Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Na Uy nhảy từ thứ 4 năm 2016 lên vị trí số 1, vượt qua Đan Mạch, đất nước giữ kỷ lục 3 lần xếp đầu bảng. Việt Nam cũng tăng 2 bậc trong báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố ngày 20/3.
Các quốc gia Bắc Âu Na Uy, Đan Mạch, Iceland và Phần Lan chiếm giữ những vị trí đầu của danh sách, theo báo cáo Chỉ số hạnh phúc toàn cầu năm 2017 do Hệ thống Giải pháp Phát triển Bền vững (SDSN), một sáng kiến toàn cầu do Liên Hợp Quốc đưa ra từ năm 2012, thực hiện.
|
Na Uy là đất nước nằm ở Bắc Âu, có nhiều phong cảnh đẹp. Ảnh: Visitnorway. |
Việc xếp hạng quốc gia hạnh phúc dựa trên các yếu tố như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, phúc lợi xã hội, tình trạng tham nhũng, sự hào phóng.
Các quốc gia nằm trong top 10 gồm Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Thụy Sĩ, Phần Lan, Hà Lan, Canada, New Zealand, Australia và Thụy Điển.
5 quốc gia đứng cuối danh sách này là Rwanda, Syria, Tanzania, Burundi, và Cộng hòa Trung Phi.
Một số quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới như Đức xếp ở vị trí thứ 16, tiếp theo là Anh (19) và Pháp (31). Mỹ đã giảm một bậc xuống vị trí thứ 14.
Tại Đông Nam Á, Singapore xếp vị trí thứ 26, tiếp theo là Thái Lan (32), Malaysia (42), Philippines (72), Indonesia (81) và Việt Nam xếp thứ 94 (tăng 2 bậc so với năm 2016).
Jeffrey Sachs, người đứng đầu SDSN kiêm cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho biết mục đích của báo cáo này nhằm cung cấp thêm một công cụ cho các chính phủ, các doanh nghiệp và người dân để giúp họ tìm ra một cách thức tốt nhất đạt đến sự thịnh vượng.
John Helliwell (Đại học British Columbi), thành viên ban thực hiện báo cáo, nhận định tiền không phải yếu tố quyết định mức độ hạnh phúc.
Anh nói: "Với lựa chọn giảm giá dầu, đầu tư vào những điều đem lại lợi ích cho thế hệ tương lai, Na Uy đã tự bảo vệ họ khỏi sự lên xuống thất thường như nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào dầu lửa khác. Việc tập trung cho tương lai, thay vì hiện tại, được thực hiện dễ dàng nhờ các yếu tố như mức độ tin cậy, mục tiêu chung, sự hào phóng và quản trị tốt đều ở mức cao".
Bản báo cáo năm nay cũng tập trung vào mức độ hạnh phúc ở nơi làm việc. Jan-Emmanuel De Neve, giáo sư tại trường Kinh tế Said thuộc Đại học Oxford, nói: "Con người dành phần lớn thời gian để làm việc, vì vậy việc tìm hiểu vai trò của thất nghiệp và có việc làm trong việc cấu thành hạnh phúc là rất quan trọng. Nghiên cứu này cho thấy tình trạng công việc, ngành nghề đem lại mức độ hạnh phúc khác biệt".
Nguồn Zing.vn