BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mỹ - Nhật nhất trí tăng cường phòng thủ tên lửa ở châu Á

Cập nhật ngày: 25/08/2012 - 05:13

Mỹ vừa thảo luận với Nhật Bản về việc mở rộng lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Á, nhân chuyến thăm Bộ Quốc phòng Mỹ của Tổng tham mưu trưởng lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Shigeru Iwasaki để bàn về vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Hai nước đã nhất trí thúc đẩy hoạt động hợp tác nhằm đối phó với những thách thức an ninh chung.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nhật Bản với Trung Quốc liên quan đến việc tranh chấp quần đảo Senkaku, theo cách gọi của người Nhật Bản, và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc.

Trong thông cáo chính thức về cuộc thảo luận, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey cho biết, ông và người đồng cấp Nhật Bản Shigeru Iwasaki đã thảo luận về việc triển khai thêm radar X-band cảnh báo sớm ở Nhật Bản nhằm tăng cường lá chắn tên lửa ở châu Á.

Mỹ - Nhật Bản lo ngại sức mạnh của tên lửa CHDCND Triều Tiên.

Ông Dempsey nhấn mạnh: "Đối với vấn đề phòng thủ tên lửa nói chung, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản. Hiện vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra về khả năng mở rộng lá chắn tên lửa, song chắc chắn đó là chủ đề của cuộc thảo luận vì hệ thống phòng thủ tên lửa là quan trọng đối với cả hai nước chúng tôi".

Hai quan chức này khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hợp tác quân sự song phương, nhằm thúc đẩy an ninh của 2 nước, cũng như hoà bình, ổn định và kinh tế thịnh vượng tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Trong bản tin đưa ra trước đó cùng ngày, tờ Wall Street Journal (WSJ) nhận định, mặc dù kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á của Mỹ nhằm ngăn chặn các mối đe doạ từ CHDCND Triều Tiên, song cũng có thể được sử dụng để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Theo WSJ, kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á của Mỹ bao gồm radar X-band ở phía Nam Nhật Bản - một hệ thống radar cảnh báo sớm siêu mạnh và cực kỳ tối tân, kết hợp với hệ thống radar X-band đã được lắp đặt ở tỉnh Aomori, miền Bắc Nhật Bản từ năm 2006, nhằm liên kết với các tàu phòng thủ tên lửa và hệ thống đánh chặn trên đất liền tạo thành một hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả. Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết radar này có thể được lắp đặt chỉ trong vòng vài tháng sau khi Nhật Bản chính thức đồng ý. Ngoài ra, một hệ thống X-Band thứ ba có thể được triển khai ở một nước Đông Nam Á, có khả năng là Philippines. Bộ ba hệ thống radar trên sẽ tạo thành một vòng cung bao phủ Triều Tiên, Trung Quốc và thậm chí có thể là cả vùng lãnh thổ Đài Loan.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định rằng, lá chắn tên lửa của nước này là “hệ thống phòng thủ”, và các hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Á được thiết kế nhằm chống lại mối đe doạ từ CHDCND Triều Tiên, chứ “không nhắm vào Trung Quốc”, đồng thời lưu ý rằng phía Mỹ đã trao đổi với Trung Quốc về ý nghĩa của hệ thống này thông qua các kênh chính trị và quân đội.

Mỹ - Nhật hối hả tăng cường hợp tác an ninh sau khi nhật báo Global Times của Trung Quốc trích thông tin trên số mới nhất của tuần báo quốc phòng IHS Jane's cho hay, vào ngày 24.7 lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược của Trung Quốc - Quân đoàn Pháo binh số 2 đã bắn thử tên lửa Đông Phương 41 (DF-41), tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới những mục tiêu ở Mỹ.
Tên lửa được bắn đi theo hướng nhắm tới vùng sa mạc phía Tây của Trung Quốc, cách xa hàng ngàn km so với Trung tâm Thử nghiệm Tên lửa Ngũ Trại ở miền Trung tỉnh Sơn Tây. Đây là loại tên lửa có thể mang 10 đầu đạn tấn công nhiều mục tiêu độc lập.

Trung Quốc được cho là có hơn 70 tên lửa đạn đạo liên lục địa và 410 đầu đạn hạt nhân. Trong đó, Đông Phương 41 được cho là có tầm bắn từ 10.000 tới 14.000km, tức là có thể vươn tới bất cứ đâu ở nước Mỹ. Tên lửa Đông Phương 31, phiên bản trước của Đông Phương 41, có tầm bắn trong khoảng từ 7.200 tới 8.000km, tức là chỉ có thể vươn tới bờ Tây nước Mỹ.

Trung Quốc đã khẳng định rõ ràng rằng sự lớn mạnh của quân đội là sự tự vệ tự nhiên, đồng thời kêu gọi phía Mỹ không kích động căng thẳng trong khu vực.

THUÝ TRINH

Theo THX