Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo BCĐ 1070, năm 2012, trên địa bàn tỉnh còn gần 600 ha diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích. Trong đó, diện tích cây cao su chiếm hơn 200 ha, diện tích cây ăn quả gần 70 ha, còn lại gần 330 ha là cây ngắn ngày.

Trước năm 2009, công tác trồng rừng ở Tây Ninh luôn gặp khó khăn và thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch, do hầu hết đất lâm nghiệp dự kiến đưa vào thiết kế trồng rừng đều bị bao chiếm sử dụng không đúng mục đích. Tháng 6.2009, UBND tỉnh ban hành Quyết định 875 với chủ trương kiên quyết xử lý tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích để trồng lại cây rừng. Từ đó, diện tích trồng rừng ở Tây Ninh hằng năm được cải thiện rất đáng kể. Đây là kết quả của sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, năm 2012 công tác trồng rừng sẽ gặp khó khăn trở lại cũng từ nguyên nhân đất lâm nghiệp bị bao chiếm.
Theo Ban chỉ đạo giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích (gọi tắt là BCĐ 1070), tính từ khi triển khai thực hiện Quyết định 875 vào giữa năm 2009 đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đã xử lý thu hồi được 3.520 ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm để đưa vào thiết kế trồng rừng- đạt 85,5% tổng diện tích đất bao chiếm thuộc diện phải xử lý. Trong đó: huyện Dương Minh Châu đã xử lý thu hồi 100% diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích; Thị xã cũng đã xử lý được hơn 92%; huyện Tân Biên xử lý được hơn 91%; huyện Châu Thành đã xử lý được hơn 88% và huyện Tân Châu xử lý được gần 80% tổng diện tích phải xử lý. Từ kết quả xử lý tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp, mà từ năm 2009 đến 2011 kết quả trồng rừng ở Tây Ninh liên tục vượt kế hoạch đã đề ra. Cụ thể: năm 2009, tổng diện tích trồng rừng được là 1.010 ha, vượt kế hoạch đề ra hơn 20%; năm 2010, thực hiện được gần 1.300 ha, vượt kế hoạch đề ra trên 25% và năm 2011, thực hiện được hơn 1.400 ha, vượt so với kế hoạch đến hơn 40%.
![]() |
Cao su trồng trên đất quy hoạch lâm nghiệp ở rừng LS-VH Chàng Riệc |
Từ những thuận lợi trong công tác trồng rừng trong 3 năm qua, năm 2012, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra chỉ tiêu trồng rừng tập trung đạt 1.100 ha. Đến nay, ngành đã chuẩn bị 1.145.000 cây giống các loại- trong đó có 685.000 cây sao, dầu và 460.000 cây keo để cung ứng khi vào vụ. Ngành cũng đã tiến hành khảo sát thực tế khoảng 614 ha dự kiến đưa vào thiết kế trồng rừng trong năm nay. Thế nhưng, qua khảo sát cho thấy, có nguy cơ công tác trồng rừng sắp tới sẽ gặp khó khăn do hầu hết diện tích dự kiến đưa vào trồng rừng hiện vẫn còn là đất bị bao chiếm chưa xử lý và trong số diện tích đó có hàng trăm ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chưa được chính quyền địa phương thu hồi.
Theo BCĐ 1070, năm 2012, trên địa bàn tỉnh còn gần 600 ha diện tích đất lâm nghiệp bị bao chiếm sử dụng sai mục đích. Trong đó, diện tích cây cao su chiếm hơn 200 ha, diện tích cây ăn quả gần 70 ha, còn lại gần 330 ha là cây ngắn ngày. Tuy nhiên, trên diện tích đó hiện còn đến 169 GCNQSDĐ cấp sai, với tổng diện tích khoảng 234 ha, đến nay chưa được thu hồi. Địa phương còn tồn giấy CNQSDĐ cấp sai chưa thu hồi nhiều nhất là huyện Châu Thành- 75 trường hợp GCNQSDĐ cấp sai, với tổng diện tích phải thu hồi là 93 ha. Kế đến là huyện Tân Châu còn 66 trường hợp GCNQSDĐ cấp sai chưa thu hồi, với tổng diện tích là 104 ha và huyện Tân Biên còn 28 giấy cấp sai chưa thu hồi, với tổng diện tích là 37 ha.
Thực tế, việc xử lý thu hồi GCNQSDĐ cấp sai trên đất lâm nghiệp đã được BCĐ 1070 chỉ đạo thực hiện từ khi triển khai thực hiện Quyết định 875, nhưng tiến độ thu hồi rất chậm chạp. Trước đây, một số địa phương cho rằng, việc thu hồi GCNQSDĐ cấp sai trên đất quy hoạch lâm nghiệp bị chậm chủ yếu là do đường ranh nông- lâm chưa được xác định rõ ràng, không xác định được diện tích nào thuộc đất lâm nghiệp phải thu hồi và diện tích nào là đất nông nghiệp không phải thu hồi. Sau khi đường ranh nông lâm được xác định thì lại phát sinh khó khăn khác do trên diện tích đất được cấp GCNQSDĐ sai hầu hết đã được sản xuất nông nghiệp và xây dựng một số công trình- trong đó có nhiều diện tích đã trồng cây cao su. Từ đó mà phát sinh lấn cấn về việc bồi thường số tài sản đã có trên đất đã được cấp GCNQSDĐ và các địa phương tạm ngưng triển khai công tác thu hồi GCNQSDĐ để chờ chủ trương xử lý.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham khảo ý kiến các ngành liên quan, các địa phương có rừng và các Ban quản lý rừng để thống nhất về việc xử lý tài sản trên phần đất lâm nghiệp đã được cấp GCNQSDĐ. Trước mắt, BCĐ 1070 chỉ đạo các địa phương vận động, thuyết phục các hộ được cấp giấy CNQSDĐ sai trên đất lâm nghiệp tự nguyện giao trả GCNQSDĐ cho Nhà nước, đồng thời được ưu tiên ký hợp đồng trồng rừng trên diện tích này.
Sơn Trần