Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Năm 2023, cho vay theo Nghị quyết 11 hơn 22.700 tỷ đồng
Thứ năm: 08:48 ngày 16/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm 2023, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng theo NQ.11 và theo rà soát từ các địa phương, dự kiến kinh phí 22.770 tỷ đồng để cho vay.

Đại biểu dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Chiều 15.2, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 (NQ.11) và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Ông Hầu A Lềnh- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì hội nghị.

Dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh; ông Đào Anh Tuấn- Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Tây Ninh và đại diện một số sở ngành có liên quan.

Thực hiện NQ.11, năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình trái phiếu ngân hàng chính sách xã hội, với tổng khối lượng phát hành là 20.400 tỷ đồng, trong đó cho vay các chương trình tín dụng theo NQ.11 là 19.000 tỷ đồng.

Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, xác định nhu cầu vay vốn bảo đảm đúng đối tượng, điều kiện; công khai dư nợ vay, số tiền hỗ trợ lãi suất hằng tháng của từng khách hàng.

Một buổi giải ngân cho vay của NHCSXH Tây Ninh

Sau 1 năm triển khai thực hiện NQ.11, NHCSXH đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng  đạt 16.024/19.000 tỷ đồng với gần 300.000 lượt khách hàng, đạt 84,3%. Tập trung vào các chương trình cho vay: việc làm; nhà ở xã hội; học sinh, sinh viên mua máy, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến...

Tuy nhiên, tại một số địa phương, tiến độ rà soát, lập, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách còn chậm. Trong đó 7 địa phương chưa phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng; một số địa phương đã phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách nhưng chưa bảo đảm yếu tố pháp lý để NHCSXH thực hiện cho vay.

Một số chương trình cho vay còn đạt thấp, như cho vay nhà ở xã hội đạt 86% chỉ tiêu; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 60,3% chỉ tiêu và cho vay theo Nghị định số 28 của Chính phủ đạt xấp xỉ 35%. Chưa giải ngân được nguồn vốn chính sách hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý…

NHCSXH tỉnh thăm gia đình vay vốn để khôi phục kinh tế.

Năm 2023, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng theo NQ.11 và theo rà soát từ các địa phương, dự kiến kinh phí 22.770 tỷ đồng để cho vay.

Để bảo đảm nguồn vốn vay cho các đối tượng, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tăng vốn các chương trình cho vay ưu đãi, bảo đảm tối đa lên 38.400 tỷ đồng. Cùng với đó, sớm phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu.

Các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi. Các địa phương ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho vay theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 40 và Nghị định số 27 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; sớm ban hành định mức giao đất ở, đất sản xuất, lồng ghép hiệu quả công tác dạy nghề, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục