BAOTAYNINH.VN trên Google News

Myanmar bầu cử quốc hội bổ sung

Cập nhật ngày: 02/04/2012 - 05:08

Ngày 1.4, hơn 6,4 triệu cử tri ở 45/48 khu vực bầu cử tại Myanmar đã đến các điểm bỏ phiếu được thực hiện quyền công dân trong cuộc bầu cử quốc hội bổ sung. Đây cũng là cuộc bầu cử đầu tiên của một chính phủ dân sự tại Myanmar nên thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khi Uỷ ban bầu cử hoà hợp dân tộc tuyên bố bầu cử sẽ diễn ra trong bầu không khí tự do, công bằng và minh bạch.

Chính phủ Myanmar đã mời tất cả các nhà ngoại giao nước ngoài và quan chức Liên Hợp Quốc tại nước này cùng hơn 150 nhà quan sát quốc tế, trong đó có phái đoàn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như các đối tác gần gũi với ASEAN như Australia, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ đến giám sát cuộc bầu cử.

Cử tri đến bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Mingala Taungnyunt, khu vực Yangon, cố đô Myanmar ngày 1.4

Vì lý do an ninh bất ổn, cuộc bầu cử tạm thời đình hoãn tại 3 khu vực Mokaung, Bahmo và Pha-kant thuộc bang Kachin. Cử tri ở những khu vực khác náo nức đến các địa điểm bỏ phiếu để bầu 150 ứng cử viên đại diện cho 17 đảng phái cùng với 7 ứng cử viên độc lập, vào 45 ghế còn trống trong quốc hội.

Theo các nhà phân tích, đây là cuộc đấu chủ yếu giữa đảng cầm quyền Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) và đảng đối lập Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi. USDP cử đại diện tham gia tranh cử ở 45 khu vực trong khi NLD tranh cử ở 44 khu vực.

Chủ tịch đảng NLD Suu Kyi tranh cử ở khu vực Kawhmu – một trong 6 khu vực bầu cử tại cố đô Yangon cùng với ứng cử viên đảng cầm quyền USDP U Soe Min và ứng cử viên đảng Thống nhất và Hoà bình (UPP) U Tin Yi.

Từ năm 2010, quân đội Myanmar đã bắt đầu chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự. Từ đó đến nay chính phủ Myanmar đã thực hiện hàng loạt các cuộc cải cách được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong đó có việc thuyết phục bà Suu Kyi, nhà hoạt động chính trị đối lập hàng đầu tham gia chính trường (bà Suu Kyi từng từ chối tham gia cuộc tổng tuyển cử năm 2010).

TÙNG LÂM

Theo THX