BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2009 sẽ có thêm hơn 3.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề

Cập nhật ngày: 30/06/2009 - 06:27

Vấn đề lao động và giải quyết việc làm cho người lao động luôn được toàn xã hội quan tâm, việc này có thực hiện tốt mới giải quyết tình trạng lao động thất nghiệp, tạo công ăn việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở các vùng nông thôn. Từ đó góp phần tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nông thôn trong lúc nông nhàn, thiết thực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tác động chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 của tỉnh nhà. Vì vậy, trong năm qua các cấp uỷ, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề. Cụ thể, năm 2008 đã tổ chức được 79 lớp, gồm 2.390 học viên tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, với tổng số kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. Chương trình đào tạo nhằm trang bị cho người lao động am hiểu khoa học kỹ thuật, nâng cao tay nghề thiết thực phục vụ cho việc phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá ngay trên mảnh vườn, thửa ruộng giúp cho nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên khá, giàu.

Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 972/QĐ-UBND ngày 22.5.2009 về phê duyệt kế hoạch dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn năm 2009, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị triển khai cho các ngành, đoàn thể, đơn vị trực thuộc và các huyện, thị tổ chức thực hiện, đồng thời ban hành kế hoạch phân bổ kinh phí cho các địa phương, cơ sở. Theo kế hoạch, trong năm 2009 sẽ tổ chức 102 lớp, gồm 3.060 học viên. Đối tượng tham gia học nghề bao gồm lao động nông thôn trong độ tuổi lao động chưa qua học nghề, có nhu cầu học nghề và có đủ điều kiện xét tuyển vào các khoá học. Các ngành nghề đào tạo gồm: trồng nấm các loại, nuôi cá nước ngọt, khai thác mủ cao su, may công nghiệp, chăm sóc cây cảnh, nuôi ếch, điện dân dụng, trồng rau sạch, đan lát giỏ bội, nuôi ba ba và lái xe ô tô hạng B2. Tổng số 28.272 giờ học (lý thuyết 8.659 tiết, thực hành 19.613 tiết). Tổng số kinh phí hỗ trợ 2 tỷ 110 triệu đồng, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia 1 tỷ 200 triệu đồng, số còn lại là kinh phí địa phương (nguồn đảm bảo xã hội). Học viên tham gia học tập được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng, cuối khoá học đạt yêu cầu kiểm tra được cấp giấy chứng chỉ nghề và được tạo điều kiện giới thiệu tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Việc tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn hằng năm chính là cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh đạt chỉ tiêu 50% lao động đã qua đào tạo nghề, thiết thực phục vụ thực hiện mục tiêu giảm nghèo và tạo tiền đề cơ bản xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.

TM