BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2010: Sản lượng thuỷ sản tiếp tục tăng

Cập nhật ngày: 19/12/2010 - 10:42

Đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng

Theo Chi cục Thuỷ sản (thuộc Sở NN&PTNT Tây Ninh) năm 2009 tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh đạt hơn 1.220 ha với sản lượng hơn 10.000 tấn. Trong đó sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt hơn 7.000 tấn và sản lượng khai thác đạt gần 3.000 tấn. Năm 2010, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và khai thác ở Tây Ninh tiếp tục tăng trưởng. Theo thống kê của ngành thì tổng sản lượng thuỷ sản năm 2010 ước đạt hơn 12.600 tấn- vượt 31,5% so với kế hoạch năm và tăng hơn 14% so với năm 2009. Trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt hơn 9.500 tấn- vượt gần 60% so với kế hoạch năm và tăng 19,5% so với năm 2009. Riêng sản lượng khai thác (chủ yếu là trong hồ Dầu Tiếng) ước đạt khoảng 3.050 tấn. Sản lượng này tuy chưa đạt kế hoạch năm, nhưng có hơn so với năm trước. Tổng giá trị thuỷ sản Tây Ninh năm 2010 ước đạt hơn 110 tỷ đồng- vượt 15,6% kế hoạch năm và tăng gần 15% so với năm 2009.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì trong những năm gần đây, sản lượng khai thác thuỷ sản tăng đều đặn hằng năm, chủ yếu là do từ năm 2005 đến nay Nhà nước liên tục đầu tư tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng bằng cách thả cá giống hằng năm. Từ sự đầu tư này mà sản lượng thuỷ sản đánh bắt được trong hồ Dầu Tiếng hiện nay tăng hơn gấp 5 lần so với 5 năm trước đây. Riêng trong năm 2010, Chi cục Thuỷ sản đã thả hơn 320.000 con cá giống vào hồ Dầu Tiếng với kinh phí mua giống hơn 430 triệu đồng. Tình hình nuôi trồng thuỷ sản cũng có sự phát triển đáng kể, các loại thuỷ sản có giá trị cao như: cá lăng nha, ba ba, cá lóc, cá chình, cá bống tượng… được thả nuôi ngày càng nhiều. Đặc biệt là diện tích nuôi cá tra thâm canh đến nay đã phát triển được khoảng 25 ha với sản lượng thu hoạch được khoảng 4.000 tấn. Ngoài ra phong trào nuôi cá sấu cũng có chiều hướng tiến triển hơn các năm trước, tập trung ở xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu) và xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng).

Lĩnh vực chế biến thuỷ sản quy mô công nghiệp gắn với chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng phát triển khả quan. Tại huyện Trảng Bàng đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu của Công ty TNHH Thuỷ sản miền Đông với công suất dự kiến lên đến 10.000 tấn cá/năm. Sự phát triển nhà máy chế biến thuỷ sản đã góp phần tạo sự an tâm cho nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển diện tích nuôi trồng thuỷ sản.

Tuy nhiên, song song những mặt thuận lợi, việc phát triển nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản vẫn còn bị hạn chế đáng kể. Theo Chi cục Thuỷ sản thì hạn chế trước tiên ở lĩnh vực khai thác thuỷ sản là việc sử dụng ngư cụ cấm như dớn, lưới xanh để khai thác thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng vẫn còn xảy ra và đang có chiều hướng gia tăng. Những ngư cụ này đã “góp phần” tận diệt nguồn lợi thuỷ sản, đồng thời làm hạn chế hiệu quả việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong hồ. Ngoài ra, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản cũng đã và đang gặp phải nguy cơ khác ảnh hưởng rất nghiêm trọng là sự ô nhiễm nguồn nước làm cá chết hàng loạt nhiều lần trên sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa bàn các huyện Châu Thành, Hoà Thành, Gò Dầu, Bến Cầu. Điều đang gây hoang mang và bức xúc cho người nuôi trồng thuỷ sản là dù đã xảy ra nạn cá chết liên tiếp nhưng ngành chức năng vẫn không xác định được nguyên nhân và người nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại hoàn toàn do chẳng được ai bồi thường. 

Nhiều hộ nuôi trồng các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao

Để năm 2011 và những năm sau lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản ở Tây Ninh phát triển mạnh mẽ hơn, Chi cục Thuỷ sản cho rằng ngoài các chính sách khuyến khích, cơ quan chức năng cần phải quan tâm tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra hạn chế sử dụng các ngư cụ cấm, đồng thời thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước để tạo sự yên tâm cho người nuôi trồng thuỷ sản mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển.

Sơn Trần