Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm 2019 độ che phủ rừng đạt 16,3%
Thứ tư: 14:22 ngày 01/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thông qua công tác trồng rừng, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, độ che phủ rừng năm 2019 đạt 16,3%, góp phần tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngày 14.12.2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3357/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2020 gồm: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5 – 6%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3% vào năm 2020; năng suất rừng trồng bình quân đạt 20 m3/ha/năm.

Rừng sản xuất ở xã Hòa Hội, huyện Châu Thành.

Bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động, tăng khoảng 2.000 lao động so với giai đoạn 2012 – 2016 (chủ yếu là những người tham gia nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng); tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ, lâm sản gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới.

Theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2035, tổng diện tích đất quy hoạch ba loại rừng được điều chỉnh là 72.253,43 ha. Trong đó: rừng đặc dụng khoảng 31.650 ha (chiếm 43,8%), rừng phòng hộ 30.174 ha (chiếm 41,8%), rừng sản xuất 10.428 ha (chiếm 14,4%).

Theo UBND tỉnh, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, có 73.253 ha rừng và đất lâm nghiệp được quản lý thống nhất trên cơ sở thiết lập lâm phần ổn định, theo hệ thống tiểu khu, khoảnh, lô trên bản đồ và ngoài thực địa. Năm 2019, tỉnh đã đầu tư bảo vệ 58.008 ha rừng, đạt 100% so với kế hoạch; giai đoạn 2017 – 2019, thực hiện giao khoán 172.390 lượt ha, đạt 98,5% so với kế hoạch.

Ước thực hiện giai đoạn 2017 – 2020, các chủ rừng giao khoán cho nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ và phòng chống cháy 230.512 lựợt ha rừng, bình quân 57.628 ha/năm, đạt 98,5% so với kế hoạch, trong đó rừng tự nhiên và trảng cỏ 180.777 lượt ha, rừng trồng 48.439 lượt ha.

Trong công tác phòng chống cháy rừng, hầu hết các đơn vị chủ rừng đã thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương án đã được phê duyệt như: bố trí lực lượng trực, tuần tra bảo vệ, chủ động xử lý thực bì, vật liệu gây cháy; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bảo đảm cho việc thực hiện các phương án, kế hoạch phù hợp với thực tế tình hình trên địa bàn với phương châm 4 tại chỗ, phòng cháy là chính.

Hằng năm đều tổ chức diễn tập PCCCR. Các vụ cháy rừng đều được các đơn vị quản lý rừng phát hiện, chữa cháy kịp thời, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả sau cháy rừng đúng theo quy định của pháp luật.

Do đó, tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh giảm dần theo từng năm cả về số vụ cháy và diện tích thiệt hại. Giai đoạn 2017 – 2019, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy, diện tích 11,8 ha (trong đó, năm 2017 không xảy ra cháy rừng), giảm 40 vụ/91,8 ha so với giai đoạn 2011 – 2016. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu cháy thực bì, cháy dưới tán đã phục hồi sau khi có mưa nên không làm giảm diện tích rừng.

Tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng được kéo giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại rừng, từ 1.303 vụ giai đoạn 2011 – 2016, bình quân 217 vụ/năm, xuống còn 371 vụ giai đoạn 2017 – 2019, bình quân 123 vụ/năm (tương đương 43%). Nhìn chung, các đơn vị được giao quản lý rừng đã có nhiều cố gắng, tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phối hợp với các lực lượng trú đóng trên địa bàn thường xuyên tuần tra, kiểm tra đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng.

Tình hình vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản tuy được kéo giảm, song chưa đạt được mục tiêu giảm 70 – 80% số vụ vi phạm so với giai đoạn 2011 – 2016 (mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 3357/KH-UBND). Do đó, trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác xử lý và thực hiện kiên quyết, kịp thời trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm về phá rừng, trộm cắp, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản nhằm giáo dục, răn đe, ngăn ngừa vi phạm.

Theo mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 3357/KH-UBND, giai đoạn 2017 – 2020, thực hiện trồng mới 2.500 ha rừng, trong đó, trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng 1.300 ha; trồng lại rừng sau khai thác, tỉa thưa 1.200 ha.

Kết quả năm 2019, trồng mới 243,1 ha rừng phòng hộ đặc dụng, đạt 103,4% so với kế hoạch. Giai đoạn 2017 – 2019, trồng mới 518 ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Ước thực hiện giai đoạn 2017 – 2020, toàn tỉnh trồng mới 728 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, đạt 56% so kế hoạch. Trồng mới rừng chỉ đạt 56% so với kế hoạch là do việc xử lý đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trồng cây nông nghiệp sai mục đích không đạt kế hoạch, do đó không đủ diện tích đất để đưa vào trồng rừng.

Trồng lại rừng sau tỉa thưa rừng trồng ước thực hiện 1.032 ha, đạt 79% so với kế hoạch. Giai đoạn 2017 – 2019, tỉnh đã đầu tư chăm sóc 2.268 lượt ha rừng trồng, đạt 100% kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh đã trồng 2.004.000 cây phân tán, đạt 50% so với kế hoạch. Trong đó, ngân sách tỉnh đầu tư 504.000 cây giống các loại phân bổ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trồng phân tán trên địa bàn tỉnh; cá nhân, tổ chức tự gieo ươm và trồng khoảng 1,5 triệu cây.

Địa điểm trồng cây chủ yếu là các cơ quan, trường học, đường giao thông, vườn rừng... Các loại cây trồng phân tán chủ yếu là cây keo, cây sao đen, dầu con rái, xà cừ... Thông qua phong trào trồng cây phân tán đã góp phần tăng độ che phủ, tạo cảnh quan thoáng mát, giảm thiểu ô nhiêm môi trường; tăng thu nhập cho người lao động từ khai thác cây trồng phân tán, giảm sức ép nhu cầu gỗ từ rừng tự nhiên.

Ngoài ra, thông qua công tác trồng rừng, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, độ che phủ rừng năm 2019 đạt 16,3% (hoàn thành trước 1 năm so kế hoạch), góp phần tăng khả năng phòng hộ đầu nguồn, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, bảo tồn đa dạng sinh học; tạo nguồn thu cho ngành lâm nghiệp từ các dịch vụ môi trường (thuê môi trường rừng, dịch vụ môi trường rừng…).

Giang Hà

Tin cùng chuyên mục