Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mỹ tìm cách hàn gắn chia rẽ trong NATO
Thứ hai: 17:44 ngày 10/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 9-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du châu Âu 5 ngày, ấp ủ sứ mệnh củng cố sức mạnh và đoàn kết giữa các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời phát huy vai trò của Mỹ trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới giữa lúc khối này đau đầu với “bài toán” Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du châu Âu ngày 9-7. Ảnh: Reuters

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Jake Sullivan, cho biết: “Chuyến đi thể hiện vai trò lãnh đạo của Tổng thống Biden trên trường thế giới”. Tuy nhiên, ông Biden có khả năng đối mặt với loạt chất vấn từ các đồng minh về lý do Mỹ gửi bom chùm cho Ukraine trong khi hơn 2/3 thành viên NATO cấm loại vũ khí này.

Ba điểm đến, một mục tiêu

Trong thời gian ở châu Âu, ông Biden thăm Anh, dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius (Lithuania) và đến Phần Lan. Nhìn vào lịch trình này, có thể nhận ra tất cả điểm đến đều đóng vai trò quan trọng đối với vai trò dẫn dắt của Mỹ trong NATO. Theo The Guardian, ông Biden bắt đầu chuyến công du đến Anh bởi hai nước vốn có quan hệ truyền thống đặc biệt so với tất cả quốc gia khác ở châu Âu.

Hơn nữa, London là đồng minh hàng đầu của NATO, đối tác thương mại, quốc phòng và ngoại giao quan trọng nhất của Mỹ. Washington - London cũng là cặp bài trùng, kết hợp ăn ý trong thực hiện đa phần chủ trương của NATO. Trong khi đó, ở chặng dừng chân cuối cùng, ông chủ Nhà Trắng thăm Phần Lan, thành viên thứ 31 của NATO, tiền đồn quan trọng của khối này, đánh dấu sự thay đổi lớn đối với an ninh ở đông bắc châu Âu, làm tăng đáng kể chiều dài biên giới giữa khối với Nga.

Trọng tâm của chuyến công du sẽ là sự góp mặt của ông Biden tại hội nghị thượng đỉnh NATO từ ngày 11-7 tại Vilnius, sự kiện an ninh quan trọng nhất mùa hè này. Sức nóng của sự kiện càng lớn với tiếng nói dẫn dắt của Mỹ tại thời điểm NATO vật lộn để hàn gắn sự chia rẽ ngay trong nội bộ liên quan các vấn đề “nóng”. Thượng nghị sĩ Mỹ Thom Tillis ví sự kiện này giống cuộc tụ họp của hàng chục thành viên trong gia đình, những người luôn cãi vã và bất đồng nhưng vẫn gắn kết với nhau. Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ soạn thảo tài liệu quốc phòng chi tiết nhất của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Sẽ có “phao cứu sinh” cho Ukraine?

Theo AP, tương lai xung đột Ukraine và lộ trình cụ thể gia nhập NATO của nước này sẽ là tâm điểm của hội nghị. Các nước thành viên vẫn chưa tìm tiếng nói chung về kết nạp Thụy Điển và Ukraine vào khối. Phần Lan đã được chào đón trong khi đường vào “mái nhà chung” NATO của Thụy Điển vẫn bị “khóa” do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Tương tự, bất đồng về cơ chế cho Ukraine nhanh chóng gia nhập khối này cũng xuất hiện.

Các quốc gia ở sườn phía đông của NATO muốn gấp rút mở rộng liên minh khi coi đó là cách để ứng phó với Nga trong khi Mỹ và các nước khác ủng hộ cách tiếp cận thận trọng hơn. Theo Telegraph, Đức phản đối lộ trình rõ ràng cho Ukraine gia nhập khối hay bảo đảm cụ thể về vấn đề này tại hội nghị. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố cấp bom chùm và đạn pháo chùm cho Ukraine (trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD) nhằm “dỗ dành” Kiev giữa lúc vẫn chưa “bật đèn xanh” cho quy trình kết nạp Ukraine bởi lo ngại việc này sẽ “lợi bất cập hại”, có thể đặt sự đối đầu giữa NATO và Nga ở mức đỉnh điểm. Ông Biden lập luận, quyết định cấp bom chùm cho Ukraine là chìa khóa quyết định vận mệnh xung đột và được củng cố bởi lời hứa của Ukraine về việc sử dụng loại bom gây tranh cãi này cẩn thận khi cam kết sẽ không dùng bom chùm trên lãnh thổ Nga.

Quyết định này đánh dấu bước ngoặt mới với chính quyền Tổng thống Biden trong viện trợ cho Ukraine khi Washington đồng ý gửi loại vũ khí mà hầu hết các quốc gia nhất trí không nên sử dụng trong chiến tranh hiện đại. Nhiều nước NATO như Canada, Tây Ban Nha hay Anh phản đối động thái của Mỹ. Ngày 8-7, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố Anh là bên ký hiệp ước cấm sản xuất, sử dụng bom chùm và London không khuyến khích sử dụng loại vũ khí này. TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, quyết định của chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục cho thấy đường lối chống Nga của Mỹ nhằm kéo dài xung đột ở Ukraine.

Bom chùm nguy hiểm như thế nào?

Thuật ngữ “bom chùm” chỉ bất cứ loại đạn bom nào bung ra trên không và giải phóng một số loại thiết bị nổ nhỏ hơn, gọi là bom con, trên diện tích rộng hơn. Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án việc sử dụng bom chùm do một số bom con sau khi được bom mẹ giải phóng thì có tới 40% số này không phát nổ ngay. Bom con rơi xuống đất, trở thành mìn mặt đất, có thể cướp đi sinh mạng của người dân trong nhiều năm và nhiều thập niên tiếp theo. Lần cuối Mỹ sử dụng bom chùm (được xác nhận) là ở Yemen năm 2009 và trên quy mô lớn là trong Chiến tranh Iraq năm 2003 và ở chiến trường Afghanistan. Liên Hiệp Quốc có Công ước Oslo về cấm sử dụng loại bom đạn này với sự tham gia của 123 nước nhưng Mỹ, Ukraine và Nga đều không là thành viên.

Nguồn baodanang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục