Giới chức an ninh quốc gia Mỹ cho rằng đây là trường hợp điển hình cho thấy các trường đại học Mỹ đang là mục tiêu trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm ngấm ngầm thu thập "chất xám" khoa học và lấp đầy khoảng cách công nghệ với phương Tây. Nó cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ mà các công tố viên Mỹ phải đối mặt khi muốn chứng minh hành vi bòn rút chất xám đó.

Theo các quan chức an ninh ở Washington, Bắc Kinh đã trả tiền cho hàng nghìn nhà khoa học trên khắp thế giới để cộng tác ngoài giờ với các tổ chức Trung Quốc. Thông qua các thỏa thuận này, họ thường sẽ dành vài tháng làm việc ở Trung Quốc mà không tiết lộ công việc mình làm cho đơn vị chủ quản.

Thực trạng này đã khiến một số cơ quan liên bang Mỹ như Bộ Năng lượng, Viện Y tế Quốc gia gần đây phải ra quy định yêu cầu các nhà khoa học phải kê khai mọi nguồn hỗ trợ từ nước ngoài, sau khi nhận ra quy mô của những nguồn tài trợ bí mật này.

Một nhà khoa học tại Trung tâm Vật liệu Nano thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Lemont, Illinois, Mỹ. Ảnh: Mark Lopez/Flickr.

Một báo cáo tình báo của Mỹ năm 2018 cho biết Trung Quốc đã tuyển dụng 2.629 chuyên gia khoa học từ Mỹ thông qua chương trình "Kế hoạch Một nghìn Tài năng". Đây chỉ là một trong hơn 200 chương trình tương tự của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc họ xây dựng một kế hoạch có hệ thống nhằm đánh cắp công nghệ của Washington.

Trong khi đó, giới chức an ninh Mỹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định một cách rõ ràng hành vi đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ trong môi trường đại học. Những nghiên cứu thường được các nhà khoa học chia sẻ với nhau và nhiều trường đại học cho biết vì nghiên cứu học thuật vốn dĩ phải công bố nên không có gì để đánh cắp.

Tuy nhiên, nhà chức trách Mỹ vẫn đánh giá đây thực sự là mối đe dọa hiện hữu. "Việc tham gia vào một chương trình tuyển mộ tài năng không phạm pháp, nhưng nó có thể tạo ra động cơ đánh cắp sở hữu trí tuệ, hay ít nhất là xung đột lợi ích", John Demers, cục trưởng Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, phát biểu tại một hội nghị ở Washington gần đây.

Việc truy tố hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ thông qua các chương trình tài năng cũng rất khó khăn. Trong vụ MD Anderson, các công tố viên đã trình chứng cứ lên một bồi thẩm đoàn và truy cập email từ máy chủ của trung tâm, nhưng vẫn chưa thể truy tố được nghi phạm nào.

Hồi tháng 8, Bộ Tư pháp Mỹ thử nghiệm một cách tiếp cận mới. Họ cáo buộc giáo sư Franklin Feng Tao từ Đại học Kansas lừa gạt trường đại học và chính phủ Mỹ khi không trình báo việc ông nhận một vị trí chính thức tại Đại học Phúc Châu thông qua một chương trình của chính phủ Trung Quốc.

Các công tố viên cho hay việc không tiết lộ thông tin này giúp giáo sư Tao tiếp tục giữ được công việc tại Đại học Kansas và nhận trợ cấp nghiên cứu từ chính phủ Mỹ.

Giáo sư Franklin Feng Tao của Đại học Kansas, Mỹ. Ảnh: WSJ.

Các quan chức Mỹ coi bản cáo trạng với Tao như một "khuôn mẫu" để truy tố những người tham gia các chương trình tuyển mộ tài năng của Trung Quốc mà không phải chứng minh họ có hành vi trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ hay vi phạm quy định kiểm soát xuất khẩu.

Giáo sư Tao phủ nhận các cáo buộc. Hôm 17/11, luật sư của Tao đệ đơn yêu cầu hủy cáo trạng, khẳng định những cáo buộc nhằm vào ông là do nhà nghiên cứu Trung Quốc Huimin Liu bịa đặt nên. Theo họ, bà Liu đang tìm cách lợi dụng nỗi sợ hãi của Mỹ về hành vi gián điệp để chống lại Tao.

Một phát ngôn viên phòng công tố Kansas cho hay họ đang đánh giá đơn từ luật sư của Tao và sẽ phản hồi tại tòa.

