Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2021: Nông nghiệp Tây Ninh duy trì tốc độ, chất lượng tăng trưởng 

Cập nhật ngày: 03/01/2022 - 07:24

BTN - Bên cạnh những mặt đạt được, năm 2021, nông nghiệp Tây Ninh đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh nói riêng còn chưa cao, cơ cấu lại nông nghiệp vẫn chậm.

Chăn nuôi gà an toàn sinh học. Ảnh minh hoạ

Năm 2021, ngành Nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi; đặc biệt đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư gây sức ép nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Để khắc phục những khó khăn trên, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, Sở NN&PTNT chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc phối hợp với sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân duy trì và ổn định sản xuất, tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh.

Sản xuất ổn định dù đối mặt nhiều khó khăn

Năm 2021, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, tác động xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá, các chỉ tiêu chủ yếu ước tăng so với năm 2020, cụ thể: tổng giá trị sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản đạt 11.350 tỷ đồng, đóng góp 22,1% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Tổng diện tích gieo trồng đạt 383.555 ha, nâng giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 102 triệu đồng, tăng thêm 2 triệu đồng so với năm 2020; phát triển đàn gia súc trên 325.000 con và gần 9 triệu con gia cầm; tỷ lệ che phủ rừng 16,3%; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 99,2%; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng số xã đạt tiêu chí NTM lên 55/71 xã, trong đó, có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao- chiếm 11,2% tổng số xã...

Bên cạnh những mặt đạt được, năm 2021, nông nghiệp Tây Ninh đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế. Tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh nói riêng còn chưa cao, cơ cấu lại nông nghiệp vẫn chậm.

Dịch bệnh trên cây trồng (khảm lá khoai mì), vật nuôi (viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả heo châu Phi) diễn biến phức tạp; đặc biệt, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản.

Giá vật tư nông nghiệp đầu vào, công lao động tăng mạnh, trong khi giá nông sản không ổn định, không xuất khẩu được, bị hạn chế trong việc vận chuyển do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.

Kinh tế hợp tác tuy có tăng về số lượng nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân để sản xuất theo chuỗi giá trị nên việc tiêu thụ sản phẩm còn chưa ổn định.

Ngoài ra, vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh còn chậm, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc qua phần mềm Kipus, cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ cấp vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi… vẫn còn ở mức mô hình, nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, đạt tiến độ kế hoạch. Ngành Nông nghiệp thường xuyên tham gia các hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá tình hình sản xuất các vụ trong năm; thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Qua đó, nắm bắt thông tin sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, kịp thời chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương ổn định sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại kép- vừa thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 trên người, vừa phải chịu thiệt hại do dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi- cho người dân và doanh nghiệp”.

Hiện nay, để bảo đảm cho nguồn cung sản phẩm dịp tết nguyên đán, ngành đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân xuống giống các cây trồng ngắn ngày vụ Đông Xuân 2021-2022.

Tính đến cuối tháng 12.2021, đã xuống giống trên 26.000 ha; trong đó: cây lúa 9.000 ha, bắp 1.000 ha, rau các loại 2.700 ha, đậu các loại 1.140 ha, mì 10.330 ha, đậu phộng 1.590 ha, còn lại là các cây trồng khác. Phát triển đàn gia súc trên 330.000 con và trên 9 triệu con gia cầm. Dự đoán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nguồn cung ứng nông sản, thực phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh “bình thường mới”

Bước sang năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Với mục tiêu khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh “bình thường mới”, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông - lâm - thuỷ sản, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, trong thời gian tới, ngành NN&PTNT Tây Ninh tập trung hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sản xuất theo định hướng cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh và hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương trong tình hình dịch Covid-19; đặc biệt là Kế hoạch số 3826/KH-UBND ngày 1.11.2021 của UBND tỉnh về sản xuất, tiêu thụ, lưu thông và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, nhằm duy trì chuỗi sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu nông sản ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác thông tin thị trường, định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tiếp tục phát triển thương mại điện tử để tăng kênh phân phối tiêu thụ, nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng, giảm khâu trung gian, mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất.

 Tiếp tục thực hiện các giải pháp mang tính đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng một số nội dung chiến lược: Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông; Đề án phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao tại Tân Châu; sắp xếp, đổi mới, nâng cao hoạt động các công ty nông nghiệp…

Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện các chính sách như: chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất theo định hướng, thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh “bình thường mới”, tạo động lực cho ngành nông nghiệp khôi phục và phát triển.

Trúc Ly