Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mỹ Ninh- Một phác thảo sang sông
Thứ năm: 05:03 ngày 14/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vậy là sau những câu chuyện về 2 tổng Giai Hoá và Triêm Hoá, tiếp theo sẽ là chuyện tổng Mỹ Ninh- tổng cuối cùng của huyện Quang Hoá trên đất phủ Tây Ninh mới thành lập năm 1836.

Sông Vàm Cỏ Đông qua Gò Dầu.

Sách Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ (2008) có mục từ Quang Hoá. Rằng đây là: “Huyện thuộc p.Tây Ninh, t.Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 17, thành lập trên cơ sở một phần đất đạo Quang Phong… Khi giải thể đạo lập huyện gọi theo tên bảo và đặt huyện lỵ tại đây, có 4 tổng, 32 xã thôn… Đầu thời Pháp thuộc (1862) còn 2 tổng thuộc hạt ttr. Tây Ninh:

+ Tg Triêm Hoá với 6 xã thôn.

+ Tg Giai Hoá với 10 xã thôn.

Ngày 17-2-1863 tách khỏi hạt ttr Tây Ninh lập riêng hạt ttr Quang Hoá với 4 tổng: Mỹ Ninh, Giai Hoá, Mộc Hoá, Hàm Ninh Hạ. Ngày 16-8-1867 đổi tên thành hạt ttr. Trảng Bàng”.

Đáng tiếc là sau khi dò tìm ở nhiều nguồn tư liệu, vẫn chưa xác định được tên của 4 tổng đầu tiên khi thành lập huyện Quang Hoá. Ngoài Triêm Hoá và Giai Hoá, còn lại có thể là Mộc Hoá và một tổng nữa nhưng không thể là tổng Mỹ Ninh.

Đơn giản là vì khi mới thành lập phủ Tây Ninh với 2 huyện Tân Ninh và Quang Hoá, thì Mỹ Ninh đã chắc chắn thuộc về huyện Tân Ninh. Mục từ Tân Ninh (Sđd) cho biết: “Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức đến đầu thời Pháp thuộc có 3 tổng, 27 xã, thôn như sau:

+ Tổng Hoà Ninh với 13 xã, thôn.

+ Tổng Hàm Ninh với 9 xã.

+ Tổng Mỹ Ninh với 5 xã, thôn”.

Điều này đã giải thích được, vì sao cái tên Mỹ Ninh lại có hậu tố Ninh (trong Tân Ninh) như 2 tổng còn lại, mà không phải là hậu tố Hoá (trong Quang Hoá).

Đây là giai đoạn khá phức tạp trong việc phân định các đơn vị hành chính: tổng, thôn, làng, xã qua 3 triều đại phong kiến và thời kỳ đầu thuộc Pháp. Do vậy, ngay cả một bộ sách nghiên cứu rất kỹ lưỡng của Dương Công Đức- Trảng Bàng phương chí (Nxb Tri Thức, 2016) cũng có chỗ nhầm lẫn, khi có đoạn: “Vào thời mới thành lập, huyện Quang Hoá có 3 tổng là Hàm Ninh Hạ, Mỹ Ninh và Triêm Hoá” (trang 137). Nhầm không chỉ ở Mỹ Ninh, mà còn cả ở Hàm Ninh Hạ, vì tổng này chỉ có sau thời vua Tự Đức (1848) do chia tổng Hàm Ninh làm 2 tổng mà ra.

Còn tổng Mỹ Ninh? Sau 5 năm thuộc huyện Tân Ninh, chỉ đến năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1) mới được tách ra, nhập về huyện Quang Hoá. Sau khi nhập về tổng lại được quan Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực tích cực: “Chiêu tập dân xiêu tán lập thêm 11 thôn mới… Đến đầu Pháp thuộc đổi thuộc h. Tân Ninh, hạt ttr Tây Ninh, giải thể phần lớn các xã, thôn ở vùng rừng núi, không kiểm soát được. Năm 1864 đổi thuộc hạt ttr Quang Hoá. Năm 1871 lại thuộc hạt ttr Tây Ninh, còn lại 4 thôn: An Thạnh, Lợi Thuận, Phước Lưu, Thanh Phước”.

Điều này cũng cho thấy, công cuộc sắp xếp các thôn làng ở tổng Mỹ Ninh của Cao Hữu Dực đã bất thành. Trong danh sách 11 thôn ông thiết lập hồi ấy (1841-1845) chỉ còn mỗi một cái tên là An Thạnh.