Tao, sinh ra tại Trung Quốc nhưng đến Mỹ thường trú hợp pháp từ năm 2002, cho rằng Liu nghĩ ông đã không ghi đầy đủ tên bà trong một nghiên cứu mà họ cùng thực hiện, nên yêu cầu Tao bồi thường 2 triệu nhân dân tệ (285.000 USD).

"Ông hủy hoại tương lai của tôi", Liu viết trong một email gửi Tao được ông này trình trước tòa. "Đừng nghĩ số tiền đó là quá nhiều. Đó cũng là tương lai của ông đấy".

Bà Liu bác bỏ cáo buộc của Tao, cho rằng Đại học Kansas đã biết chuyện Tao làm việc cho Đại học Phúc Châu trước khi bà báo cáo sự việc.

Từ ngày 30/4, Liu bắt đầu gửi đơn khiếu nại chống lại Tao lên Đại học Kansas và FBI, thậm chí nộp cho FBI thư mời tuyển dụng từ Đại học Phúc Châu gửi tới Tao. Bà có được bức thư bằng cách truy cập trái phép vào email của Tao.

Liu cũng tiếp tục gửi email cho Tao, đưa ra lời đe dọa ngấm ngầm vào ngày 4/6 với nội dung dịch từ tiếng Trung Quốc như sau: "Có vẻ khái niệm 'gián điệp công nghệ' đang rất phổ biến. Ông nên cẩn thận".

Vài ngày sau, Liu lại liên lạc với FBI, cáo buộc Tao thành lập một phòng nghiên cứu bí mật tại Phúc Châu và "thực hiện các hoạt động gián điệp khoa học".

Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Tao che giấu hợp đồng hợp tác với Đại học Phúc Châu theo yêu cầu từ ngôi trường này, trong khi chính phủ Mỹ đã trả lương cho ông 37.000 USD. Nếu bị kết tội, Tao có thể đối mặt mức án ít nhất 20 năm tù.

Một trang web của chính phủ Trung Quốc cho thấy Tao đã được Chương trình Học giả Trường Giang lựa chọn vào tháng 1/2018 và nhận lời mời làm việc tại Đại học Phúc Châu thông qua chương trình trên.

Trong một bài báo đăng trên Tạp chí Hiệp hội Hóa học Mỹ số tháng 4/2019, Tao cho biết mình làm việc ở cả Đại học Kansas và Đại học Phúc Châu. Các công tố viên cũng cáo buộc ông đã qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc 23 lần trong ba năm qua.

Trong đơn kháng cáo, luật sư của Tao nói ông chưa bao giờ chấp nhận vị trí tại trường đại học Trung Quốc và đã dành cả học kỳ mùa thu năm 2018 để giảng dạy tại Kansas. Lá đơn đồng thời dẫn lời khai từ một đặc vụ FBI trước bồi thẩm đoàn rằng anh ta không có bằng chứng Tao đã ký hợp đồng với Đại học Phúc Châu.

Peter Zeidenberg, luật sư đại diện cho Tao, cho hay thân chủ mình "từ chối lời mời giảng dạy tại Đại học Phúc Châu và đã nói điều này với ngôi trường".

Theo Zeidenberg, Tao không nhận lương từ Đại học Phúc Châu nhưng được hoàn trả tiền công tác phí cho các chuyến đi tới trường tham dự hội thảo. Ông cộng tác với các nhà khoa học tại Phúc Châu và giúp một cựu nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của mình thành lập một phòng thí nghiệm ở đây. Tuy nhiên, Zeidenberg không trả lời câu hỏi vì sao trên bài báo đăng hồi tháng 4, Tao lại đề cập tới cả hai trường đại học trong phần hồ sơ cá nhân.

Luật sư của Tao khẳng định công thức truy tố những người tham gia chương trình tuyển mộ tài năng mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra "sẽ tạo nên một tiền lệ nguy hiểm".

Cục trưởng Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ John Demers thừa nhận chính phủ Mỹ "đang có cái nhìn khắt khe" với các chương trình tài năng do chính phủ Trung Quốc tài trợ, nhưng cơ quan này muốn tránh mọi ý niệm về một cuộc "săn phù thủy" nhằm trực tiếp vào một nhóm sắc tộc nào đó.

"Khi nói về Trung Quốc, hiển nhiên chúng tôi nói đến chính phủ Trung Quốc, chúng tôi tập trung vào hành vi, không phải sắc tộc", ông nhấn mạnh. "Chúng ta không thể để hành động của một chính phủ khiến tất cả công dân của họ bị nghi ngờ".

Nguồn VNE (Theo Wall Street Journal)

Tin liên quan