Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45% năm 2010 lên 48% vào năm 2011.

(BTNO) – Theo UBND tỉnh, trong năm 2011 vừa qua toàn tỉnh có thêm 06 phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học. Luỹ kế đến ngày 31.12.2011 toàn tỉnh có 22 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học.
Đó là một trong những kết quả đạt được sau 01 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2015.
Việc phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS tiếp tục được duy trì tại 9/9 huyện thị, 95/95 xã (phường, thị trấn). Cũng trong năm học 2010 – 2011, có 6/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Đến nay, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường mầm non trên toàn tỉnh đạt 93,6%.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước còn hạn chế. Trong ảnh là một lớp tập huấn sử dụng phần mềm văn phòng do Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức |
Ngành GD-ĐT triển khai xây dựng, kiên cố hoá 695 phòng học, luỹ kế đã xây dựng được 2.159 phòng học, 59 nhà công vụ cho giáo viên (kế hoạch 2008 – 2012 là 2.662 phòng học, 64 nhà công vụ). Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng 145 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, đang triển khai Đề án phát triển Trưởng THPT Chuyên Hoàng Lê Kha; Đề án nâng cấp Trường CĐSP lên trường Đại học, Đề án nâng cấp Trường trung cấp Y tế, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật, Trường trung cấp Nghề Tây Ninh lên Cao đẳng; Đề án phát triển các trường bán trú ở các cấp học, xây dựng ký túc xá sinh viên… Các Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh, Trường trung cấp Nghề Tây Ninh, Trường trung cấp Nghề khu vực phía Nam Tây Ninh, Trường CĐSP, Trường trung cấp Y tế được đầu tư, bổ sung trang thiết bị từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ với tổng vốn 18,064 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT cũng đang xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên, Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề giai đoạn 2011 – 2015.
Trong công tác đào tạo, thu hút lao động, năm 2011 UBND tỉnh phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh là 11.838 người – tăng 46,6%. Kết quả số lao động được dạy nghề trong năm là 21.894 người. Tỷ lệ lao động qua dạy nghề chiếm 37% số lao động tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên. Kinh phí đào tạo nghề lao động nông thôn được phân cấp về huyện, thị 11,261 tỷ đồng, đã tổ chức 143/182 lớp, đào tạo 14/22 nghề với 4.222/5.376 học viên, giải ngân được 4,614 tỷ đồng.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được 15.000 lao động vào làm việc. Luỹ kế, đến nay đã có khoảng 50.000 lao động làm việc tại đây.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức bộ máy Nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai các Đề án “Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010 – 2015”, “Hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010 – 2015”, “Đào tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010 – 2020”, Kế hoạch “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trq1ch ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020”… Theo đó, tỉnh đã tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Anh đối với 95 cán bộ, công chức, viên chức dự nguồn để tham gia Đề án đào tạo sau đại học tại các cơ sở nước ngoài; Bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho 249 lượt người; Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 382 lượt người; Đào tạo trình độ Đại học 235 người, trung cấp 49 người; Tổ chức 02 lớp đào tạo tiếng Khmer cho 92 người; Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài 32 người…
Cần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá công nghiệp nông thôn. |
Cũng theo UBND tỉnh, trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX về phát triển nguồn nhân lực, có không ít những hạn chế như chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, lao động cung cấp cho nhu cầu phát triển công nghiệp từng lúc, từng nơi chưa đáp ứng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước chưa được nâng cao. Công tác xã hội hoá đào tạo, dạy nghề còn chậm…
UBND tỉnh nhấn mạnh, nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012 này là nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; chất lượng đào tạo, dạy nghề công lập. Đẩy mạnh xã hội hoá, mở rộng liên kết đào tạo, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội để thời gian tới tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề chiếm 50% tổng lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng lao động nông thôn để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá công nghiệp nông thôn, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức tỉnh, huyện, xã; thực hiện chính sách thu hút nhân tài; hỗ trợ đào tạo đội ngũ học sinh, sinh viên khá giỏi đối với các chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu…
PHƯƠNG LY