Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mỹ Ninh-Một phác thảo sang sông 

Cập nhật ngày: 20/03/2024 - 08:28

BTN - Phải đến năm 1916, mới có con đường được mang tên là đường thuộc địa số 1 qua đây như một sự kế thừa nét phác thảo sang sông của triều Nguyễn.

Theo Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực đến Tây Ninh (1841-1845) góp sức phân định các đơn vị hành chính tổng, thôn; hẳn là chưa có ngành nào gọi là Khảo cổ học. Vậy mà chẳng biết do vô tình hay cố ý mà miền đất tổng Mỹ Ninh mới được thành lập và nhập vào huyện Quang Hoá này, lại dày đặc các di tích khảo cổ học. Đấy là cách nói theo các nhà khảo cổ ngày nay. Trên thực tế, đấy là dấu vết còn lại của các nền văn hoá xa xưa từng bị vùi lấp do những bão táp phong ba của cả thiên nhiên và thời cuộc.

Đình Bà An Thạnh.

Tổng Triêm Hoá có di tích khảo cổ học tiêu biểu là Cao Sơn. Cũng như di tích tiêu biểu của tổng Giai Hoá là gò Bến Đình… Thì không ở đâu có một mật độ di chỉ khảo cổ học nhiều như ở tổng Mỹ Ninh.

Tổng này chỉ có một thôn Thanh Phước ở bên tả ngạn sông Quang Hoá (nay là Vàm Cỏ Đông). Đây là một trong những thôn được thiết lập đầu tiên trên đất Tây Ninh, có phạm vi rất lớn bao gồm cả xã Phước Thạnh, Phước Đông và thị trấn Gò Dầu ngày nay.

Di chỉ khảo cổ tiêu biểu của thôn Thanh Phước chính là di tích Sông Đua- Hào Thành và gò tháp Phước Thạnh. Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh (1973) viết: “Vào thế kỷ thứ 17, vua Miên Nặc Ông Chân xâm lấn nước ta, chiếm cứ Tây Ninh, lập đền vua tại làng Đôn Thuận…

Trên một gò đất hoang vu, bỗng nhiên nổi lên đền đài, cung điện. Chung quanh vùng đền đài cứ đắp thành, đào hào… để ngăn ngừa kẻ gian và kẻ nghịch…”. Huỳnh Minh có lẽ đã nhầm khi viết là ở làng Đôn Thuận. Sự thật là khu hào thành này nằm ở phía Tây đường ĐT 784 (đường sứ thời xưa) nên thuộc địa bàn Thanh Phước, nay là Phước Đông mới đúng. Theo đó, thành và hào của khu đồn trú này có từ thế kỷ 17.

Nhưng theo một nghiên cứu gần đây của Lê Hoàng Quốc trong sách Tây Ninh Đất và Người (Nxb Thanh niên, 2020) thì ngôi thành hào này đã có thể xuất hiện từ thế kỷ thứ VIII trở về sau. Cũng với các mẫu sành men da phát lộ tại di tích và bằng phương pháp so sánh, tác giả viết: “Do vậy có thể cho phép chúng ta đoán định ngôi thành này được xây dựng trong cùng khoảng thời gian từ thế kỷ VIII- thế kỷ XVI…”.

Cũng trên đất thôn Thanh Phước, mà vào năm 1877 đã tách ra lập làng mới là Phước Thạnh, có một di chỉ khảo cổ được gọi là Gò Tháp. Gò này, nay thuộc thôn Phước Bình B, cách Di tích quốc gia - Căn cứ Lõm vùng ruột Gò Dầu không xa.

Nghiên cứu tổng thể khu vực, Lê Hoàng Quốc cho biết nó chỉ cách Sông Đua - Hào Thành khoảng 1,5 km đường chim bay. Di chỉ này đã được nhà khảo cổ học Pháp H.Parmentier phát hiện từ năm 1909.

Khi ấy, ông ghi chép: “Vết tích của một di tích ở làng Phước Thạnh, xóm Bàu Thành, tổng Mỹ Ninh. Những vết tích này nằm cách cột mốc số 66 đường thuộc địa số 1 nửa dặm về phía Đông” (chắc ông nhầm, vì phải viết về phía Tây mới đúng- NV). Đường thuộc địa số 1 chính là con đường ĐT 782 và 784 hiện nay.

Mô tả của H.Parmentier trong tạp chí của Trường nghiên cứu Viễn Đông thuộc Pháp, số 9, năm 1909 là: “Một gò đất nhỏ che chỗ của một điện thờ bằng gạch, ở giữa một khung vuông, cạnh 50m, bị giới hạn bởi một ao rộng 10m nay biến thành ruộng lúa. Tổng thể nằm trên đỉnh cao nhất của một đồng bằng khá cằn cỗi, hướng Đông lệch Nam 20 độ…”.

Cho đến cuộc khảo sát vào năm 2010 của Bảo tàng tỉnh thì hiện trạng kể trên đã bị biến dạng ít nhiều. Đó là: “Mặt phía Đông và Bắc có bàu nước rộng bao quanh chân gò, bàu rộng trung bình 41m…”.

Điều này chứng tỏ đã có sự tác động của người dân, để làm ruộng trũng hay ao nuôi vịt, cá… Dù vậy thì phần cơ bản nhất- gò đất đắp vẫn được giữ nguyên với một cây cổ thụ sum suê trùm bóng mát. Cây mới trồng cũng có, là keo tràm. Và thêm vài ngôi mộ được xây ở trên gò.

