BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mỹ thành vùng dịch lớn nhất thế giới 

Cập nhật ngày: 27/03/2020 - 09:42

Mỹ hiện ghi nhận hơn 83.000 ca nhiễm nCoV, cao hơn Trung Quốc và Italy, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới.

Mỹ ghi nhận thêm 14.933 ca dương tính nCoV trong 24 giờ qua, nâng số người nhiễm trên cả nước lên 83.144. Thêm 174 người chết, nâng số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này lên 1.201, theo thống kê của Đại học Johns Hopskins.

Với số liệu mới được công bố, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc và Italy để trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Trung Quốc hiện ghi nhận hơn 81.000 ca nhiễm và hơn 3.200 ca tử vong, trong khi Italy ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm và hơn 8.000 ca tử vong.

New York, Washington và California là ba bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi số ca nhiễm tại các bang và thành phố khác cũng tăng lên nhanh chóng. New York là tâm dịch của cả nước với số ca nhiễm vượt 37.000 và gần 400 ca tử vong. Chính quyền bang đang tập trung giúp các bệnh viện tăng công suất ít nhất 50% khi có tới hơn 5.000 bệnh nhân Covid-19 đã phải nhập viện.

Craig Smith, trưởng khoa phẫu thuật tại Trung tâm y tế Irving thuộc Đại học Columbia, thành phố New York, cho biết số bệnh nhân sử dụng máy thở tại bệnh viện của ông đã tăng hơn gấp đôi trong ba ngày qua. Ít nhất một bệnh viện ở New York đã áp dụng phương án cho hai bệnh nhân dùng chung một máy thở. Tính đến 25/3, New York chiếm 25% số người được xét nghiệm trên cả nước.

Nhân viên y tế Mỹ di dời bệnh nhân Covid-19 lên cáng cứu thương ở bang Washington đầu tháng này. Ảnh: Reuters.

Louisiana có thể là tâm dịch tiếp theo ở Mỹ. Tại New Orleans, thành phố lớn nhất của bang, lễ kỷ niệm Mardi Gras tháng trước được cho là đã thúc đẩy dịch bệnh bùng phát. Nhu cầu về máy thở đã tăng gấp đôi ở Louisiana với khoảng 80% bệnh nhân thuộc đơn vị chăm sóc đặc biệt hiện đang sử dụng máy thở.

Đây là tình hình đã được dự báo trước ở Mỹ, cho thấy dịch bệnh tiếp tục trở nên tồi tệ hơn tại quốc gia này. Jeremy Konyndyk, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, đăng Twitter rằng quỹ đạo các ca nhiễm ở Mỹ "đáng báo động". Theo ông, việc các ca nhiễm rải rác khắp Mỹ cũng đáng lo ngại, trái ngược với Trung Quốc.

"Trung Quốc có đám cháy ở Hồ Bắc nhưng đã dập tia lửa ở mọi nơi khác. Bây giờ chúng ta có đám cháy ở thành phố New York cùng đống lửa ở gần như mọi nơi khác và tất cả đang bắn ra tia lửa", Konyndyk cho hay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cho biết ông sẽ trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về Covid-19, song cho khẳng định chính quyền của ông không tin tất cả dữ liệu từ Trung Quốc. Khi được hỏi về khả năng số ca nhiễm ở Mỹ có thể vượt Trung Quốc, Trump nói rằng đó là kết quả việc xét nghiệm "rất lớn" ở Mỹ.

"Thứ nhất, bạn không biết những con số ở Trung Quốc là gì", Trump nói. "Tôi chắc chắn rằng bạn không thể nói Trung Quốc đang xét nghiệm hay không. Tôi nghĩ việc đó hơi khó khăn".

Một nghiên cứu của Đại học Washington hôm 26/3 cảnh báo rằng 38.000-162.000 người có thể chết ở Mỹ trong 4 tháng tới vì Covid-19 và khả năng các bệnh viện bị quá tải ngay sau tuần thứ hai của tháng 4. Trump gần đây bày tỏ khả năng nới lỏng các biện pháp đóng cửa doanh nghiệp, yêu cầu người dân ở nhà. Các chuyên gia đang kêu gọi Tổng thống không nới lỏng những hạn chế đó, cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể còn tồi tệ hơn.

"Ca nhiễm nCoV ở Mỹ tăng lên không ngừng, một dấu hiệu cho thấy còn nhiều ca nhiễm chưa được xác định trong khi chúng ta không thể xét nghiệm và còn rất nhiều sự lây nhiễm cộng đồng", Ashish Jha, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu Harvard cho hay.

Thế giới hiện ghi nhận hơn 528.000 ca nhiễm và gần 24.000 ca tử vong do Covid-19. Đại dịch nhanh chóng trở thành thảm họa đối với nền kinh tế toàn cầu. Tại Mỹ, khoảng 3,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, con số cao nhất từng được ghi nhận. Các lãnh đạo G20 tuyên bố sẽ bơm 5.000 tỷ USD để ngăn chặn kinh tế toàn cầu sụp đổ do đại dịch.

Nguồn VNE