Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2019 hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn 

Cập nhật ngày: 07/01/2020 - 19:24

BTNO - Theo Sở Công thương, năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của tỉnh ước đạt 974,75 triệu USD, giảm 29% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 504,70 triệu USD- giảm 29%, nhập khẩu 470,05 triệu USD- giảm 12%.

Kim ngạch XNK đều giảm

Kim ngạch XNK hàng hóa với Campuchia của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh năm 2019 đạt 217,25 triệu USD, chiếm 22,29% tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu. Trong đó, xuất khẩu đạt 10,84 triệu USD, nhập khẩu 206,37 triệu USD.

Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa do phía Việt Nam sản xuất, như: xi măng, túi nhựa, bã mì, bột cá, cá hộp, chất tẩy, cám các loại, thức ăn cho heo, gà, vịt, hóa chất, dầu ăn, hàng tạp hóa, rau củ quả các loại… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm củ mì tươi, mì lát khô, gỗ điều xẻ, gỗ tạp, cao su thiên nhiên, gỗ các loại, hạt điều tươi chưa bóc vỏ, mía...

Các phương tiện qua lại cửa khẩu Xa Mát.

Tổng trị giá mua, bán, trao đổi của cư dân biên giới năm 2019 đạt 14,85 triệu USD, giảm 16% so cùng kỳ. Trong đó, trị giá bán đạt 11,08 triệu USD- tăng 48,53% , trị giá mua chỉ đạt 0,86 triệu USD- giảm 98%. Mặt hàng mua, bán chủ yếu của cư dân biên giới là rau củ quả, hàng tạp hóa, xi măng, ván ép, dầu chai nước, than củi...

Cũng theo Sở Công thương, công tác hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất nông sản với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cư dân tỉnh Tây Ninh góp phần khuyến khích sản xuất, trao đổi hàng hóa.

Tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, năm 2019 Công ty cổ phần thương mại Sài Gòn Tây Nam hoạt động mua bán hàng hóa với các mặt hàng chủ yếu là dầu ăn, sữa các loại, nước giải khát, cá hộp, linh kiện máy tính và bánh kẹo các loại với doanh thu 500 tỷ đồng.

Công ty TNHH thương mại Thế kỷ Vàng tại Trạm kiểm soát Liên hợp kinh doanh bán hàng miễn thuế với doanh thu năm 2019 là 312 tỷ đồng. Tổng số lượng phương tiện qua lại cửa khẩu năm 2019 đạt 417.611 lượt phương tiện- tăng 27,37% so cùng kỳ, trong đó xuất cảnh đạt 36.566 lượt người, nhập cảnh đạt 37.069 lượt người, xuất biên đạt 170.837 lượt người, nhập biên đạt 173.139 lượt người.

Tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát tập trung chủ yếu là XNK hàng hoá, còn thương mại và dịch vụ tại chỗ chưa phát triển. Tổng số lượng phương tiện qua lại cửa khẩu năm 2019 đạt 3.789 lượt phương tiện, tăng 61,37% so cùng kỳ (2.348 lượt phương tiện). Trong đó, lượng phương tiện xuất cảnh đạt 2.034 lượt, lượng phương tiện nhập cảnh đạt 1.755 lượt.

Hàng hóa trao đổi của cư dân ở các chợ biên giới là hàng Việt Nam, gồm đồ dùng gia đình bằng nhôm, nhựa gia dụng, mì ăn liền, dầu ăn, trái cây, bột giặt, vật liệu xây dựng…; hàng của cư dân Campuchia gồm mì lát, mì tươi, hạt điều nguyên liệu, đậu các loại, lúa gạo…

Năm 2019 tổng thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đối với phương tiện ra, vào 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát) và cửa khẩu chính Chàng Riệc đạt 322,253 tỷ đồng.