Nghiên cứu cả khu vực, Sông Đua - Hào Thành và gò Bàu tháp (tên tác giả gọi), Lê Hoàng Quốc cho rằng: “Gò Bàu tháp là dấu vết gần nhất chứng tỏ sự tồn tại của cộng đồng dân cư cổ ở khu vực thành “sông Đua”.

Nếu đúng như vậy, thì “cộng đồng dân cư cổ” ấy đã có từ thời kỳ văn hoá Óc-eo và hậu Óc-eo, bởi kiến trúc gạch đá mà Bảo tàng tỉnh khảo sát năm 2010 ấy được xác định là: “thuộc thời kỳ văn hoá Óc-eo và hậu Óc-eo, có niên đại trên 1.000 năm cách ngày nay…”.

Nếu như bên tả ngạn sông, gồm tổng Triêm Hoá và thôn Thanh Phước của tổng Mỹ Ninh chỉ có vài điểm cư trú của người xưa (gò Cao Sơn, cư trú người tiền sử và Thanh Phước, cư trú cư dân thời văn hoá Óc-eo trở về sau).

Thì bên hữu ngạn sông mới thật sự là vùng trung tâm của cư dân các nền văn hoá cổ xưa. Ở tất cả 3 thôn còn lại của tổng Mỹ Ninh. Thôn (nay là xã) Long Thuận xưa, theo báo cáo khoa học của Bảo tàng tỉnh vào năm 2011, đã có tới 7 điểm di chỉ khảo cổ, trong đó 6 điểm có dấu vết gạch đá cổ của đền tháp thời văn hoá Óc-eo và hậu Óc-eo.

Đấy là cái gò tháp 1 và gò tháp 2 thuộc ấp Long Hưng; gò Tháp, gò Đá, gò Miếu, gò Chùa thuộc ấp Ngã Tắc. Thôn Phước Lưu, nay đã thuộc xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng cũng là một trường hợp đặc biệt. Có thể nói đây chính là nơi có mật độ dày đặc nhất các di chỉ khảo cổ trên toàn bộ vùng thềm sông hữu ngạn Vàm Cỏ Đông.

Toàn xã Phước Lưu (cũ) có tới 12 di chỉ khảo cổ học. Tất cả đều có các di vật gạch, gốm cổ thời văn hoá hậu Óc-eo từ trên 1.000 năm trước. Đặc biệt ở di chỉ gò Cần Thăng (ấp Phước Tân) và gò Bà Chanh thuộc ấp Phước Lợi.

Các di vật gạch, gốm cổ, chày nghiền đá… cho biết hai di chỉ này có thể là “nơi cư trú, hoặc nơi sản xuất gốm ở những năm đầu công nguyên thuộc văn hoá Óc-eo…”. Đầu công nguyên, nghĩa là ngay từ khi Vương quốc Phù Nam (thế kỷ I-VII) mới hình thành.

Cúng ở dinh Ông An Thạnh.

Tuy vậy, nếu xét về quy mô, thời đại, mật độ của các di chỉ trong các tầng khảo cổ… thì các di tích cư trú cổ quan trọng nhất lại thuộc về xã An Thạnh- mà tiền thân là thôn An Thạnh, được Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực thành lập vào năm 1845.

Dinh Ông thuộc ấp Voi thì đã được cư dân phía Nam Tây Ninh biết đến từ lâu, như một điểm thắng cảnh và tâm linh của người dân trong khu vực. Những kết quả khảo cổ học trong năm 1990 đã phát hiện: “150 công cụ đá các loại rìu đá tứ giác, rìu có vai, đục bàn mài… với hàng chục ngàn mảnh gốm các chủng loại, hơn 80 chiếc cà-ràng, 1 sưu tập xương động vật thú rừng và nhiều loại vỏ sò, vỏ ốc, các loại nhuyễn thể vùng sông nước…”.

Dinh Ông thuộc ấp Voi; thì bên ấp Chánh cũng có một di chỉ khảo cổ tương tự là ở gò Bà Đao. Tại đây cũng đã phát hiện được “rất nhiều gốm cổ và các loại rìu đá như rìu tứ giác, rìu vai nằm rải rác trên diện tích gồm 2 ha đất phía Đông và Đông Nam của gò và xác định được đây là khu di tích cư trú của nhóm cư dân thời kỳ tiền sử… niên đại đoán định vào khoảng 2.500 năm đến 2.700 năm cách ngày nay”. Còn ở dinh Ông, các nhà khảo cổ học cũng có kết luận tương tự.

Như vậy là chúng ta đã không thể ngờ rằng tuyến đường hoạt động giao thương đối ngoại sôi động nhất Tây Ninh hôm nay- là đường Xuyên Á đi qua An Thạnh - Mộc Bài lại chính là nơi cư trú lâu đời nhất của cư dân thời kỳ tiền sử.

Xin nhớ lại thời kỳ đầu thành lập tổng Mỹ Ninh (1836) hoặc thôn An Thạnh (1841); thì hoàn toàn chưa có con đường này. Phải đến năm 1916, mới có con đường được mang tên là đường thuộc địa số 1 qua đây như một sự kế thừa nét phác thảo sang sông của triều Nguyễn. Lịch sử từng có những khúc đứt đoạn, quanh co đầy thú vị trên tuyến đường qua tổng Mỹ Ninh.

Trần Vũ