Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Năm 2023- dấu ấn du lịch Tây Ninh
Thứ ba: 14:23 ngày 27/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh đã và đang tập trung nhiều giải pháp, nguồn lực để tạo nên sức bật mới cho ngành du lịch, đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần đầu tiên trở thành lễ hội thu hút du khách

Xác định du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, Tây Ninh đã và đang tập trung nhiều giải pháp, nguồn lực để tạo nên sức bật mới cho ngành du lịch, đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Mục tiêu ấy dần trở thành hiện thực khi những kết quả đạt được cho thấy Tây Ninh đang có những hướng đi mới hiệu quả.

5,1 triệu lượt khách đến Tây Ninh

Tây Ninh, một tỉnh có đường biên giới dài hơn 234 km giáp Vương quốc Campuchia, đã và đang nổi lên trên bản đồ du lịch của cả nước. Đặc biệt, núi Bà Đen đang trở thành biểu tượng và trung tâm dẫn dắt, tạo sức hút mới cho ngành du lịch Tây Ninh.

Chiều 31.12, một ngày cuối cùng của năm 2023, Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain đón vị khách thứ 5 triệu đi cáp treo đã ghi lại dấu ấn lớn. Đây có lẽ là một trong những sự kiện nổi bật về du lịch ở Tây Ninh trong năm qua.

Năm 2023 được xem là một năm thành công của du lịch Tây Ninh nói chung và khu du lịch Sun World Ba Den Mountain nói riêng. Bà Đào Thị Việt - Phó Giám đốc SunWorld BaDen Mountain cho biết, việc hệ thống cáp treo núi Bà Đen ghi dấu mốc đón 5 triệu lượt khách là sự kiện đặc biệt đối khu du lịch, góp phần đưa du lịch Tây Ninh vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Đây là một con số kỷ lục kể từ khi Sun World Ba Den Mountain ra mắt hệ thống cáp treo hiện đại vào năm 2020 cùng quần thể công trình văn hoá tâm linh độc đáo trên đỉnh núi Bà.

Biểu diễn nghệ thuật đậm màu sắc rất riêng của Tây Ninh ở độ cao 986m trên đỉnh núi Bà Đen.

Còn theo bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, năm 2023 tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển du lịch, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, góp phần lan toả đến các điểm du lịch lân cận.

Điểm nhấn đặc biệt nhất của năm 2023 của ngành du lịch Tây Ninh là tăng cả lượng du khách, tổng doanh thu cũng cơ sở hạ tầng du lịch. Theo thống kê, năm 2023, tổng doanh thu du lịch của Tây Ninh ước đạt 2.000 tỷ đồng (kế hoạch 1.800 tỷ đồng); khách tham quan tại các khu, điểm du lịch hơn 5,1 triệu lượt, đạt 102% kế hoạch. Lượng khách tham quan tăng thúc đẩy tăng trưởng các ngành, dịch vụ khác. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán 2024 lượng du khách sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Đây là những con số ấn tượng nhất từ trước đến nay mà ngành du lịch Tây Ninh phấn đấu đạt được. Đó không chỉ đơn thuần phản ánh cách tư duy làm mới du lịch của Tây Ninh mà còn là sự kiên trì để đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội năm 2023 được tỉnh tổ chức hoành tráng, thành công góp phần đưa những tiềm năng, lợi thế đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, sản phẩm du lịch của Tây Ninh lan toả trong và ngoài nước.

Một tỉnh lẻ vùng biên giới đã để lại ấn tượng lớn tại thủ đô Hà Nội. Đó là khi những điệu múa trống Chhay dăm- di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mang bản sắc rất riêng của Tây Ninh được lan toả; là khi sản vật đặc sản bánh tráng Trảng Bàng, muối ớt Tây Ninh được du khách quốc tế trải nghiệm, trầm trồ khen ngợi. Và đó là một cơ hội lớn để tăng liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, thu hút đầu tư về Tây Ninh.

Chưa dừng lại ở đó, để du khách muốn trở lại Tây Ninh, các khu di tích, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh liên tục được kết nối, nâng cấp, chỉnh trang từ cơ sở vật chất đến nâng cao dịch vụ, đảm bảo an ninh. Đặc biệt, nhiều sự kiện thể thao cấp quốc gia, khu vực được tỉnh đăng cai tổ chức, góp phần tạo sân chơi, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của tỉnh và thu hút lượng lớn khách du lịch đến Tây Ninh.

Trải nghiệm “xuyên mây” bằng hệ thống cáp treo hiện đại.

Một trong giải pháp đi kèm là việc tỉnh ký kết và đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, bao gồm các công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển và liên kết sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực du lịch, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

Riêng hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư với các dự án trọng điểm để kết nối Tây Ninh với các tỉnh thành lớn như: cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh; đường kết nối ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương); ĐT.782 và ĐT.784; đường liên tuyến kết nối vùng N8 - ĐT.787B-ĐT.789, cầu An Hòa nối qua tỉnh Long An…

Các tăng ni, phật tử tham qua đỉnh núi Bà Đen tạo nên màu sắc tâm linh trang nghiêm.

Núi Bà Đen - điểm đến lan toả cho du lịch

Bà Trần Thị Huy Hoàng lý giải, mỗi địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ đều có thế mạnh, tiềm năng về sản phẩm du lịch khác nhau. Vì vậy việc liên kết phát triển du lịch là một bước đi cần thiết để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Từ đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xóa bỏ hình thức làm du lịch manh mún, tạo nên những sản phẩm du lịch và dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng, tiêu chuẩn cao, xứng tầm quốc gia, hướng tới nâng tầm quốc tế để làm nên “bàn đạp” cho du lịch từng địa phương phát triển, cũng chính là tạo nên các mắt xích bền vững, chất lượng cho sự liên kết phát triển du lịch của vùng Đông Nam Bộ đạt hiệu quả cao hơn.

