Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt Iran
Thứ bảy: 08:18 ngày 03/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 2-11, theo Bloomberg, một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ, Washington quyết định cho 8 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, tiếp tục mua dầu của Iran sau khi lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran có hiệu lực vào ngày 4-11.

Mỏ dầu Azadegan ở phía Tây Nam Tehran, Iran.

Giảm áp lực cho đồng minh

Cũng theo Bloomberg, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump vẫn muốn giảm thu nhập của nền kinh tế Iran. Việc miễn trừ một số quốc gia khỏi lệnh trừng phạt Iran được đưa ra với điều kiện là các nước này sẽ phải liên tục giảm lượng nhập khẩu dầu nhằm tránh tình trạng giá dầu tăng cao.

Do đó, miễn trừ trừng phạt nói trên có thể chỉ là tạm thời. Chưa có chi tiết về lượng dầu mà các nước được phép nhập khẩu từ Iran. Dự kiến, danh sách các quốc gia được miễn trừ áp lệnh trừng phạt với Iran sẽ được chính thức công bố vào ngày 5-11.

Theo 2 quan chức giấu tên,  Trung Quốc nhiều khả năng cũng nằm trong danh sách trên. Nước này vốn là quốc gia nhập khẩu dầu lớn từ Iran. Trong thời gian qua, Trung Quốc được cho là đã có các cuộc tiếp xúc với giới chức Mỹ để thảo luận về quyền miễn trừ khi lệnh trừng phạt nhằm vào Iran có hiệu lực.

Thông tin này có thể tạm thời làm yên lòng nhiều nước đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á. Tất cả những khách hàng mua dầu lớn nhất của Iran đều nằm ở khu vực này. Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton khẳng định, Mỹ dù vẫn muốn đạt được mục tiêu đưa xuất khẩu dầu Iran chạm đáy, nhưng sẽ không thể tiến hành ngay lập tức bởi việc này sẽ gây tổn hại cho các nước đồng minh.

Tuyên bố được đưa ra khi Chính phủ Mỹ gặp không ít khó khăn trong việc hiện thực hóa mục tiêu trừng phạt nhằm vào Iran do vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía các nước đồng minh. Mỹ từng yêu cầu ngày 4-11 là hạn chót để các nhà nhập khẩu dầu thế giới chấm dứt hoàn toàn các hoạt động mua bán với Iran, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trước đó, vào ngày 6-8, Tổng thống Donald Trump đã tái áp đặt một phần các biện pháp trừng phạt sau khi tuyên bố phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết với nhóm P5+1 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện  (JCPOA).

EU tránh đối đầu trực tiếp

Tờ Washington Beacon dẫn các nguồn tin trong Chính phủ Mỹ cho hay, dưới áp lực của các đồng minh châu Âu, Washington có thể hạ thấp độ căng thẳng về lập trường của mình đối với Iran, cho phép nước này tránh khỏi các lệnh trừng phạt quan trọng về kinh tế.

Một số nước Liên minh châu Âu (EU) không muốn chấm dứt quan hệ kinh doanh với Iran và đang vận động hành lang để giảm bớt các biện pháp trừng phạt. Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã thuyết phục Ngoại trưởng Mike Pompeo cho phép Iran vẫn tiếp tục tham gia hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Các kế hoạch EU liên quan đến vấn đề Iran được Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini ủng hộ, nhưng vẫn đang tiến triển rất chậm chạp. Giới ngoại giao châu Âu cho biết, khối này muốn tránh một “cuộc đối đầu trực tiếp” với Mỹ về vấn đề Iran trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra ở Mỹ. Hiện EU đang nỗ lực xây dựng một cơ chế cho phép mua dầu từ Iran sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Tháng trước, EU đã công bố một kế hoạch đặc biệt nhằm thiết lập hệ thống thanh toán cho phép tiếp tục quan hệ thương mại và kinh doanh với Iran. Cơ chế thanh toán mới đã nhận được sự ủng hộ của 5 nước còn lại trong nhóm P5+1, bao gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao ở Brussels thừa nhận rằng việc đưa vào áp dụng sẽ gặp khó khăn và cơ chế mới này chưa thể hoạt động được ngay vào ngày 5-11.

Nguồn SGGPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục