Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Hải quân Mỹ thông báo đang lên kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Giới phân tích nhận định động thái này có thể được dùng để ngăn chặn các tham vọng của Bắc Kinh.
Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đã bày tỏ quan ngại về động thái xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông - Ảnh: AFP
Ngày 19-12, phát biểu tại một cuộc họp báo trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Nhật Bản, Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho biết các tàu chiến đến từ Hạm đội 3 của Mỹ ở Đông Thái Bình Dương sắp tới có thể sẽ được triển khai để tăng viện cho lực lượng hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Hạm đội 3 hoặc tương tự
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo rằng chúng tôi hoàn thành được tất cả sứ mệnh của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó có thể là sự có mặt của Hạm đội 3 hoặc một điều gì đó tương tự để đáp ứng các yêu cầu này" - Đô đốc Richardson tuyên bố.
Tuy nhiên, vị đô đốc không nói rõ khi nào và có bao nhiêu tàu chiến Mỹ sẽ được triển khai tới khu vực, theo nhật báo South China Morning Post(SCMP) của Hong Kong.
Ông nói rằng Triều Tiên hiện là vấn đề "cấp bách nhất" cần giải quyết tại châu Á trong bối cảnh Bình Nhưỡng ngày càng sở hữu năng lực tốt hơn thông qua các vụ thử tên lửa mới.
Tuy nhiên, Tư lệnh hải quân Mỹ cũng tái khẳng định quan ngại của Washington đối với các động thái xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.
Ông Tống Trung Bình - một nhà bình luận quân sự của đài Phượng Hoàngcủa Hong Kong, nói rằng Mỹ đang nỗ lực dùng vấn đề hạt nhân Triều Tiên để tăng cường sức mạnh cho Hạm đội 7 ở Tây Thái Bình Dương, bằng cách điều động thêm các nhóm tác chiến tàu sân bay từ Hạm đội 3.
Hải - không quân Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức chưa từng có nếu Mỹ tăng cường triển khai quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Vì có thể Lầu Năm Góc sẽ triển khai từ 4-6 nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực"
Ông Tống Trung Bình - một nhà bình luận quân sự của đài Phượng Hoàng của Hong Kong
Nhà bình luận quân sự Hong Kong đánh giá tình hình căng thẳng ngày một tăng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay lại càng khiến Mỹ có lý do để làm như vậy.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng các tàu hộ tống tuần tra ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên vào ngày 18-10-2017 - Ảnh: AFP.
"Nếu Mỹ muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng phương tiện quân sự thì ba nhóm tác chiến tàu sân bay hiện tại của Mỹ trong khu vực sẽ không đủ để tạo ra sức mạnh vượt trội hoàn toàn. Washington phải cần từ 4-6 nhóm tác chiến tàu sân bay để khởi động một kế hoạch quân sự như vậy" - nhà bình luận của đài Phượng Hoàng chỉ rõ.
Nhắm vào quân đội Trung Quốc?
Ông Tống nói rằng việc Mỹ tăng năng lực hải quân ở Tây Thái Bình Dương cũng càng có lý trong bối cảnh Trung Quốc sắp có thêm nhóm tác chiến tàu sân bay nội địa tự đóng đầu tiên Type 001A bên cạnh hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.
Ngay trong chiến lược an ninh quốc gia mới công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nói rằng Trung Quốc đang tìm cách "thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trải rộng mô hình kinh tế do Nhà nước lèo lái và sắp đặt lại trật tự khu vực theo hướng có lợi cho mình".
Chuyên gia quân sự Lý Khiết tại Bắc Kinh cũng đồng ý với nhận định cho rằng động thái mới nhất của Mỹ sẽ nhắm vào quân đội Trung Quốc.
"Mỹ cảm thấy áp lực khi nhận thấy hải quân và không quân Trung Quốc đang lớn mạnh nhanh chóng" - ông Lý nói.
Với việc khẳng định Trung Quốc là một trong hai "cường quốc theo chủ nghĩa xét lại" đang gây thách thức cho các lợi ích của Mỹ, Washington có thể đang bắt đầu cho thấy các đối sách mạnh tay của mình.
Và việc úp mở về việc tăng cường hiện diện quân sự ở Tây Thái Bình Dương hẳn nằm một phần trong kế hoạch này.
Nguồn TTO