Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tội phạm khởi tố mới 1.245 vụ - tăng 120 vụ (10,65%).

(BTNO) – Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, năm 2011, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng so với năm 2010. Tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, trọng án giết người, xâm hại tình dục trẻ em, cướp tài sản, vi phạm quy định về ATGT đường bộ, chống người thi hành công vụ… xảy ra nhiều. Tội phạm khởi tố mới 1.245 vụ - tăng 120 vụ (10,65%).
Tăng cao nhất là tội phạm về kinh tế với 718 vụ khởi tố - tăng 87 vụ. Trong đó, các loại tội phạm xảy ra nhiều và tăng so với cùng kỳ là trộm, cướp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Hành vi phạm tội hết sức tinh vi, táo bạo, liều lĩnh. Có vụ từ trộm cắp chuyển sang cướp tài sản, nhiều vụ chưa tìm ra thủ phạm. Một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn mới dưới danh nghĩa “chạy án” hoặc giả danh cán bộ toà án…
Một vụ TNGT trên địa bàn huyện Gò Dầu |
Tăng cao thứ hai là tội phạm ma tuý. Trong năm 2011, khởi tố 79 vụ - tăng 39 vụ, chủ yếu là các tội tàng trữ, mua bán trái phép trái phép chất ma tuý số lượng nhỏ, đối tượng phạm tội chủ yếu là người nghiện mua ma tuý vè chia ra thành nhiều tép nhỏ để bán lấy tiền sử dụng ma tuý.
Cũng trong năm 2011, VKS các cấp đã khởi tố 446 vụ tội phạm về trật tự, an toàn xã hội (giảm 3 vụ). Trong đó, các loại tội tăng so với cùng kỳ là vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, xâm phạm tình dục trẻ em. Tội giết người xảy ra 27 vụ làm chết 20 người, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ như ghen tuông, tức nhau vì một hai câu nói thách thức hoặc mâu thuẫn gia đình. Trong một số vụ, đối tượng phạm tội đã uống rượu trước khi gây án. Cá biệt có 3 vụ mắc điện để chống tội trộm, ngăn chuột ruộng lúa dẫn đến chết người hoặc tội phạm có tính tổ chức như vụ “rạch mông nữ sinh”…
Theo Viện KSND tỉnh, nguyên nhân phạm tội chủ yếu là do kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, sự tác động tiêu cực của quá trình hội nhập… Một bộ phận nhân dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa thường xuyên nên hạn chế hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ. Mâu thuẫn, tranh chấp cá nhân trong quan hệ xã hội, gia đình không được giải quyết kịp thời dẫn đến gây án; chưa có sự quan tâm phối hợp đúng mức giữa gia đình và xã hội trong việc giáo dục đối với người phạm tội…
PHƯƠNG LY