Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Năm 2021: Sẽ đầu tư kiên cố hoá 200 m kênh tiêu N13-3-6
Thứ năm: 21:53 ngày 26/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vào mùa mưa, kênh tiêu đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tiêu thoát nước, chống ngập úng cục bộ cho khu vực dân cư. Tuy nhiên, do lưu lượng nước đổ về lớn, chảy xiết khiến một số tuyến kênh chưa được bê tông hoá bị xói lở, thậm chí tràn bờ, ảnh hưởng đến việc sản xuất của người nông dân.

Đoạn kênh N13-3-6 bị bồi lắng khiến nước không chảy kịp

Theo ông Nguyễn Văn Thuyền (tên thường gọi là Chum) ngụ ấp Sóc Lào, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tuyến kênh N13-3-6 đã được kiên cố hoá bằng bê tông từ nhiều năm trước, chỉ còn khoảng 200m (phần đi qua ruộng ông) chưa được xây dựng. Mùa mưa đến, nước đổ dồn về, cuốn trôi hết đất cát, khiến bờ kênh hai bên bị sạt lở.

“Năm nào tôi cũng phải đắp đất gia cố hai bên bờ kênh, nhưng cứ đến mùa mưa là nước cuốn trôi hết, khoảng hai năm trở lại đây, do bệnh tật, sức khoẻ yếu, tôi không thể tiếp tục đắp nữa, đề nghị các cấp chính quyền hỗ trợ xây dựng, bê tông hoá đoạn kênh này, riêng tôi sẽ hiến phần đất để Nhà nước làm bờ cho đoạn kênh” - ông Chum chia sẻ.

Cũng theo ông Chum, mặc dù được kiên cố hoá bằng bê tông nhưng đoạn kênh từ đường 789 đến đầu ruộng của ông bị bồi lắng, nước không chảy kịp nên tràn qua vườn cao su của gia đình, làm cây không phát triển được. Cũng vì vậy, dù cây đã gần 5 năm tuổi nhưng vẫn chưa thể khai thác được. Ông rất mong địa phương, ngành chức năng có giải pháp nạo vét và bê tông hoá đoạn kênh này, giúp tiêu thoát nước hiệu quả.

Ông Trần Đăng Danh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, qua khảo sát thực tế, đoạn cuối kênh N13-3-6 là mương nội đồng, có thiết kế tưới dưới 50 ha, theo quy định thuộc về quyền quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là UBND thị xã Trảng Bàng.

Cũng theo ông Danh, thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua, công ty phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát hiện trạng kênh nội đồng có diện tích tưới thiết kế nhỏ hơn 50 ha trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, đã thống kê và đề xuất các huyện, thành phố và thị xã lập danh mục đưa vào phân kỳ đầu tư 393 tuyến kênh, với tổng chiều dài 150.503m. Việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh này sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1 (từ năm 2020-2025), sẽ sửa chữa và nâng cấp kiên cố hoá 230 tuyến, tổng chiều dài 91.210m. Giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030), sẽ sửa chữa và nâng cấp kiên cố hoá 163 tuyến, tổng chiều dài 59.293m.

Qua trao đổi, ông Lê Chính Nghĩa - Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Trảng Bàng cho biết, qua khảo sát thực tế, đoạn kênh khoảng 200m được ông Nguyễn Văn Thuyền kiến nghị là đoạn cuối của tuyến kênh tiêu N13-3-6.

Sau khi nắm tình hình thực tế, ông trao đổi với lãnh đạo UBND xã Đôn Thuận, đề nghị đưa vào kế hoạch thực hiện bê tông kiên cố hoá đoạn kênh trên bằng nguồn vốn đất lúa năm 2021 của địa phương, Phòng sẽ tham mưu UBND Thị xã bổ sung nguồn vốn để xã thực hiện trong năm 2021.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục