Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Không có nhiều dấu hiệu cho thấy các động thái quân sự bất thường ở Triều Tiên cho đến nay, các quan chức Seoul cho biết hôm 24/12.
Đang có nhiều lo ngại Bình Nhưỡng có thể thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) như một "món quà Giáng sinh" gửi tới Mỹ, khi các cuộc đàm phán hạt nhân lâm vào bế tắc kéo dài.
Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc lưu ý rằng Triều Tiên có thể thực hiện một hành động khiêu khích bất ngờ bất cứ lúc nào và quân đội Hàn Quốc đang duy trì sự sẵn sàng cho một tình huống xấu nhất, trong khi theo dõi sát sao "người hàng xóm".
Khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ không đạt được nhiều tiến bộ, Triều Tiên cảnh báo rằng chính Mỹ sẽ quyết định "món quà Giáng sinh" họ nhận được là gì. Khi khai hỏa tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 vào ngày 4/7/2017, Bình Nhưỡng cũng từng gọi nó là "một món quà" cho Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Ảnh: Reuters/Jonathan Ernst)
Theo Yonhap, Mỹ gần đây cử máy bay giám sát trên bán đảo Triều Tiên gần như hàng ngày, đôi khi nhiều loại trong một ngày, để tăng cường giám sát Triều Tiên. Đầu tháng này, Triều Tiên thực hiện các cuộc thử nghiệm được cho là động cơ tên lửa tại trạm phóng vệ tinh Sohae, được biết đến với tên gọi Dongchang-ri, tuyên bố rằng các cuộc thử nghiệm sẽ có "tác động quan trọng" trong việc thay đổi vị trí chiến lược trong tương lai gần của Triều Tiên và sẽ củng cố "răn đe hạt nhân chiến lược đáng tin cậy".
Cơ quan hàng không Mỹ cũng đưa ra cảnh báo với các hãng hàng không thương mại hồi đầu tháng này về khả năng Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa trong vài tuần tới, theo ABC News.
Thời hạn cuối năm ông Kim Jong-un đặt ra cho Mỹ để đưa ra các đề xuất mới cho cuộc đàm phán đang đến gần. Triều Tiên cảnh báo sẽ thực hiện "một cách mới" ngoài đối thoại nếu Washington không có động thái phù hợp.
Trong một diễn biến bất ngờ khác, Mỹ công bố ảnh diễn tập chung với Hàn Quốc, kịch bản là đột kích căn cứ địch và bắt một đặc vụ. Động thái được cho là nhằm gửi thông điệp cảnh báo đến Triều Tiên.
Một loạt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ cấm Triều Tiên tiến hành các thử nghiệm có thể được sử dụng để chế tạo tên lửa đạn đạo. Trong trường hợp ICBM được phóng, quân đội Hàn Quốc, phối hợp với Mỹ, có thể phát hiện các dấu hiệu liên quan khoảng một vài ngày trước chủ yếu do việc sử dụng nhiên liệu lỏng, theo các quan chức Hàn Quốc.
Cho đến nay, Triều Tiên thực hiện 13 đợt thử nghiệm vũ khí lớn, không liên quan đến tên lửa tầm xa. Năm 2017, nhà lãnh đạo Kim tuyên bố tạm dừng tất cả các vụ thử hạt nhân và ICBM, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dẫn ra như là một trong những chiến công ngoại giao chính của ông.
Nguồn VOV