Trong khi đó, theo kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh Tây Ninh, mục tiêu giai đoạn 2021 -2025, doanh thu du lịch Tây Ninh sẽ đạt con số ấn tượng - 9.000 tỷ đồng; khách tham quan đạt 18 triệu lượt. Định hướng đến năm 2030, du lịch tỉnh sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên.

Chi tiêu bình quân du khách đến Tây Ninh đạt trên 1,3 triệu đồng/người/ngày. Với những con số này, nếu Tây Ninh liên tục “làm mới mình” thì tương lai mục tiêu đề ra cho ngành du lịch Tây Ninh là hoàn toàn trong tầm tay. Mỗi một điểm du lịch tập trung thay đổi, tạo sức hút, lan toả, tương tác trải nghiệm cho du khách là điều không khó.

Đông đảo du khách trải nghiệm nơi sương mù bao phủ độc nhất Tây Ninh - đỉnh núi Bà Đen.

Kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch tỉnh giai đoạn 2023-2025 cũng xác định mục tiêu là các điểm tham quan trọng điểm, có vai trò kết nối, lan toả và hệ thống lại danh mục các lễ hội đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, Tây Ninh xác định 4 điểm tham quan trọng điểm: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen; Di tínch lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Toà  Thánh Cao Đài và Hồ Dầu Tiếng.

Đặc biệt, tỉnh định hướng chọn tập trung phát triển núi Bà Đen trở thành Khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia; đồng thời là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương cũng như khu vực Đông Nam Bộ.

Cùng với đó, Tây Ninh sẽ tập trung quảng bá 10 lễ hội: Hội Xuân núi Bà Đen; Đại lễ Đức Chí Tôn; Hội Yến Diêu Trì Cung; Chol Chnam Thmay; Lễ hội Dol - ta; Lễ hội Quan lớn Trà Vong; Lễ Kỳ yên đình Gia Lộc; Lễ Vía bà Linh Sơn Thánh Mầu; Lễ hội Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay.

Một lợi thế lớn nhất của Tây Ninh để đạt mục tiêu khi sở hữu ngọn núi được mệnh danh là nóc nhà Nam bộ - cao 986m nằm trong quần thể trải rộng trên diện tích 24km2 giữa đồng bằng, gồm 3 ngọn núi tạo thành: núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen.

Từ lâu, núi Bà Đen đã trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch dã ngoại và du lịch tâm linh ở Nam Bộ. Đặc biệt, được biết đến là ngọn núi linh thiêng với một hệ thống chùa, am, động, miếu và các công trình tâm linh độc đáo.

Theo đó, quần thể chùa Bà gồm 6 ngôi chùa trải dài từ chân lên đến lưng chừng núi Bà Đen. Trong đó, nằm ngay dưới chân núi là chùa Linh Sơn Phước Trung (còn gọi là Chùa Trung); sau đó đến chùa Long Châu Phước Trung; Linh Sơn Tiên Thạch Tự (chùa Bà), cũng là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống các chùa tại núi Bà Đen, được hình thành từ thế kỷ 18 nằm lưng chừng núi ở độ cao 350m, gắn liền với huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu được tôn là Bồ Tát, biểu tượng tín ngưỡng của người dân Nam bộ; chùa Linh Sơn Hoà Đồng (chùa Hoà Đồng), nằm biệt lập ở một góc núi Bà Đen, du khách sẽ có dịp chiêm bái tượng Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn trên đường đến ngôi chùa này; chùa Linh Sơn Long Châu (chùa Hang) và chùa Quan Âm. Đặc biệt, quần công thể công trình tâm linh độc đáo trên đỉnh núi vừa mang nét hiện đại, vừa mang nét cổ kính khiến những ai đến chiêm bái cũng ngỡ ngàng.

Núi Bà Đen thành khu du lịch với nhiều sản phẩm đặc sắc, có sức lan toả lớn.

Trong không gian trang nghiêm như chốn bồng lai giữa một quần thể các công trình tâm linh cổ kính và hiện đại trải dài khắp núi Bà Đen, những đoàn du khách, tăng ni, Phật tử đã đến thành tâm chiêm bái, cầu an tăng mạnh mỗi năm.

Không đâu được như ở đỉnh núi Bà Đen, trước trụ kinh Bát Nhã cao hơn 20m, khắc 12.000 chữ Tây Tạng dát vàng, du khách nghiêm trang chiêm bái. Đặc biệt ai nấy đều thành tâm đảnh lễ trước xá lợi đức Phật Thích Ca, an tọa trang trọng trong bảo tháp lưu ly hai tầng, trong trung tâm triển lãm Phật giáo, dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Đây là ngọc xá lợi của Đức Phật do Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ trao tặng Việt Nam vào năm 2014, được chùa Thiên Hưng (tỉnh Bình Định) cúng dường.

Khắp các nẻo đường đến Linh Sơn Tiên Thạch Tự (còn gọi là chùa Bà) những ngày này đều tấp nập, đông vui, khói hương nghi ngút

Và trong các dịp lễ, tết, nhiều chương trình trình diễn nghệ thuật văn hoá dân gian mang dấu ấn văn hoá rất riêng của Tây Ninh như múa trống Chhay dăm, Đờn ca tài tử Nam bộ, biểu diễn dàn nhạc Ngũ âm của người Khmer, biểu diễn Lân - Sư - Rồng… ngay trên đỉnh núi.

N.T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục