Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Năm 2023, kinh tế Tây Ninh tiếp tục tăng trưởng
Thứ sáu: 00:00 ngày 08/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua đánh giá tình hình phát triển kinh tế năm 2023, nhìn chung, giá trị sản xuất các ngành đều tăng, góp phần vào tăng trưởng chung. Mặc dù mức tăng trưởng chưa đạt so với kế hoạch nhưng đây là sự nỗ lực lớn của tỉnh trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chức năng kiểm soát người, phương tiện qua lại cửa khẩu Vạc Sa (Tân Châu).

Ước tăng trưởng 5,5%

UBND tỉnh đánh giá, năm 2023, cùng với cả nước, tỉnh Tây Ninh đối mặt với nhiều khó khăn chưa thể khắc phục, kinh tế chịu tác động bởi những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và hạn chế, bất cập kéo dài; khả năng cạnh tranh cũng như sức chống chịu đã tới hạn.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2023; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giải quyết những tồn đọng kéo dài và vấn đề đột xuất phát sinh. Nhiều chính sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả.

Thực hiện 20 chỉ tiêu về phát triển KT-XH theo nghị quyết HĐND tỉnh giao, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 7 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Cụ thể, chỉ tiêu kinh tế: có 3/10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; chỉ tiêu văn hoá - xã hội: 7/7 chỉ tiêu đạt kế hoạch; chỉ tiêu môi trường: 3/3 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Đánh giá khái quát về tình hình phát triển kinh tế năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho biết, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện trên 59.200 tỷ đồng, ước tăng 5,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức bình quân chung của cả nước nhưng chưa đạt mục tiêu kế hoạch của tỉnh (kế hoạch 2023 tăng 8% trở lên).

Sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực hơn ở những tháng cuối năm, chỉ số công nghiệp ước cả năm tăng 8,9%, tăng ở các doanh nghiệp lớn trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất săm lốp xe, đường, thức ăn gia súc, gia cầm và thiết bị điện.

Du lịch tiếp tục tăng trưởng, tăng cả về lượng khách tham quan và doanh thu với 5,1 triệu lượt khách và doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng. Tỉnh đã tổ chức thành công sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội” năm 2023. Tỉnh kỳ vọng không ngừng mở ra những tiềm năng, lợi thế đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, sản phẩm du lịch của Tây Ninh, đồng thời tạo dấu ấn và cơ hội liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhằm thu hút đầu tư nhiều hơn nữa cho Tây Ninh.

Ước tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 đạt 100% dự toán được giao. Các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công đã nỗ lực trong công tác triển khai và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Theo kết quả công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tỷ lệ giải ngân 10 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thì Tây Ninh xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, dự kiến giải ngân năm 2023 đạt 95,33% kế hoạch.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài dự kiến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong quý IV/2023. Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh), Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Sản xuất ở Khu công nghiệp Trảng Bàng (ảnh: Tâm Giang)

Khơi động lực tăng trưởng năm 2024

Năm 2024 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, đặt ra áp lực lớn hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 31, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, qua rà soát các chỉ tiêu, tỉnh xác định có những chỉ tiêu đạt nhưng cũng có những chỉ tiêu khó đạt hoặc không đạt. Do đó, phải xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và cả năm 2025 sao cho phù hợp với khả năng, nguồn lực của tỉnh trên cơ sở chuyển hoá được những giá trị có thể đóng góp vào tăng trưởng của từng lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực, dự án được xác định là động lực tăng trưởng.

Qua đánh giá tình hình phát triển kinh tế năm 2023, nhìn chung, giá trị sản xuất các ngành đều tăng, góp phần vào tăng trưởng chung. Trong năm tới, UBND tỉnh đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá về nông nghiệp, du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông; thể chế và phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường liên kết vùng, triển khai các chương trình hợp tác đã ký kết với các đơn vị, địa phương, nhất là hợp tác phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phát triển KT-XH giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ.

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá X đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện Quy hoạch tỉnh đang được hoàn thiện sau rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12.2023. Sau khi Quy hoạch được phê duyệt, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Tây Ninh năm 2024. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch thứ cấp để đồng bộ với quy hoạch tỉnh, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Hoàn thành đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đến năm 2045. Nỗ lực giải quyết điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Sơ chế hạt điều tại một doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Tỉnh sẽ tập trung phát triển tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời bảo đảm thực hiện thủ tục thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Tỉnh cũng xác định phát triển kinh tế tư nhân thực sự là động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng kinh tế tập thể.

Phát biểu thảo luận về xác định động lực tăng trưởng năm 2024, ông Thành Từ Dũ- Bí thư Huyện uỷ Tân Biên cho biết, đất đai và hạ tầng vẫn là những động lực tăng trưởng quan trọng, hiện tại, nguồn thu từ đất đai có tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Do đó, thời gian tới, nếu những “điểm nghẽn” về đất đai được tháo gỡ sẽ tạo ra sự phát triển đáng kể; cần tinh gọn, minh bạch thủ tục đầu tư, công khai quy hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Về tổng thể vẫn lạc quan phấn đấu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 7%, nhưng để đạt được, mỗi ngành, địa phương, đơn vị phải vào cuộc thực hiện với quyết tâm cao. Đặc biệt, phải quan tâm hỗ trợ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang xin chủ trương đầu tư tại các địa phương. Mỗi dự án cần được nâng niu, trân trọng”.

Ước kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế năm 2023:

Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt ước đạt 109 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2022.

Cuối năm 2023 dự kiến tăng thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm ước tăng 8,9% so với cùng kỳ (kế hoạch 2023 tăng 15%), tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 36,06% (kế hoạch 2023 là 37%).

Kim ngạch xuất khẩu đạt 5,79 tỷ USD, đạt 83% so với kế hoạch, giảm 9,1% so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 108.055 tỷ đồng, tăng 11,5% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 40.755 tỷ đồng, tăng 10,1% so cùng kỳ, đạt 37,4% GRDP (kế hoạch năm 2023 là 37%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,9%, khu vực dân doanh tăng 9%, khu vực nhà nước tăng 3,1%.

Thu hút mới đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 734 triệu USD, trong đó cấp mới cho 28 dự án với vốn đầu tư 283 triệu USD, tăng vốn 36 lượt dự án với vốn tăng 454 triệu USD.

Phương Thuý - Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục