BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2011: Tây Ninh tiếp tục cấp miễn phí báo chí cho vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật ngày: 11/11/2010 - 06:00

(BTNO)- Tây Ninh hiện có 21 dân tộc thiểu số với 3.696 hộ, 17.023 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là các dân tộc Khmer, Chăm, Tà Mun,… chiếm 1,6% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Quyết định 975/QĐ - TTg ngày 20.7.2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phát miễn phí 14 loại báo, tạp chí cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn cả nước, từ năm 2006 đến nay, Tây Ninh đã triển khai thực hiện cấp phát trên 380.000 loại báo, tạp chí thuộc các ấn phẩm theo danh mục quy định đến tận tay vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đồn, chốt biên phòng, các trường tiểu học, trung học và các địa phương vùng biên giới.

Báo chí góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh hoạ

Qua báo, tạp chí, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương đã tiếp cận được các thông tin khoa học kỹ thuật và thực hiện các quy trình canh tác mới, chủ động đầu tư thâm canh, đưa các giống mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều cán bộ, đảng viên người dân tộc đã tích cực tìm hiểu những kiến thức hay trên sách báo về truyền đạt lại cho bà con trong ấp, góp phần xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Hơn nữa, việc cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn góp phần tuyên truyền hiệu quả, kịp thời các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước; những gương người tốt, việc tốt; những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi đến đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc đưa báo chí về với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn còn có ý nghĩa lớn, giúp nhân dân biết cách bảo vệ, giữ gìn sức khoẻ, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, giúp bà con có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

 Đối với các trường tiểu học và THCS vùng biên giới, các báo, tạp chí đã góp phần giáo dục ý thức nề nếp của học sinh, giúp các em nắm được thông tin bổ ích phục vụ cho học tập, rèn luyện, tìm tòi, khám phá kiến thức mới thông qua nhiều chuyên mục sinh động. Qua đó, đã tạo cho các em sự say mê tìm hiểu, chăm học chăm làm, nâng cao được kỹ năng tiếng Việt, nhất là đối với những học sinh dân tộc ít người sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Tuy nhiên trên thực tế, việc quản lý, sử dụng các ấn phẩm được cấp trên địa bàn Tây Ninh thời gian qua vẫn còn những bất cập do công tác lưu giữ, bảo quản ở một số địa phương còn yếu; việc tuyên truyền các nội dung trong báo, tạp chí chưa thực hiện được thường xuyên; đối tượng được thụ hưởng chính sách chủ yếu tập trung ở đội ngũ cán bộ xã, ấp. Đối với bà con vùng dân tộc, phần lớn bà con trình độ dân trí thấp trong khi việc cấp phát báo, tạp chí chưa có các đầu sách chuyên đề tiếng dân tộc nên việc đọc, hiểu những kiến thức qua các thông tin trên báo, tạp chí còn hạn chế.

Để từng bước khắc phục những hạn chế, đồng thời phát huy hiệu quả việc thực hiện Quyết định 975 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn trong thời gian tới, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền trong việc tiếp nhận, quản lý, khai thác, lưu giữ các loại báo, tạp chí theo quy định. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo xây dựng các tủ sách, báo và quy chế quản lý, khai thác, sử dụng báo chí, lựa chọn các nội dung phù hợp với điều kiện từng địa phương lồng ghép vào các cuộc họp hay các buổi tuyên truyền, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân ứng dụng tốt các kiến thức trong sách, báo vào thực tế lao động sản xuất.

Năm 2011, các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện việc cấp phát báo, tạp chí cho bà con vùng thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn theo tinh thần Quyết định số 975/QĐ - TTg ngày 20.7.2006 của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên số lượng báo, tạp chí được cấp giảm xuống chỉ còn 3 đến 5 loại có nội dung thiết thực, phù hợp với nhu cầu từng vùng, miền. Đối với Tây Ninh đã đề xuất Chính phủ tiếp tục cấp miễn phí 5 loại ấn phẩm, báo chí có nội dung thiết thực phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2015, bao gồm: Chuyên đề “Nhi đồng măng non” cấp cho các trường tiểu học thuộc các xã biên giới; Chuyên đề “Thiếu nhi Dân tộc” cấp cho các trường THCS thuộc các xã biên giới; Báo “Dân tộc và Phát triển” cấp cho vùng dân tộc thiểu số; Báo “Biên phòng” và Báo “An ninh biên giới” cấp cho các xã biên giới và các đội công tác biên phòng;  Báo “Nông thôn ngày nay” cấp cho vùng dân tộc thiểu số, chi hội nông dân và hội nông dân các xã biên giới…

Số lượng báo, tạp chí được cấp phát cho các vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn năm 2011 sẽ không còn nhiều. Vấn đề đặt ra sau khi được cấp phát là, các địa phương cần thực hiện tốt việc tiếp nhận, bảo quản và khai thác các nguồn thông tin trên báo, tạp chí cho phù hợp để áp dụng vào đời sống thực tế ở địa phương. Có như vậy việc thực hiện Quyết định 975 trên địa bàn Tây Ninh mới thật sự có ý nghĩa.

Linh Đan