BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2009: Sản lượng thuỷ sản tiếp tục tăng

Cập nhật ngày: 17/01/2010 - 05:44

Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thuỷ sản như: hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước hơn 27.000 ha, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng với tổng chiều dài đến hơn 1.500 Km, hệ thống sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông… Trong những năm qua, từ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng nguồn lợi thu được từ nuôi trồng và khai thác thuỷ sản ở Tây Ninh ngày càng khá hơn nên sản lượng thuỷ sản ngày càng cao.

Sản lượng thuỷ sản tăng cao

Đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng.

Trong những năm gần đây, Tây Ninh có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản nên lĩnh vực này đã có những bước phát triển tích cực. Đặc biệt là công tác khuyến ngư ngày càng được chú trọng. Từ đó, người dân đã biết tận dụng những ao, hồ, các vùng đất trũng cải tạo lại để nuôi trồng thuỷ sản bằng nhiều hình thức như: thâm canh, bán thâm canh, nuôi kết hợp để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có. Đồng thời có nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp dọc các tuyến kênh đã chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả. Song song đó, nguồn thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng cũng gia tăng đáng kể do Nhà nước đầu tư thả cá giống hằng năm. Từ đó, sản phẩm từ nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh ngày càng gia tăng, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm cho xã hội đồng thời cũng nâng dần tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản thuộc Sở NN-PTNT Tây Ninh, năm 2009, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản các loại ở Tây Ninh đạt hơn 1.220 ha- vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Đến cuối năm 2009, tổng sản lượng thuỷ sản thực hiện được đạt 10.200 tấn- tăng hơn năm trước gần 2.000 tấn và đạt 120% kế hoạch năm nay. Trong đó sản lượng thuỷ sản lĩnh vực nuôi trồng đạt hơn 7.100 tấn- tăng hơn năm trước 1.800 tấn không chỉ do diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản tăng mà còn do người nuôi ngày càng mạnh dạn áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất. Sản lượng thuỷ sản khai thác năm 2009 Tây Ninh được gần 3.000 tấn, chủ yếu là trong hồ Dầu Tiếng. Việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản thiên nhiên trong hồ Dầu Tiếng đã được thực hiện từ năm 2005, đến nay đã có hàng triệu con cá giống được thả vào hồ. Từ chủ trương này mà nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng đánh bắt được từ khoảng hơn 500 tấn trước năm 2005, nay đã tăng lên đến 3.000 tấn- gấp 6 lần so với trước đây. Song song với sự phát triển diện tích nuôi trồng thuỷ sản, các dịch vụ sản xuất và cung cấp con giống cũng gia tăng. Hiện nay trong toàn tỉnh có đến 20 cơ sở cung ứng giống cá với số lượng khoảng 64 triệu con mỗi năm.

Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh phát triển đã thu hút được một số công ty và các nhà đầu tư, chế biến ngoài tỉnh đến Tây Ninh để khảo sát, xây dựng dự án đầu tư nuôi trồng thuỷ sản thâm canh tập trung ở các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng,… Trong đó đã có dự án triển khai thực hiện có hiệu quả. Điều này cho thấy trong tương lai lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Theo định hướng, năm 2010 tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh sẽ đạt hơn 1.250 ha với tổng sản lượng khoảng hơn 11.000 tấn. Trong đó riêng sản lượng nuôi trồng đạt hơn 8.000 tấn. Chỉ tiêu này so với sự phát triển hiện nay thì hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên…

Nỗi lo cá chết vì bị ô nhiễm nguồn nước

Sản lượng thuỷ sản ngày càng tăng

Từ mấy năm qua, một trong những nỗi băn khoăn lớn của ngành NN-PTNT và cũng là nỗi băn khoăn của những người nuôi trồng thuỷ sản là vấn đề ô nhiễm môi trường- đặc biệt là môi trường nước. Trong những năm qua, ở Tây Ninh đã từng xảy ra nhiều vụ nguồn nước bị ô nhiễm làm cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Năm 2005, cả đoạn sông Vàm Cỏ Đông- từ xã Phước Vinh đến Xóm Ruộng, xã Trí Bình dài hơn 30 cây số đã xảy ra tình trạng cá bè nuôi trên sông chết hàng loạt- trong đó có nhiều bè nuôi loại cá hồng vện có giá trị rất cao. Tháng 3 năm 2006, gần 50 lồng cá bè nuôi trên sông Sài Gòn bị chết sạch với sản lượng cá chết ước khoảng gần 200 tấn. Năm 2007 tại đoạn sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn huyện Gò Dầu tiếp tục xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Năm 2008 tiếp tục xảy ra trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn đi qua huyện Châu Thành. Đó là những vụ thiệt hại lớn do ô nhiễm gây ra cho người nuôi trồng thuỷ sản. Riêng trên rạch Tây Ninh, trước đây tình trạng cá thiên nhiên bị chết diễn ra khá thường xuyên, gần đây tình trạng này có giảm bớt nhưng vẫn còn xảy ra.

Tất cả những vụ cá chết hàng loạt đều được xác định nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm, nhưng phần lớn không xác định được “thủ phạm”, bởi vì theo ngành chức năng khi đến lấy mẫu nước kiểm định thì các chất gây ô nhiễm đã bị phân huỷ hoặc bị loãng mất rồi. Không xác định được “thủ phạm” thì chẳng có ai chịu trách nhiệm bồi thường, cuối cùng chỉ có người nuôi cá là chịu thiệt hại. Do đó, muốn đảm bảo nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững phải giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ các cơ sở sản xuất gây ra.

Sơn Trần