Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2022: 6/6 chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch 

Cập nhật ngày: 16/01/2023 - 07:40

BTN - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (bìa trái) tham quan khu sơ chế đóng gói trứng gà của Công ty TNHH QL Việt Nam Agroresources

Một năm vượt khó của ngành Nông nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm 2022, ngành Nông nghiệp Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng giá vật tư đầu vào và ảnh hưởng trực tiếp sản xuất và xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thuỷ sản.

Mặc dù vậy, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, năm 2022, ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, toàn diện, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch: trong đó, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36% là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây (Chính phủ giao 2,5% - 2,8%); kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 53,22 tỷ đô la (USD), thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 73,06% (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 78% (Chính phủ giao 77%); tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42,02%.

Nổi bật là việc chuyển đổi nhiều diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả trong nuôi trồng thuỷ sản; các quy trình sản xuất hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên cũng như vật tư đầu vào được áp dụng và nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ được phát triển, nhân rộng...

Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt đạt 104,2 triệu đồng, tăng 0,6% so với năm 2021, sản lượng thịt các loại đạt 7,05 triệu tấn, trong đó thịt heo tăng 5,9%, gia cầm tăng 4,5% so với năm 2022; sữa tươi 1,28 triệu tấn, tăng 10,2%; trứng 18,3 tỷ quả, tăng 4,4%.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 8,6%. Tổng sản lượng thuỷ sản 9,03 triệu tấn, tăng 2,7%; trong đó khai thác trên 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% và nuôi trồng 5,16 triệu tấn, tăng 6,3%.

Công tác phát triển rừng được quan tâm thực hiện, diện tích rừng trồng mới tập trung 300 ngàn héc-ta. Các biện pháp bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm nên rừng được bảo vệ tốt hơn. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Đó là những kết quả cụ thể, có thể nhìn thấy rõ của một năm mà ngành NN&PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thẳng thắn nhìn nhận, ngành Nông nghiệp còn nhiều hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục, đó là:

Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế.

Nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khiến giá thức ăn chăn nuôi, phân bón... tăng cao; khai thác thuỷ sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất.

Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản. Đồng thời, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc ngành Nông nghiệp đạt thấp hơn so với năm 2021, cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối. Bên cạnh đó, giá vật tư xây dựng tăng ở mức cao đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các dự án.

Một số địa phương có biểu hiện chạy theo phong trào công nhận sản phẩm OCOP, chưa chú ý đến hiệu quả của Chương trình.

Mục tiêu phát triển năm 2023 đạt 3%

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine...

Mặc dù vậy, ngành NN&PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%...

Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành đang nắm giữ nguồn tài nguyên, nguồn lực rất lớn của đất nước, để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn...

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.

Thủ tướng đặt mục tiêu phát triển cao hơn cho ngành Nông nghiệp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong năm 2022, tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi. Song, ngành NN&PTNT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm, đóng góp vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước.

Thủ tướng thay mặt Chính phủ biểu dương và mong muốn, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được, phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2023.

Thủ tướng đề nghị ngành phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn khoảng 60%.

Để đạt được những mục tiêu đó, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành Nông nghiệp phải quán triệt, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội để xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, lấy nông dân là trung tâm, xây dựng nông thôn là nền tảng, phát triển nông nghiệp là động lực.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hoá và du lịch; phối hợp với ngành ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn- nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hoá sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Thủ tướng lấy ví dụ như các mô hình đưa trái cây lên sườn dốc, trồng cà phê ở các vùng lâu nay không có truyền thống.

Minh Dương