Trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ mới đây, Nhà Trắng tuyên bố, có bằng chứng cho thấy chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã 2 lần sử dụng vũ khí hoá học.
Trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ mới đây, Nhà Trắng tuyên bố, có bằng chứng cho thấy chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã 2 lần sử dụng vũ khí hoá học, cụ thể là chất độc sarin, trên quy mô nhỏ trong cuộc nội chiến tại Syria kéo dài hơn 2 năm qua. Bằng chứng này dựa trên kết quả xét nghiệm của những mẫu thử sinh lý thu được, nhưng trước khi có thể hành động, Tổng thống Mỹ Barack Obama cần bằng chứng "đáng tin và đã được chứng thực".
Được biết, sarin là một loại chất độc thần kinh cực mạnh, vốn bị Liên Hợp Quốc xếp vào loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Một người đàn ông ngồi khóc bên đống đổ nát được cho là hậu quả của vụ tấn công tên lửa Scud tại khu vực Ard al-Hamra, lân cận thành phố Aleppo. Ảnh: Reuters |
Nếu những cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hoá học được chứng minh bằng những bằng chứng rõ ràng, thì chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã vượt qua “giới hạn đỏ" mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vạch ra và điều này có thể dẫn đến sự can thiệp sâu hơn của Mỹ vào cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã thông tin cho báo giới về việc này. Ông Hagel cho biết, Mỹ tin rằng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad nhiều khả năng đã sử dụng vũ khí hoá học, nhưng không thể xác nhận nguồn gốc của chúng.
Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng, Mỹ nên "thiết lập một khu vực an toàn cho phe đối lập hoạt động", đồng thời thiết lập một vùng cấm bay tại Syria và "cung cấp vũ khí cho người dân mà Mỹ tin tưởng trong cuộc kháng chiến ở Syria". Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thì kêu gọi Washington "gây áp lực với Nga để buộc Tổng thống al-Assad phải ra đi, đồng thời đảm bảo an toàn cho các kho vũ khí hoá học tại Syria".
Trước đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vitaly Churkin cảnh báo, việc hỗ trợ các nhóm đối lập chống lại chế độ Damascus sẽ làm gia tăng "hoạt động khủng bố" ở Trung Đông.
Trước những tranh cãi liên quan đến việc vũ khí hoá học được sử dụng tại Syria, từ trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ), Tổng Thư ký Ban Ki-moon một lần nữa kêu gọi Syria chấp nhận cho lực lượng thanh sát viên Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra về cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học tại quốc gia Trung Đông này. Tổng thư ký Ban Ki-moon đã nhiều lần lên tiếng hối thúc chính quyền Tổng thống al-Assad về vấn đề này, song phía Syria vẫn kiên quyết từ chối. Chính quyền Syria muốn công tác điều tra của Liên Hợp Quốc chỉ giới hạn trong cáo buộc đối với phe đối lập, trong khi Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định, Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành điều tra hành động sử dụng vũ khí hoá học ở cả hai phía.
Trong khi đó, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Martin Nesirky cho biết, nhóm các chuyên gia đã sẵn sàng và nếu được phép, họ có thể lập tức triển khai tới quốc gia Trung Đông này trong vòng 24 - 48 giờ.
Cả Chính phủ Syria và quân nổi dậy đều cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hoá học ở gần thành phố Aleppo hồi tháng trước. Tuy nhiên, trong buổi nói chuyện tại Trường đại học Moscow hôm 24.4, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi khẳng định rằng, Damascus đã và sẽ không sử dụng các loại vũ khí hoá học chống lại người dân Syria, ngay cả trong trường hợp xảy ra chiến tranh với nước láng giềng Israel.
Trong diễn biến khác, hôm 25.4, quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad đã chiếm lại được một thành phố chiến lược Otaybah, nằm gần thủ đô Damascus, qua đó, cắt đứt tuyến đường cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy. Đây là khu vực quan trọng có tính chiến lược nằm giữa thủ đô Damascus và biên giới với Jordan, cách nhau 160km. Việc chiếm lại được Otaybah rõ ràng là một đòn chí tử của quân chính phủ nhằm vào phe nổi dậy đang tìm cách lật đổ chính quyền.
TÙNG LÂM
Tổng hợp