Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2012, ngành LĐ-TB&XH dự kiến mở 196 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 5.942 lao động nông thôn với tổng kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng.

(BTNO) – Tháng 11.2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956) và bắt đầu triển khai trên cả nước. Tại Tây Ninh, do chuẩn bị chưa kịp các điều kiện, nên đến năm 2011, Đề án 1956 mới chính thức được thực hiện.
Năm 2011 – năm đầu tiên thực hiện Đề án, ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương tổ chức được 143 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn – đạt 78,57% so với kế hoạch (187 lớp). Số nghề đào tạo là 14 nghề - đạt 63,64% so kế hoạch (22 nghề). Đã đào tạo nghề cho 4.222 lao động nông thôn – đạt 78,53% so kế hoạch (5.376 người). Trong đó, dưới 3 tháng là 4.063 người, sơ cấp nghề 159 người.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu thực hiện theo mô hình 3 nhà “Lao động nông thôn - Nhà nước - Cơ sở dạy nghề”. Sau khi hoàn thành khoá học các học viên tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm. Các mô hình tiêu biểu trong thời gian qua như: mô hình nghề khai thác mủ cao su ở huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu; mô hình nghề nuôi trùn quế ở huyện Gò Dầu; mô hình nghề đan lát, giỏ bội ở huyện Trảng Bàng.
Nghề đào tạo có việc làm cao nhất là kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật nuôi gia cầm (100%). Trong ảnh, đàn bò của người dân huyện Dương Minh Châu. |
Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt 78,04% (3.269/4.189 người), trong đó tự tạo việc làm 56,89% (2.383/4.189 người), tìm việc làm 21,15% (886/4.189 người). Nghề đào tạo có việc làm cao nhất là kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật nuôi gia cầm (100%); đan lát, giỏ bội (90%); trồng rau sạch (84,70%); khai thác mủ cao su (82,79%); nuôi cá nước ngọt (77,78%).
Tỷ lệ lao động nông thôn chưa có việc làm sau khi học nghề 21,96% (920/4.189 người). Nghề đào tạo có việc làm thấp nhất là nuôi trùn quế (8,64%), kỹ thuật trồng gừng (24,24%).
Việc thực hiện Đề án 1956 đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, đơn vị; sự đồng thuận hưởng ứng, ủng hộ của lao động nông thôn. Đề án 1956 đã trang bị cho lao động nông thôn có tay nghề, am hiểu được khoa học kỹ thuật, tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm để góp phần cải thiện đời sống, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Việc học nghề gắn liền với sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho những học viên có trình độ văn hoá thấp tham gia học tập.
Bên cạnh đó, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá.
Tuy nhiên, ngành LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, công tác thông tin, tuyên truyền chưa được thường xuyên, rộng khắp và đi vào chiều sâu. Nhận thức của lao động nông thôn về học nghề và việc làm còn hạn chế. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chậm. Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên…
Năm 2012, ngành LĐ-TB&XH dự kiến mở 196 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 5.942 lao động nông thôn tại các cơ sở dạy nghề như Trường Trung cấp nghề Tây Ninh, Trường Trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Tây Ninh, Trung tâm Dạy nghề lái xe Thành Đạt, Trung tâm Dạy nghề lái xe Trúc Diệp, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Tây Ninh, Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên… với tổng kinh phí hơn 7,4 tỷ đồng. Theo đó, tập trung thực hiện việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt là 02 xã được chọn làm mẫu là Thạnh Đông (huyện Tân Châu) và Long Thành Trung (huyện Hoà Thành). Ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Dành ít nhất 20% kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề để đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 – 2015.
Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt ít nhất 70%.
Nhã Chi