Như vậy là, ngay từ khi lập phủ Tây Ninh, với cái tên thể hiện một giấc mộng đế vương của triều đình Minh Mạng về một vùng biên giới phía Tây được an ninh, huyện Tân Ninh, với Hàm Ninh, Hoà Ninh và Mỹ Ninh đều được đặt tên theo giấc mộng này. Đặc biệt là tổng Mỹ Ninh, với hàm nghĩa không chỉ có an ninh mà còn là vùng đất tốt đẹp nhất trên thềm sông Quang Hoá.

Bạn đã bao giờ đi dọc sông Vàm Cỏ Đông (tên xưa là Quang Hoá) này chưa? Cho dù ở thượng nguồn như Vàm Trảng Trâu, Lò Gò hay Băng Dung, Bực Lở... Cho dù ở những bến sông ở giữa lòng đất mẹ Tây Ninh, như Bến Sỏi, Gò Chai hay Bến Kéo, Bến Đình… Thì có lẽ, ai qua cũng phải thừa nhận rằng dòng sông đẹp nhất chính là khi qua miền đất nay là huyện Gò Dầu.

Từ gò Cao Sơn xuôi xuống hạ nguồn, sông mở rộng lòng ra để có cảnh quan “bát ngát chân trời miền hạ”. Có phải vậy không mà miền đất này từng mang tên Gò Dầu Hạ? Qua cầu Gò Dầu hôm nay, cây cầu đã dài 305 m (thay vì 186 m ở Bến Sỏi), ta thấy một dải mặt sông luênh loang nước bạc, bập bềnh trôi từng mảng hay từng khóm lục bình. Bên tả ngạn sông là những khối nhà cao thấp của thị trấn Gò Dầu, ấm áp màu mái ngói đỏ, nâu hay lấp loá trắng bạc những mái nhà tôn thiếc. Từng xóm nhà trườn xuống sát mé sông, cùng với những vườn cây chen chúc, sum suê. Nổi bật trên toàn bộ cảnh quan này chính là mỏm đồi mọc toàn những cây dầu cổ thụ. Chính ngọn đồi này, với hàng trăm cây cổ thụ đã làm nên tên gọi hôm nay của đất Gò Dầu. Trên đỉnh gò, trầm mặc một ngôi đình dưới cây cao bóng cả. Đình Thanh Phước.

Di vật khảo cổ bến Bà Đao, An Thạnh.

Đến nay đã có thể khẳng định thôn Thanh Phước được thiết lập đầu tiên trên đất Gò Dầu, trước cả khi Tây Ninh thành lập phủ, huyện, tổng, thôn. Bởi thôn đã được lập ngay khi chúa Nguyễn cho thành lập đạo Quang Phong vào năm 1779. Khi ấy, đạo chỉ phụ trách về an ninh quốc phòng. Do vậy mà đến triều vua Gia Long năm thứ 7 (1808), thôn Thanh Phước cùng các thôn khác thuộc đạo Quang Phong đều được đặt dưới quyền quản lý hành chính của tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân Bình (theo Nguyễn Đình Tư, Tây Ninh xưa và nay, Tạp chí Xưa Nay số 96, 2001).

Một ngày cuối năm Quý Mão- 20.12.2023, đình Thanh Phước vừa được khánh thành sau công cuộc trùng tu. Và, vị thành hoàng- lãnh binh Đặng Văn Châu tiếp tục ngự trên ngọn đồi cao hướng mặt về sông Vàm Cỏ Đông dạt dào chan chảy, tiếp tục quan sát sự đổi thay trên vùng đất do các bậc tiền nhân khai phá ngày thêm đẹp, thêm giàu đúng như mong ước của người xưa.

Cho đến khi tổng Mỹ Ninh được chuyển về huyện Quang Hoá năm 1871, sau đó là hạt ttr Trảng Bàng; và từ năm 1903 thuộc quận Trảng Bàng, miền đất này vẫn là có thế đất hình sông thật đặc biệt. Nếu như các tổng Giai Hoá và Triêm Hoá ở hai bên bờ tả, hữu của dòng sông, trải dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam thì tổng Mỹ Ninh lại là một nét phác thảo mới vắt ngang sông, tại một vùng sông lớn đẹp đầy tiềm năng. Nên nhớ cho là 4 thôn của tổng vào năm 1871, bên này sông là Thanh Phước (bao gồm cả Phước Thạnh, Phước Đông của ngày nay) còn bên kia sông là An Thạnh, Phước Lưu và Lợi Thuận. Trong đó, Phước Lưu còn bao gồm cả thôn Bình Thạnh.

Ngày nay, vùng sông này vừa có thêm cây cầu An Phước nối liền hai cánh Đông-Tây của thị xã Trảng Bàng. Đây cũng chính là vùng đất giàu có nhất, chứa trong lòng lớp lớp trầm tích các nền văn hoá xa xưa đã từ mấy ngàn năm.

Trần Vũ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục