Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tỉnh thống nhất quan điểm “lấy quy hoạch làm động lực, là cơ sở, nền tảng để quản lý phát triển nhanh, bền vững” trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Một cánh đồng mía lớn
Trong nước, kinh tế có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng đang đứng trước áp lực lạm phát, thị trường xuất nhập khẩu khó khăn. Vì thế, chủ trương của Đảng và chính sách điều hành của Chính phủ là tiếp tục mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng; kiểm soát dịch bệnh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế.
Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước
Trong tỉnh, kinh tế đã có sự phục hồi tích cực trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt. Kết quả đầu tư hạ tầng trọng điểm, việc hoàn chỉnh và ban hành, triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng Đông Nam bộ sẽ tạo ra cơ hội mới, động lực mới cho địa phương phát triển.
Tuy nhiên, tỉnh ta tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như quy mô kinh tế, nguồn lực đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh còn thấp; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa theo kịp sự phát triển; tình hình ngoại biên, biên giới, an ninh, trật tự còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp phải quan tâm phòng ngừa, giải quyết.
Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Tỉnh tiếp tục triển khai các đề án, dự án trong các lĩnh vực đột phá phát triển; đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm, động lực; rà soát, cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh và vùng; thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới; tích cực thu hút, hỗ trợ đầu tư xã hội, nâng cao tỷ lệ giải ngân; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số; tăng tính công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của cơ quan hành chính các cấp và cả hệ thống công quyền... Nghị quyết cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể, như:
Về kinh tế - xã hội, phấn đấu tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 8% trở lên; GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 4.100 USD; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 108 triệu đồng/ha. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP (giá hiện hành - chưa tính thuế sản phẩm): nông - lâm - thuỷ sản 18% - 19%; công nghiệp - xây dựng 46% - 47%; dịch vụ 29% - 30%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 11.000 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn bằng 37% GRDP; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8%...
Tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành; tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo khoa học, sâu sát cơ sở; đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, với quyết tâm chính trị cao, gương mẫu hành động, vận động, huy động sự ủng hộ, thống nhất hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị năm 2023; trong đó, tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tỉnh thống nhất quan điểm “lấy quy hoạch làm động lực, là cơ sở, nền tảng để quản lý phát triển nhanh, bền vững” trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát. Đồng thời, tỉnh tích cực tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Năm 2023, tỉnh tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá đạt từ 50% trở lên theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra. Tỉnh sớm rà soát và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025; tập trung xử lý tốt trình tự, thủ tục pháp lý để khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư/hoặc đang kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tổng đầu tư toàn xã hội, tạo năng lực sản xuất kinh doanh mới; tăng cường kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ.
Thu hoạch mía bằng cơ giới.
Tỉnh tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, phấn đấu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRGP đạt 37%; mời gọi đối tác chiến lược nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế Mộc Bài theo quy hoạch mới điều chỉnh…
Tỉnh cũng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh trong tỉnh tham gia phát triển thương mại điện tử; triển khai hiệu quả chương trình liên kết du lịch khu vực Đông Nam Bộ và các địa phương trong cả nước...
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành, đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp; hoàn thành và triển khai Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, gắn phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh chương trình phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng thương hiệu nông sản và đặc sản của tỉnh, phát triển thị trường; nâng hiệu quả triển khai chính sách, chương trình khuyến nông; tiếp tục đầu tư nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống người dân; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp còn 25%.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác là tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương; thực hiện có hiệu quả Đề án cải thiện, nâng cao các chỉ số PCI, ICT, PAPI, PAR Index giai đoạn 2020-2025, đưa Tây Ninh vào nhóm được đánh giá khá - tốt; tập trung triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
An Khang