BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mỹ “cuốn cờ” khỏi Iraq

Cập nhật ngày: 15/12/2011 - 11:39

Hôm qua 15.12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến tổng hành dinh quân đội Mỹ tại Baghdad dự lễ “cuốn cờ” các lực lượng thuộc liên quân Mỹ – nghi thức đánh dấu chấm hết gần 9 năm tham chiến tại Iraq, lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Saddam Hussein, tạo ra một Iraq mới đầy bất ổn về an ninh.

Hiện vẫn còn khoảng 4.000 lính Mỹ đóng tại Iraq, hoạt động chủ yếu ở khu vực hai tỉnh Diwaniya và Bhiqar, giảm rất nhiều so với 170.000 quân vào cao điểm của cuộc chiến. Tại Baghdad, vẫn còn một số đơn vị nhưng họ sẽ rút về nước ngay khi buổi lễ “cuốn cờ” kết thúc. Dù kết thúc sự hiện diện về mặt quân sự, nhưng hẳn nhiên người Mỹ sẽ đóng một vai trò rất lớn trong đời sống chính trị, kinh tế Iraq khi xây dựng toà đại sứ lớn nhất thế giới với 15.000 – 16.000 nhân viên.

Binh lính Mỹ thực hiện nghi thức cuốn cờ

Trước đó, hôm 14.12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến căn cứ quân sự Fort Bragg ở bang Bắc Carolina để tri ân 3.000 binh sĩ vừa rời Iraq về nước. Ông Obama cho rằng, sau gần 9 năm tham chiến, quân đội Mỹ đã đạt được “những thành tựu phi thường” và trở về nước trong tư thế “ngẩng cao đầu” khi bàn giao cho người Iraq một đất nước “có chủ quyền, ổn định và tự lực, với một chính phủ đại diện, do dân bầu ra”. Ông Obama thừa nhận để đạt được những thành tựu của ngày hôm nay, người Mỹ đã phải trả “một cái giá rất lớn: khoảng 4.500 lính Mỹ thiệt mạng, hàng chục ngàn quân nhân khác bị thương…

Trong khi đó, người dân Iraq đón nhận việc Mỹ rút quân với tâm trạng vừa mừng, vừa lo khi tình hình an ninh vẫn còn nhiều bất ổn. Mừng vì “các thế lực ngoại bang” chấm dứt chiếm đóng, độc lập, chủ quyền về tay người Iraq. Tại Fallujah, hàng ngàn người cũng xuống đường, nhưng họ gọi sự kiện này là “thắng lợi của phong trào kháng chiến chống quân xâm lược”. Fallujah được xem là “thành luỹ” của lực lượng vũ trang chống Mỹ…

Bên cạnh niềm vui là nỗi lo, đặc biệt là tình hình bạo lực, dù đã giảm đi rất nhiều nhưng tiếng bom, tiếng súng vẫn còn là một phần của đời sống thường nhật tại Iraq. Tình trạng tranh gianh quyền lực vẫn còn âm ỉ trong nội bộ chính phủ chia sẻ quyền lực giữa các đảng phái Shi’ite, Sunni và Kurd, trong đó Shi’ite chiếm đa số. Ngoài ra, dư luận Iraq nghi ngờ lực lượng an ninh nước này vẫn chưa đủ sức kiểm soát tình hình đất nước, đó là chưa kể mối lo mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã cài cắm tay chân vào quân đội và cảnh sát.

HY UYÊN

Theo Reuters/Al-Jazeera

 

 

 

 


 
Liên kết hữu ích