Khó khăn trong kiểm soát hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới

Thực hiện Nghị quyết số 92/2017 của Chính phủ về việc đồng ý nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Nam (xã Tân Bình, huyện Tân Biên) lên thành cửa khẩu quốc tế, hiện nay UBND tỉnh đang tiến hành thực hiện quy trình, thủ tục nâng cấp theo quy định; tổ chức lễ khai trương cửa khẩu phụ Phước Tân lên thành cửa khẩu chính góp phần thúc đẩy hoạt động XNK, mua bán, trao đổi qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Tuy nhiên, do đặc điểm đường biên giới tương đối dài (khoảng 240 km) với nhiều cửa khẩu, đường mòn trải dài trên toàn tuyến, trong khi đó lực lượng trực tiếp làm công tác phòng ngừa, đấu tranh các hành vi xâm phạm hoạt động thương mại biên giới, buôn lậu ít nên còn khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, phương tiện qua lại biên giới.

Kiểm tra hàng hoá trước khi thông quan tại cửa khẩu Xa Mát.

Các đối tượng buôn lậu thường xuyên lợi dụng việc trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới, thương nhân, hộ kinh doanh để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại với các thủ đoạn, phương thức như: chia nhỏ hàng lậu vận chuyển theo các đường mòn qua lại biên giới hai bên cánh gà các cửa khẩu trong và ngoài địa bàn hoạt động hải quan; cất giấu trong hành lý của hành khách hồi hương đón tết, cất trên các phương tiện vận tải có thiết kế phụ (nơi cất giấu hàng khó phát hiện).

Đặc biệt, giá thu mua mía do doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất tại các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia vận chuyển về Tây Ninh cung cấp nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến đường trên địa bàn tỉnh giảm mạnh từ 900.000 đồng/tấn/10 chữ đường (niên vụ 2017-2018) giảm xuống còn 720.000 đồng/tấn/10 chữ đường (niên vụ 2018- 2019), gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư sản xuất cho niên vụ tiếp theo, làm cho người nông dân không còn muốn gắn bó với cây mía như trước đây.

Hơn nữa, một số cửa hàng kinh doanh bán hàng miễn thuế trước đây như Siêu thị GC, các cửa hàng dọc tuyến đường 51 của Công ty Phi Long đóng cửa, cơ sở vật chất xuống cấp, chủ đầu tư chưa có giải pháp chuyển đổi để sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có. Tình trạng ách tắc giao thông tại đoạn từ ngã tư cửa khẩu đến Trạm kiểm soát Liên hợp Mộc Bài vẫn còn tiếp diễn. Do việc ùn tắc giao thông nên lượng xe container vận chuyển hàng hóa đã chuyển sang đi cửa khẩu khác rất nhiều. Nguyên nhân do các khu công nghiệp phía Campuchia ngày càng phát triển, lưu lượng hàng hóa qua lại cửa khẩu Mộc Bài-Ba Vet ngày càng gia tăng.

Để hoạt động thương mại biên giới khởi sắc hơn trong thời gian tới, Sở Công Thương chủ trì theo dõi hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo tham mưu UBND tỉnh xử lý, giải quyết vướng mắc, bảo đảm hoạt động thông suốt và thuận lợi, đúng quy định; hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân tỉnh Tây Ninh trong hoạt động hỗ trợ đầu tư, hợp tác sản xuất nông sản với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và vận chuyển nông sản sau thu hoạch về Tây Ninh niên vụ 2019- 2020 và niên vụ 2020-2021.

Song song đó, Cục Hải quan tỉnh xây dựng kế hoạch công tác kiểm soát Hải quan, kế hoạch phòng chống ma túy năm 2020. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chiều sâu, đặc biệt là công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình địa bàn, tăng cường xây dựng, triển khai các chuyên đề, kế hoạch đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời, hiệu quả các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.

Tăng cường công tác kiểm soát Hải quan, công tác kiểm soát phòng, chống ma túy tại các địa bàn trọng điểm. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình quản lý rủi ro, tăng cường công tác thu thập xử lý thông tin nghiệp vụ Hải quan. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/ VCIS.

Nhi Trần